Thứ 4, Ngày 06/11/2024

Văn bản số 33/2006/SL-LPQT về khuôn khổ hợp tác quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế giai đoạn 2006 – 2010 về xúc tiến việc làm bền vững tại Việt Nam do Bộ Ngoại giao ban hành

Số hiệu 33/2006/SL-LPQT
Ngày ban hành 12/07/2006
Ngày có hiệu lực 12/07/2006
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam,Tổ chức Lao động Quốc tế
Người ký Nguyễn Lương Trào
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

KHUÔN KHỔ

HỢP TÁC QUỐC GIA GIỮA NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

VĂN PHÒNG TỔ CHỨC LAO ĐỘNG QUỐC TẾ GIAI ĐOẠN 2006 – 2010 VỀ XÚC TIẾN VIỆC LÀM BỀN VỮNG TẠI VIỆT NAM

Lời nói đầu

Chiến lược Việc làm Bền vững của Tổ chức Lao động quốc tế đã được các Nước thành viên thông qua vào tháng 6 năm 1999, nhằm "xúc tiến cơ hội cho tất cả mọi người có việc làm bền vững và hiệu quả trong điều kiện tự do, bình đẳng, an toàn và nhân phẩm được tôn trọng"[1]. Chiến lược này được thực hiện thông qua bốn mục tiêu chiến lược, đó là: các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc; việc làm; bảo vệ xã hội và đối thoại xã hội.

Tại Hội nghị Khu vực Châu Á lần thứ 13 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) được tổ chức tại Băng Cốc vào tháng 8 năm 2001 các đại biểu "đã kêu gọi tất cả các Nước thành viên trong khu vực xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về Việc làm bền vững thông qua tiến hành ba bên" và đề nghị ILO "hỗ trợ các đối tác ba bên trong việc xây dựng các kế hoạch hành động quốc gia này"[2].

Khuôn khổ hợp tác quốc gia giữa Việt Nam và ILO giai đoạn 2006 – 2010 về Xúc tiến Việc làm Bền vững tại Việt Nam (sau đây gọi là Khuôn khổ hợp tác) là sự hưởng ứng của các đối tác ba bên của ILO ở Việt Nam đối với lời kêu gọi hành động nói trên. Khuôn khổ này đưa ra một khung chiến lược trong đó Chính phủ, các tổ chức của Người lao động và Người sử dụng lao động nhất trí cùng phối hợp hoạt động nhằm hướng tới mục tiêu Việc làm bền vững cho mọi người ở Việt Nam, với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế.

Khuôn khổ hợp tác sẽ được thực hiện trong bối cảnh Việt Nam triển khai Chiến lược phát triển Kinh tế - xã hội 10 năm (2001 – 2010) và Kế hoạch 5 năm Phát triển Kinh tế - xã hội (2006 – 2010). Khuôn khổ hợp tác này còn được xây dựng dựa trên các văn kiện liên quan khác như Báo cáo đánh giá quốc gia chung của Liên hợp quốc (CCA) năm 2004 và Khung hỗ trợ phát triển của Liên hợp quốc (UNDAF) giai đoạn 2006 – 2010.

Khuôn khổ hợp tác kéo dài trong 5 năm (2006 – 2010) sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo những yêu cầu thay đổi của đất nước và của các đối tác ba bên trong quá trình Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Những hành động ưu tiên cụ thể sẽ được đưa ra 2 năm một lần và nêu rõ trong Chương trình hoạt động 2 năm của ILO cũng như được phản ánh trong các kế hoạch hoạt động hàng năm của các đối tác ba bên.

Các đối tác ba bên và các cơ quan điều phối viện trợ của Chính phủ sẽ thành lập một Ủy ban Hỗn hợp ILO/Việt Nam để hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện Khuôn khổ hợp tác quốc gia và sẽ cùng phối hợp để huy động các nguồn lực bên ngoài cho các dự án và các hoạt động nhằm hỗ trợ cho việc thực hiện Khuôn khổ hợp tác. Các nguồn lực cũng sẽ được phân bổ từ ngân sách thường xuyên của ILO trên cơ sở các kế hoạch hoạt động 2 năm của tổ chức.

