Văn bản hợp nhất 08/VBHN-VPQH năm 2020 hợp nhất Bộ luật Tố tụng dân sự do Văn phòng Quốc hội ban hành

Số hiệu 08/VBHN-VPQH
Ngày ban hành 15/07/2020
Ngày có hiệu lực 15/07/2020
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Văn phòng quốc hội
Người ký Nguyễn Hạnh Phúc
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

VĂN PHÒNG QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/VBHN-VPQH

Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2020

 

BỘ LUẬT

TỐ TỤNG DÂN SỰ

Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 được sửa đổi, bổ sung bởi:

1. Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021;

2. Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Bộ luật Tố tụng dân sự[1].

Phần thứ nhất

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Chương I

NHIỆM VỤ VÀ HIỆU LỰC CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và nhiệm vụ của Bộ luật Tố tụng dân sự

Bộ luật Tố tụng dân sự quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án nhân dân (sau đây gọi là Tòa án) giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là vụ án dân sự) và trình tự, thủ tục yêu cầu để Tòa án giải quyết các việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là việc dân sự); trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự, việc dân sự (sau đây gọi chung là vụ việc dân sự) tại Tòa án; thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài; thi hành án dân sự; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, của cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) có liên quan nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật.

Bộ luật Tố tụng dân sự góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.

Điều 2. Đối tượng áp dụng và hiệu lực của Bộ luật Tố tụng dân sự

1. Bộ luật Tố tụng dân sự được áp dụng đối với mọi hoạt động tố tụng dân sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.

2. Bộ luật Tố tụng dân sự được áp dụng đối với mọi hoạt động tố tụng dân sự do cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiến hành ở nước ngoài.

3. Bộ luật Tố tụng dân sự được áp dụng đối với việc giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài; trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi, miễn trừ lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì vụ việc dân sự có liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân đó được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Chương II

NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN

Điều 3. Tuân thủ pháp luật trong tố tụng dân sự

Mọi hoạt động tố tụng dân sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải tuân theo các quy định của Bộ luật này.

Điều 4. Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.

2. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng.

Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật Dân sự và Bộ luật này quy định.

[...]