Thứ 5, Ngày 07/11/2024

Văn bản hợp nhất 06/VBHN-BCT năm 2019 hợp nhất Nghị định hướng dẫn Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh do Bộ Công Thương ban hành

Số hiệu 06/VBHN-BCT
Ngày ban hành 13/08/2019
Ngày có hiệu lực 13/08/2019
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Trần Tuấn Anh
Lĩnh vực Thương mại

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/VBHN-BCT

Hà Nội, ngày 13 tháng 8 năm 2019

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT LUẬT CẠNH TRANH VỀ XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC CẠNH TRANH

Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, có hiệu lực kể từ từ ngày 15 tháng 9 năm 2014, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Nghị định số 141/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, có hiệu lực kể từ từ ngày 25 tháng 11 năm 2018.

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Cạnh tranh ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh1.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định việc xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

2. Hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh theo quy định của Nghị định này bao gồm:

a) Hành vi vi phạm quy định về kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh;

b) Hành vi vi phạm quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh;

c) Hành vi vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh khác.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sau:

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) và hiệp hội ngành nghề hoạt động ở Việt Nam (sau đây gọi chung  hiệp hội) được quy định tại Điều 2 của Luật Cạnh tranh.

2. Tổ chức, cá nhân khác thực hiện các hành vi được quy định tại Mục 5 Chương II của Nghị định này.

Điều 3. Hình thức xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh

1. Đối với mỗi hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, tổ chức cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

[...]