1. Bối cảnh

Trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và hội nhập ngày càng sâu hơn vào các thị trường khu vực và toàn cầu hiện nay, những cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại và những nỗ lực gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới đang tác động tới lĩnh vực lao động trên mọi phương diện. Trong khi sự cạnh tranh khốc liệt về thị trường và đầu tư có nguy cơ làm tổn hại tới các điều kiện việc làm, thì lại có một nghịch lý là quá trình tự do hóa và hội nhập kinh tế khiến cho các ngành định hướng xuất khẩu bị người tiêu dùng ngoài nước (và các đối thủ cạnh tranh) theo dõi sát sao và phải đối mặt với những sức ép trong việc thực hiện tốt hơn các tiêu chuẩn lao động và việc cưỡng chế thực thi các quy định này một cách chặt chẽ hơn. Công nghệ mới tạo ra năng suất cao hơn nhưng lại đòi hỏi phải có sự rà soát lại các chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Chính sách công nghiệp hóa của đất nước mang lại lợi ích tăng trưởng kinh tế, song khả năng tạo việc làm lại phụ thuộc vào sự lựa chọn của các ngành công nghiệp. Các cực tăng trưởng tạo việc làm cho cả hai khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức, nhưng hậu quả của việc di cư từ các vùng nông thôn lại làm tăng thêm gánh nặng cung ứng dịch vụ, bao gồm dịch vụ của các cơ sở dạy nghề và các trung tâm dịch vụ việc làm. Sự phát triển mạnh mẽ của khu vực phi chính thức và doanh nghiệp cực nhỏ đã tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, nhưng điều kiện làm việc, tiền lương, bảo hiểm xã hội và chất lượng công việc ở khu vực này nói chung: còn thấp. Một số lao động (và doanh nghiệp) còn nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của luật phát lao động, cơ quan quản lý lao động và các chủ thể của quan hệ lao động, do vậy họ không thể bày tỏ những mối quan tâm và nguyện vọng của mình. Bản thân các chủ thể trong quan hệ lao động cũng đang trải qua thời kỳ quá độ nhằm đáp ứng những nhu cầu thay đổi của chính mình.

Việt Nam là một đất nước đang thay đổi nhanh chóng, năng động và thành công. Tiềm năng của Việt Nam là rất lớn, một phần nhờ chính sách phát triển của Chính phủ lấy con người làm trung tâm. Quan điểm việc làm bền vững, với mục tiêu gắn số lượng với chất lượng việc làm cũng như khả năng tiếp cận các việc làm đó, có thể sẽ giúp cho việc thực hiện hóa chính sách phát triển con người trong lĩnh vực lao động.

ILO và các đối tác của mình cam kết thực hiện Khuôn khổ Hợp tác về Việc làm bền vững nhằm hỗ trợ các chiến lược và chính sách phát triển, từ đó xúc tiến quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam và tăng cường các nỗ lực của Chính phủ để đảm bảo rằng tăng trưởng kinh tế luôn gắn liền với tiến bộ xã hội. Khung tham chiếu và xuất phát điểm của Khuôn khổ hợp tác là những mục tiêu được nêu trong Chiến lược Phát triển Kinh tế xã hội 10 năm của Chính phủ (2001 – 2010) và Kế hoạch 5 năm Phát triển Kinh tế - xã hội giai đoạn 2 (2006 – 2010) hiện đang trong quá trình xây dựng.

2. Những thách thức chính và lĩnh vực hành động ưu tiên

Mục tiêu của Khuôn khổ hợp tác phải tính đến và phù hợp với hoàn cảnh của quốc gia. Những mục tiêu này ở Việt Nam gồm:

- Phát triển một thị trường lao động hoạt động theo quy định của pháp luật và tăng cường các thể chế lao động nhằm hỗ trợ quá trình hội nhập kinh tế và chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường;

- Tạo việc làm và giảm nghèo bao gồm việc hỗ trợ khu vực tư nhân đang nổi lên, phát triển nguồn nhân lực, phát triển kỹ năng và tăng thu nhập;

- Mở rộng hơn nữa độ bao phủ của hệ thống an sinh xã hội và an toàn vệ sinh lao động; và

- Các chính sách hỗ trợ nhóm lao động yếu thế nhất.

