Văn bản hợp nhất 27/VBHN-BTC năm 2022 hợp nhất Thông tư quy định Hệ thống mục lục ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 27/VBHN-BTC
Ngày ban hành 26/12/2022
Ngày có hiệu lực 26/12/2022
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Cao Anh Tuấn
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/VBHN-BTC

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2022

 

THÔNG TƯ[1]

QUY ĐỊNH HỆ THỐNG MỤC LỤC NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Thông tư số 324/2016/TT-BTC ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định hệ thống mục lục ngân sách nhà nước; có hiệu lực kể từ ngày 04 tháng 02 năm 2017, áp dụng từ năm ngân sách 2017, được sửa đổi, bổ sung bởi:

1. Thông tư số 93/2019/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 324/2016/TT-BTC ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định Hệ thống mục lục ngân sách nhà nước; có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 02 năm 2020 và áp dụng từ năm ngân sách 2020.

2. Thông tư số 51/2022/TT-BTC ngày 11 tháng 08 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 324/2016/TT-BTC ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định Hệ thống mục lục ngân sách nhà nước; có hiệu lực kể từ ngày 11 tháng 08 năm 2022 và được áp dụng từ năm ngân sách 2022.

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Theo đề nghị của Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định Hệ thống mục lục ngân sách nhà nước.[2]

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định Hệ thống mục lục ngân sách nhà nước áp dụng trong công tác lập dự toán; quyết định, phân bổ, giao dự toán; chấp hành, kế toán, quyết toán các khoản thu, chi ngân sách nhà nước, bao gồm: Chương; Loại, Khoản; Mục, Tiểu mục; Chương trình, mục tiêu và dự án quốc gia; Nguồn ngân sách nhà nước; cấp ngân sách nhà nước.

2. Đối tượng áp dụng

a) Cơ quan có nhiệm vụ quản lý thu, chi ngân sách nhà nước các cấp;

b) Đơn vị dự toán ngân sách, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước;

c) Cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan.

Điều 2. Phân loại mục lục ngân sách nhà nước theo “Chương”

1. Nội dung phân loại

Chương dùng để phân loại thu, chi ngân sách nhà nước dựa trên cơ sở hệ thống tổ chức của các cơ quan, tổ chức trực thuộc một cấp chính quyền (gọi chung là cơ quan chủ quản) được tổ chức quản lý ngân sách riêng. Mỗi cấp ngân sách bố trí một Chương đặc biệt (Các quan hệ khác của ngân sách) để phản ánh các khoản thu, chi ngân sách không thuộc dự toán giao cho các cơ quan, tổ chức.

2. Mã số hóa nội dung phân loại

a) Chương được mã số hóa theo 3 ký tự theo từng cấp quản lý: Đối với cơ quan ở cấp trung ương, mã số từ 001 đến 399; đối với cơ quan ở cấp tỉnh, mã số từ 400 đến 599; đối với cơ quan ở cấp huyện, mã số từ 600 đến 799; đối với cơ quan cấp xã, mã số từ 800 đến 989;

b) Cách thức bố trí

Đối với cơ quan chủ quản hoặc đơn vị, tổ chức kinh tế được bố trí mã riêng cho từng cơ quan chủ quản hoặc đơn vị, tổ chức kinh tế; các đơn vị trực thuộc cơ quan chủ quản (hoặc thuộc đơn vị, tổ chức kinh tế cấp trên) được sử dụng mã Chương của cơ quan chủ quản (đơn vị, tổ chức kinh tế cấp trên).

Đối với các đơn vị, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân độc lập, có cùng tính chất được bố trí mã Chương chung cho các đơn vị.

3. Nguyên tắc hạch toán

a)[3] Về nguyên tắc sử dụng mã Chương khi thực hiện sáp nhập các cơ quan, tổ chức trực thuộc các cấp chính quyền: Trong quá trình thực hiện cải cách bộ máy hành chính nhà nước, trường hợp cơ quan, tổ chức trực thuộc một cấp chính quyền sáp nhập, hợp nhất, trong khi chưa có mã Chương mới cho cơ quan hợp nhất, thì sử dụng mã Chương của đơn vị có tỷ trọng chi thường xuyên lớn nhất trong tổng số chi thường xuyên của các đơn vị được hợp nhất, sáp nhập hoặc sử dụng mã chương của đơn vị có tên ở vị trí đầu tiên của tên đơn vị được hợp nhất, hoặc vẫn sử dụng mã Chương riêng (theo yêu cầu quản lý);

Ví dụ:

- Đơn vị hợp nhất “ Văn phòng Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân” thì tạm thời sử dụng mã Chương 709- Huyện ủy.

[...]