Thứ 6, Ngày 08/11/2024

Văn bản hợp nhất 11/VBHN-BGTVT năm 2019 hợp nhất Thông tư quy định về xây dựng biểu đồ chạy tàu và điều hành giao thông vận tải đường sắt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 11/VBHN-BGTVT
Ngày ban hành 02/10/2019
Ngày có hiệu lực 02/10/2019
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Nguyễn Văn Thể
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/VBHN-BGTVT

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2019

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ XÂY DỰNG BIỂU ĐỒ CHẠY TÀU VÀ ĐIỀU HÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI

Thông tư số 24/2018/TT-BGTVT ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Bộ Giao thông vận tải quy định về xây dựng biểu đồ chạy tàu và điều hành giao thông vận tải đường sắt được sửa đổi bổ sung bởi:

Thông tư số 11/2019/TT-BGTVT ngày 11 tháng 3 năm 2019 của Bộ Giao thông vận tải quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2018/TT-BGTVT ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Bộ Giao thông vận tải quy định về xây dựng biểu đồ chạy tàu và điều hành giao thông vận tải đường sắt.

Căn cứ Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 ngày 16 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về xây dựng biểu đồ chạy tàu và điều hành giao thông vận tải đường sắt.[1]

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc xây dựng, công bố biểu đồ chạy tàu và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện biểu đồ chạy tàu trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia; điều hành giao thông vận tải đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng; giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt trên kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư.

Điều 2. Đối tượng áp dụng 

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng, công bố biểu đồ chạy tàu và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện biểu đồ chạy tàu trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia; điều hành giao thông vận tải đường sắt trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng, giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt trên kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Năng lực của kết cấu hạ tầng đường sắt: Là khả năng thông qua của kết cấu hạ tầng được xác định bởi các yếu tố tải trọng trục, tải trọng rải đều, tốc độ chạy tàu lớn nhất (Vmax) trên một đoạn tuyến đường sắt; năng lực thông qua của tuyến đường sắt, của nhà ga, của hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt.

2. Tác nghiệp kỹ thuật: Là các tác nghiệp phục vụ cho đoàn tàu chạy an toàn và đảm bảo chất lượng phục vụ.

3. Thời gian chạy tàu lữ hành: Là thời gian chạy tàu tính từ ga xuất phát đến ga cuối cùng, bao gồm cả thời gian chạy trên đường và thời gian dừng để tránh vượt, làm tác nghiệp kỹ thuật, tác nghiệp hành khách, hàng hóa.

Chương II

XÂY DỰNG, CÔNG BỐ BIỂU ĐỒ CHẠY TÀU VÀ TỔ CHỨC KIỂM TRA, GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN BIỂU ĐỒ CHẠY TÀU

Mục 1. XÂY DỰNG, CÔNG BỐ BIỂU ĐỒ CHẠY TÀU

Điều 4. Quy định chung

1. Cơ sở của công tác tổ chức chạy tàu là biểu đồ chạy tàu. Biểu đồ chạy tàu là mệnh lệnh đối với tất cả nhân viên đường sắt và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

2. Khi có chạy tàu từ đường sắt quốc gia vào đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia và ngược lại thì phải được sự thỏa thuận và thống nhất giữa doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia với chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia về hành trình và các biện pháp đảm bảo an toàn.

Điều 5. Biểu đồ chạy tàu phải đạt được các yêu cầu sau

1. Bảo đảm an toàn trong tổ chức chạy tàu.

2. Đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa.

[...]