08:16 - 26/06/2025

Cập nhật tiến độ thi công cầu Rạch Miễu 2 mới nhất?

Cập nhật tiến độ thi công cầu Rạch Miễu 2 mới nhất đang đảm bảo đúng tiến độ, dự kiến xong và khai thác tháng 8/2025.

Nội dung chính

    Cập nhật tiến độ thi công cầu Rạch Miễu 2 mới nhất?

    Cầu Rạch Miễu 2 là một trong những công trình giao thông nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, có chiều dài toàn tuyến khoảng 17,6 km có điểm đầu tại ngã tư Đồng Tâm (Châu Thành, Tiền Giang), điểm cuối nối vào Quốc lộ 60, cách mố phía bắc cầu Hàm Luông khoảng 700 m (TP Bến Tre).

    Dự án có tổng mức đầu tư hơn 6.810 tỷ đồng và đã được khởi công vào cuối tháng 3/2022.

    Tính đến tháng 6/2025, theo ghi nhận hiện nay cầu Rạch Miễu 2 đang bước vào giai đoạn nước rút với tiến độ tổng thể đã đạt khoảng 95%, toàn bộ tuyến đường phía Bến Tre và đường dẫn lên cầu đã cơ bản hoàn thành.

    Hiện các nhà nhà thầu đang tập trung hoàn thiện nút giao Quốc lộ 60 ở cuối tuyến dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 6.

    Trên toàn tuyến, đã có 4 trong số 6 cây cầu được hoàn thành, bao gồm cầu Xoài Hột, cầu Mỹ Tho, cuầ Tam Sơn và cầu Ba Lai. Hai cây cầu còn lại là cầu Sông Mã và cầu chính Rạch Miễu 2 đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

    Để đảm bảo tiến độ, các đơn vị thi công đang tổ chức làm việc 3 va, 4 kíp cùng với 600 công nhân, kỹ sư chia thành khoảng 30 mũi thi công liên tục với mục tiêu thông xe trước dịp Quốc khánh 2/9.

    Khi hoàn thành, cầu Rạch Miễu 2 sẽ góp phần giảm tải áp lực cho các tuyến đường hiện hữu, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho cả khu vực ĐBSCL.

    Cập nhật tiến độ thi công cầu Rạch Miễu 2 mới nhất?

    Cập nhật tiến độ thi công cầu Rạch Miễu 2 mới nhất? (Hình từ Internet)

    Tổ chức giao thông trên cầu đường bộ được quy định ra sao?

    Căn cứ tại Điều 5 Thông tư 84/2014/TT-BGTVT quy định tổ chức giao thông trên cầu đường bộ như sau:

    (1) Chế độ tổ chức giao thông trên cầu đường bộ

    - Chế độ không kiểm soát: các phương tiện tham gia giao thông đường bộ thỏa mãn điều kiện quy định tại các Điều 16, 17 và Điều 18 của Thông tư 07/2010/TT-BGTVT, được phép lưu thông bình thường qua cầu nếu không có biển báo hiệu đặt trước cầu (trừ biển thông tin cầu).

    - Chế độ kiểm soát: các phương tiện tham gia giao thông đường bộ thỏa mãn điều kiện quy định tại các Điều 16, 17 và Điều 18 của Thông tư 07/2010/TT-BGTVT, được phép lưu thông qua cầu nhưng phải tuân theo quy định của biển báo hiệu đặt trước cầu.

    - Chế độ kiểm soát đặc biệt: các phương tiện tham gia giao thông đường bộ vượt quá điều kiện quy định tại các Điều 16, 17 và Điều 18 của Thông tư 07/2010/TT-BGTVT hoặc có tổng trọng lượng, khổ giới hạn vượt quá trị số quy định trên biển báo hiệu đặt trước cầu, khi tham gia giao thông trên đường bộ phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Khi đó, việc lưu thông qua cầu phải tuân thủ quy định trong giấy phép (giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ), hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc phải có giải pháp gia cố (nếu cần thiết) nhằm đảm bảo an toàn công trình cầu.

    (2) Khi có sự cố gây mất an toàn giao thông, an toàn công trình cầu, cơ quan trực tiếp quản lý cầu phải có biện pháp cấp bách để bảo đảm giao thông, an toàn giao thông, an toàn công trình. Trường hợp hạn chế hoặc cấm lưu thông qua cầu, cơ quan trực tiếp quản lý cầu phải có biện pháp hướng dẫn, phân luồng và điều tiết giao thông qua cầu cho phù hợp với tình trạng kỹ thuật của cầu nhằm đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình, an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua cầu.

