Thứ 5, Ngày 07/11/2024

Văn bản hợp nhất 11/VBHN-VPQH năm 2018 hợp nhất Luật Viễn thông do Văn phòng Quốc hội ban hành

Số hiệu 11/VBHN-VPQH
Ngày ban hành 29/06/2018
Ngày có hiệu lực 29/06/2018
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Văn phòng quốc hội
Người ký Nguyễn Hạnh Phúc
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

VĂN PHÒNG QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/VBHN-VPQH

Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 2018

 

LUẬT

VIỄN THÔNG

Luật Viễn thông số 41/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2010, được sửa đổi, bổ sung bởi:

1. Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019;

2. Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2018 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Quốc hội ban hành Luật Viễn thông1.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về hoạt động viễn thông, bao gồm đầu tư, kinh doanh viễn thông; viễn thông công ích; quản lý viễn thông; xây dựng công trình viễn thông; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động viễn thông tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Viễn thông là việc gửi, truyền, nhận và xử lý ký hiệu, tín hiệu, số liệu, chữ viết, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng thông tin khác bằng đường cáp, sóng vô tuyến điện, phương tiện quang học và phương tiện điện từ khác.

2. Thiết bị viễn thông là thiết bị kỹ thuật, bao gồm phần cứng và phần mềm, được dùng để thực hiện viễn thông.

3. Thiết bị đầu cuối là thiết bị viễn thông cố định hoặc di động được đấu nối vào điểm kết cuối của mạng viễn thông để gửi, truyền, nhận và xử lý thông tin của người sử dụng.

4. Thiết bị đầu cuối thuê bao là thiết bị đầu cuối của thuê bao viễn thông.

5. Thiết bị mạng là thiết bị viễn thông được lắp đặt trên mạng viễn thông để bảo đảm việc cung cấp dịch vụ viễn thông.

6. Hàng hóa viễn thông là phần mềm và vật tư, thiết bị viễn thông.

7. Dịch vụ viễn thông là dịch vụ gửi, truyền, nhận và xử lý thông tin giữa hai hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm dịch vụ cơ bản và dịch vụ giá trị gia tăng.

8. Dịch vụ ứng dụng viễn thông là dịch vụ sử dụng đường truyền dẫn viễn thông hoặc mạng viễn thông để cung cấp dịch vụ ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình, thương mại, tài chính, ngân hàng, văn hóa, thông tin, y tế, giáo dục và lĩnh vực khác.

9. Đường truyền dẫn là tập hợp thiết bị viễn thông dùng để xác lập một phần hoặc toàn bộ đường truyền thông tin giữa hai điểm xác định.

10. Mạng viễn thông là tập hợp thiết bị viễn thông được liên kết với nhau bằng đường truyền dẫn để cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông.

11. Mạng viễn thông công cộng là mạng viễn thông do doanh nghiệp viễn thông thiết lập để cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông cho công chúng nhằm mục đích sinh lợi.

12. Mạng viễn thông dùng riêng là mạng viễn thông do tổ chức hoạt động tại Việt Nam thiết lập để cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông cho các thành viên của mạng không nhằm mục đích sinh lợi trực tiếp từ hoạt động của mạng.

13. Mạng nội bộ là mạng viễn thông do tổ chức, cá nhân thiết lập tại một địa điểm có địa chỉ và phạm vi xác định mà tổ chức, cá nhân đó được quyền sử dụng hợp pháp để phục vụ liên lạc nội bộ không nhằm mục đích sinh lợi trực tiếp từ hoạt động của mạng.

[...]