Văn khấn cúng rằm tháng Giêng ngoài trời năm 2025. Những điều cần lưu ý khi cúng rằm tháng Giêng năm 2025
Nội dung chính
Văn khấn cúng rằm tháng Giêng ngoài trời năm 2025
Sau đây là mẫu văn văn khấn cúng rằm tháng Giêng ngoài trời năm 2025 tham khảo:
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần) Kính lạy: Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn Thần. Ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ Địa, ngài Bản gia Táo Quân cùng chư vị Tôn Thần. Các vị Tiên Linh, Gia Tiên họ (...) (tên họ của gia đình). Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng, năm (...) (năm hiện tại), tín chủ con là (...) (tên người khấn), cùng toàn thể gia đình thành tâm sắm sửa lễ vật, hương hoa, trà quả, đốt nén tâm hương, dâng lên trước án. Chúng con thành tâm kính mời: Các vị Tôn Thần cai quản khu vực này. Hương linh Gia Tiên nội ngoại họ (...) (tên họ của gia đình). Cúi xin các Ngài giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù hộ độ trì cho gia đình chúng con được năm mới an khang thịnh vượng, sức khỏe dồi dào, công việc thuận lợi, gia đạo bình an, mọi sự hanh thông, vạn sự như ý. Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì. Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần) |
Văn khấn cúng rằm tháng Giêng ngoài trời năm 2025. Những điều cần lưu ý khi cúng rằm tháng Giêng năm 2025 (Hình từ Internet)
Văn khấn cúng rằm tháng Giêng trong nhà năm 2025
Dưới đây là mẫu văn khấn cúng rằm tháng giêng trong nhà năm 2025 tham khảo:
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần) Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương. Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu Thổ, chư vị Tôn thần. Con kính lạy ngài Bản gia thổ địa Long Mạch Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức Tôn thần Con kính lạy ngài tiền hậu địa chủ tài thần Tín chủ (chúng) con là:... ngụ tại:.. Hôm nay là ngày rằm tháng Giêng năm Ất Tỵ, tín chủ con thành tâm sửa biện hương hoa lễ vật, kim ngân trà quả đốt nén hương thơm dâng lên trước án. Chúng con thành tâm kính mời ngài Kim Niên đương cai Thái Tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, ngài Bản gia Thổ địa, Long Mạch Tôn thần, các ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Phúc đức chính thần, các vị Tôn thần cai quản trong khu vực này. Cúi xin các Ngài nghe thấu lời mời thương xót thương tín chủ giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con toàn gia an lạc, công việc hanh thông. Người người được bình an, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm. Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì. Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần) |
Những điều cần lưu ý khi cúng rằm tháng Giêng năm 2025
Việc cúng Rằm tháng Giêng không chỉ thể hiện tín ngưỡng tâm linh mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về sự tri ân, báo hiếu và hướng thiện. Để buổi lễ diễn ra trang trọng, đúng phong tục, mỗi gia đình cần chuẩn bị chu đáo từ việc dọn dẹp bàn thờ, chọn nhang hương đến sắp xếp mâm cỗ dâng cúng phù hợp.
Dưới đây là những lưu ý quan trọng giúp lễ cúng Rằm tháng Giêng 2025 được trọn vẹn và ý nghĩa nhất.
(1) Dọn dẹp, lau chùi bàn thờ
Trước khi tiến hành nghi thức cúng Rằm tháng Giêng, các gia đình nên dành thời gian để lau dọn bàn thờ, giữ không gian thờ cúng trang nghiêm, sạch sẽ. Khi dọn dẹp, cần tránh làm xê dịch bát hương.
Trước khi bắt đầu, nên thắp một nén hương và khấn xin Thần linh, Gia tiên để bày tỏ lòng thành và xin phép lau dọn ban thờ nhằm chuẩn bị cho lễ cúng được chu đáo.
(2) Trang phục khi cúng
Khi thực hiện nghi lễ thắp hương, mọi người nên ăn mặc chỉnh tề, lịch sự để thể hiện sự tôn kính. Tránh mặc trang phục hở hang, rách rưới hoặc thiếu trang nghiêm khi dâng hương và khấn vái.
(3) Chọn nhang hương phù hợp
Việc lựa chọn nhang hương cũng rất quan trọng. Nên chọn loại hương có mùi thơm nhẹ, dễ chịu, tránh những loại có mùi quá nồng hoặc chứa hóa chất độc hại. Ngoài ra, cần đảm bảo nhang khô ráo, tránh bị ẩm ướt dễ gây tắt hương khi thắp.
(4) Chuẩn bị mâm cúng
Tùy vào truyền thống gia đình và điều kiện kinh tế, mâm cúng có thể được chuẩn bị đơn giản hoặc cầu kỳ. Dưới đây là gợi ý về các mâm cúng phổ biến:
- Mâm cúng gia tiên:
+ Hương, đèn, hoa tươi (có thể chọn hoa cúc, hoa lay ơn…).
+ Trái cây ngũ quả, chọn những loại quả tươi ngon, màu sắc đẹp.
+ Xôi chè: Xôi gấc, xôi đậu xanh, chè kho hoặc chè đậu.
+ Bánh: Bánh chưng, bánh giầy, bánh kẹo.
- Mâm cỗ mặn (tùy theo phong tục từng nhà):
+ Gà luộc hoặc thịt heo.
+ Giò chả.
+ Canh măng, canh bóng hoặc canh miến.
+ Cơm trắng.
+ Rau củ xào.
+ Rượu, trà, nước dâng lên tổ tiên.
+ Vàng mã (nếu gia đình có tục đốt vàng mã, nên hạn chế đốt quá nhiều để tránh lãng phí).
- Mâm cúng Phật (đối với gia đình theo đạo Phật):
+ Hoa tươi: Hoa cúc, hoa huệ, hoa lay ơn (màu vàng hoặc trắng).
+ Trái cây ngũ quả (tùy theo vùng miền có thể thay đổi loại quả).
+ Xôi chè: Xôi gấc, xôi đậu xanh hoặc chè trôi nước.
+ Bánh: Bánh chưng, bánh giầy hoặc các loại bánh kẹo khác.
+ Nước trắng hoặc trà để dâng lên bàn thờ.
- Mâm cúng Thổ Công, Thổ Địa:
Lễ vật tương tự như mâm cúng gia tiên, nhưng có thể bổ sung thêm muối, gạo và thuốc lá (tùy theo phong tục từng nhà).
Việc chuẩn bị mâm cúng Rằm tháng Giêng có thể linh hoạt tùy vào điều kiện kinh tế cũng như truyền thống của mỗi gia đình. Điều quan trọng nhất là sự thành tâm, hướng thiện và bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên, Thần linh để cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc.
Rằm tháng Giêng có phải là ngày lễ lớn trong năm không?
Căn cứ Điều 4 Nghị định 145/2013/NĐ-CP quy định như sau:
Các ngày lễ lớn
Các ngày lễ lớn trong nước bao gồm:
1. Ngày Tết Nguyên đán (01 tháng Giêng Âm lịch).
2. Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930).
3. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch).
4. Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975).
5. Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07-5-1954).
6. Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890).
7. Ngày Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02-9-1945).
Theo đó, Rằm tháng Giêng không được xem là một ngày lễ lớn trong năm.