Trên cơ sở nhận thức rõ điều này, qua nhiều lần tham khảo ý kiến giữa ILO và các đối tác Việt Nam, Khuôn khổ hợp tác quốc gia đã được xây dựng dựa trên bốn lĩnh vực chiến lược là i) các thể chế lao động; ii) thị trường lao động và việc làm; iii) an sinh xã hội và an toàn vệ sinh lao động; và iv) các nhóm yếu thế. Một số mục tiêu và các lĩnh vực hoạt động ưu tiên đã được xác định cho bốn lĩnh vực chiến lược này nhằm hướng tới mục tiêu Việc làm Bền vững cho mọi người ở Việt Nam. Bốn lĩnh vực chiến lược quốc gia này được thể hiện trong bốn mục tiêu chiến lược của ILO, đó là, các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc; tạo việc làm có chất lượng; bảo vệ xã hội và đối thoại xã hội.

2.1. Thể chế lao động

Các thách thức chính

Với tư cách là các tổ chức, cơ cấu và quy trình hình thành và định hướng cho các mối quan hệ kinh tế - xã hội trong lĩnh vực lao động, các thể chế lao động có vai trò quan trọng đối với sự phát triển và ổn định kinh tế của mỗi quốc gia. Thể chế yếu sẽ cản trở phát triển. Thể chế mạnh, nhanh nhạy sẽ đảm bảo để ba chủ thể kinh tế then chốt là Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động trở thành các đối tác quan trọng tham gia vào quá trình quản lý kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Thể chế mạnh cũng đảm bảo rằng các chủ thể kinh tế duy trì được tính đại diện và trách nhiệm đối với các thành viên của họ.

Khuôn khổ hợp tác tạo điều kiện cho việc xây dựng các thể chế lao động vững mạnh. Các Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế sẽ là các cơ sở so sánh, hướng dẫn và các ví dụ điển hình để tham khảo và ứng dụng phù hợp đối với việc xây dựng pháp luật và chính sách lao động quốc gia trên nhiều lĩnh vực như: quản lý lao động, thanh tra lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác xã và tiền lương. Việc hỗ trợ quá trình phê chuẩn các tiêu chuẩn này khuyến khích việc rà soát và sửa đổi bổ sung luật pháp trong nước, và việc sự hỗ trợ thực hiện các tiêu chuẩn này sẽ góp phần tăng cường năng lực thể chế và cá nhân. Các hoạt động đối thoại xã hội góp phân tăng cường quá trình xây dựng quan hệ lao động và nâng cao năng lực của các chủ thể quan hệ lao động, tạo ra các cơ sở và lĩnh vực hợp tác mới, và thúc đẩy tạo dựng môi trường quan hệ lao động đồng thuận và lành mạnh.

Các mục tiêu

1. Đánh giá và tăng cường các thể chế lao động then chốt để bắt kịp với sự thay đổi về kinh tế - xã hội và đảm bảo rằng tất cả mọi công dân đều được hưởng lợi một cách công bằng từ những của cải vật chất mà họ tạo ra.

2. Tính phù hợp giữa các tiêu chuẩn lao động trong nước với các tiêu chuẩn lao động quốc tế (TCLĐQT) sẽ được rà soát và TCLĐQT cung cấp các hướng dẫn và cơ sở so sánh cho việc sửa đổi, bổ sung luật pháp và thực tiễn trong nước.

3. Việt Nam có được một hệ thống quan hệ lao động lành mạnh và hài hòa để xúc tiến tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và tôn trọng các quyền tại nơi làm việc và đối thoại xã hội ba bên là một công cụ cho việc tham khảo ý kiến và hợp tác trong lĩnh vực lao động ở cấp quốc gia và cấp tỉnh.

[...]