    (3) Việc điều hành giao thông trên cầu do cơ quan trực tiếp quản lý cầu phối hợp với các cơ quan chức năng, lực lượng khác để thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

    Quy định pháp luật về hành lang an toàn cầu Rạch Miễu 2 ra sao?

    Căn cứ tại Điều 15 Luật Đường bộ 2024 quy định hành lang an toàn đường bộ như sau:

    (1) Chiều rộng hành lang an toàn đường bộ được xác định theo nguyên tắc sau đây:

    -  Đối với đường ngoài đô thị, xác định từ mép ngoài phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ, theo quy mô, cấp kỹ thuật của đường; trường hợp đường hiện hữu chưa xác định cấp kỹ thuật, thì căn cứ chiều rộng mặt đường và tiêu chuẩn thiết kế đường để xác định cấp kỹ thuật tương ứng làm căn cứ xác định chiều rộng hành lang an toàn đường bộ;

    - Đối với đường đô thị, xác định từ mép ngoài phần đất để bảo vệ, bảo trì đường đô thị đến chỉ giới đường đỏ nhưng không lớn hơn chiều rộng hành lang của đường ngoài đô thị cùng cấp;

    - Đối với cầu, bến phà, cầu phao đường bộ, xác định theo chiều dọc, chiều ngang công trình và phụ thuộc cấp sông, quy mô công trình; đối với cầu cạn, cầu vượt trên cao, xác định từ mép ngoài của phần đất để bảo vệ, bảo trì cầu;

    - Đối với hầm đường bộ, xác định từ mép ngoài của phần đất bảo vệ công trình hầm ra xung quanh;

    - Đường bộ có kè, tường chắn bảo vệ nằm trong phạm vi đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ, xác định từ mép ngoài của kè, tường chắn bảo vệ trở ra nhưng không lớn hơn chiều rộng hành lang an toàn đường bộ quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 15 Luật Đường bộ 2024;

    - Đối với đường thôn, đường ngõ, ngách, kiệt, hẻm trong đô thị và đường khác không cho xe ô tô di chuyển thì không bắt buộc bố trí hành lang an toàn đường bộ.

    (2) Đối với đường bộ có hành lang an toàn chồng lấn với các công trình khác thì được phân định theo nguyên tắc sau đây:

    - Đường bộ có hành lang an toàn chồng lấn với hành lang an toàn đường sắt, việc phân định ranh giới quản lý theo nguyên tắc ưu tiên bố trí hành lang an toàn cho đường sắt. Việc quản lý, sử dụng hành lang an toàn đường sắt không được làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình đường bộ và an toàn giao thông;

    - Đường bộ có hành lang an toàn chồng lấn với hành lang bảo vệ đường thủy nội địa, việc quản lý, sử dụng hành lang bảo vệ đường thủy nội địa không được ảnh hưởng đến chất lượng công trình và an toàn giao thông;

    - Đường bộ đi chung với đê hoặc có hành lang an toàn chồng lấn với hành lang bảo vệ đê, việc phân định ranh giới quản lý theo nguyên tắc ưu tiên bố trí hành lang bảo vệ đê; trường hợp hành lang an toàn đường bộ lớn hơn hành lang bảo vệ đê thì tính theo hành lang an toàn đường bộ;

    - Tại các đoạn đường chồng lấn, giao nhau, hành lang an toàn đường bộ được xác định theo đường có cấp kỹ thuật cao hơn; các đường liền kề nhau thì xác định hành lang an toàn đường bộ theo đường ngoài cùng.

    (3) Việc xác định và quản lý mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ được quy định như sau:

    - Mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ được xác định theo quy mô, cấp kỹ thuật, hướng tuyến, phạm vi xây dựng công trình đường bộ;

    - Chủ đầu tư xây dựng công trình đường bộ có trách nhiệm tổ chức thực hiện cắm mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ; bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ, người quản lý, sử dụng đường bộ;

    - Cơ quan quản lý đường bộ, người quản lý, sử dụng đường bộ có trách nhiệm công bố công khai mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ; điều chỉnh, bổ sung mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ trong thời gian quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì công trình đường bộ;

    - Cơ quan quản lý đường bộ, người quản lý, sử dụng đường bộ, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    (4) Chính phủ quy định chi tiết Điều 15 Luật Đường bộ 2024

    Lê Minh Vũ
    Từ khóa
    Cầu Rạch Miễu 2 Rạch Miễu 2 Tiến độ thi công cầu Rạch Miễu 2 Tổ chức giao thông trên cầu đường bộ Hành lang an toàn cầu Rạch Miễu 2 Đường bộ
    32