Văn bản hợp nhất 54/VBHN-BCT năm 2020 hợp nhất Nghị định quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô do Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 54/VBHN-BCT
Ngày ban hành 14/05/2020
Ngày có hiệu lực 14/05/2020
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Trần Tuấn Anh
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 54/VBHN-BCT

Hà Nội, ngày 14 tháng 5 năm 2020

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT, LẮP RÁP, NHẬP KHẨU VÀ KINH DOANH DỊCH VỤ BẢO HÀNH, BẢO DƯỠNG Ô TÔ

Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, có hiệu lực kể từ ngày 17 tháng 10 năm 2017, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 02 năm 2020;

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư ngày 22 tháng 11 năm 2016;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải[1];

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô; kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất, lp ráp và doanh nghiệp nhập khẩu ô tô.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Nghị định này áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô tại Việt Nam và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

2. Các điều kiện kinh doanh quy định tại Nghị định này không áp dụng đối với tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu các loại ô tô sau đây:

a) Ô tô được sản xuất, lắp ráp:

- Phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh;

- Từ ô tô sát xi có buồng lái hoặc từ ô tô hoàn chỉnh đã được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;

- Không tham gia giao thông công cộng, chỉ hoạt động trong phạm vi hẹp.

b) Ô tô nhập khẩu:

- Phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

- Theo hình thức tạm nhập khẩu của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

- Thuộc diện quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển; hàng viện trợ của nước ngoài; phục vụ công tác nghiên cứu khoa học;

- Phục vụ các mục đích cá biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

- Theo hình thức tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập; chuyển khẩu; gửi kho ngoại quan; quá cảnh;

- Không tham gia giao thông công cộng, chỉ hoạt động trong phạm vi hẹp;

-[2] Ô tô chuyên dùng, ô tô chở người chuyên dùng, ô tô chở hàng chuyên dùng, ô tô chở hàng loại khác theo định nghĩa tại TCVN 6211: Phương tiện giao thông đường bộ - Kiểu - Thuật ngữ và định nghĩa; TCVN 7271: Phương tiện giao thông đường bộ - Ô tô - Phân loại theo mục đích sử dụng.

3. Nghị định này không áp dụng đối với các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô không thực hiện dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và doanh nghiệp nhập khẩu ô tô.

[...]