Văn bản hợp nhất 03/VBHN-VPQH năm 2023 hợp nhất Luật Hàng không dân dụng Việt Nam do Văn phòng Quốc hội ban hành

Số hiệu 03/VBHN-VPQH
Ngày ban hành 02/08/2023
Ngày có hiệu lực 02/08/2023
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Văn phòng quốc hội
Người ký Bùi Văn Cường
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

VĂN PHÒNG QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/VBHN-VPQH

Hà Nội, ngày 02 tháng 8 năm 2023

 

LUẬT

HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM

Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2007, được sửa đổi, bổ sung bởi:

1. Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014;

2. Luật số 61/2014/QH13 ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2015;

3. Luật Giá số 16/2023/QH15 ngày 19 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024;

4. Luật Phòng thủ dân sự số 18/2023/QH15 ngày 20 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10;

Luật này quy định về hàng không dân dụng[1].

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Luật này quy định về hoạt động hàng không dân dụng, bao gồm các quy định về tàu bay, cảng hàng không, sân bay, nhân viên hàng không, hoạt động bay, vận chuyển hàng không, an ninh hàng không, trách nhiệm dân sự, hoạt động hàng không chung và các hoạt động khác có liên quan đến hàng không dân dụng.

2. Luật này không quy định về hoạt động của tàu bay công vụ, bao gồm tàu bay quân sự, tàu bay chuyên dụng của lực lượng hải quan, công an và các tàu bay khác sử dụng cho mục đích công vụ nhà nước, trừ trường hợp tàu bay công vụ được dùng vào mục đích dân dụng hoặc những trường hợp khác được Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động hàng không dân dụng tại Việt Nam.

2. Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động hàng không dân dụng ở nước ngoài, nếu pháp luật của nước ngoài không có quy định khác.

3. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động hàng không dân dụng ở vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

Vùng thông báo bay là khu vực trên không có kích thước xác định mà tại đó dịch vụ thông báo bay và dịch vụ báo động được cung cấp.

Điều 3. Áp dụng pháp luật

1. Đối với những quan hệ xã hội phát sinh từ hoạt động hàng không dân dụng không được Luật này điều chỉnh thì áp dụng các quy định pháp luật tương ứng của Việt Nam.

2. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với quy định của luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng thì áp dụng quy định của Luật này.

3. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 4. Nguyên tắc áp dụng pháp luật khi có xung đột pháp luật

1. Pháp luật của quốc gia đăng ký quốc tịch tàu bay được áp dụng đối với quan hệ xã hội phát sinh trong tàu bay đang bay và áp dụng để xác định các quyền đối với tàu bay.

2. Pháp luật của quốc gia nơi ký kết hợp đồng liên quan đến các quyền đối với tàu bay được áp dụng để xác định hình thức của hợp đồng.

3. Pháp luật của quốc gia nơi thực hiện việc cứu hộ hoặc giữ gìn tàu bay được áp dụng đối với việc trả tiền công cứu hộ hoặc giữ gìn tàu bay đó.

4. Pháp luật của quốc gia nơi xảy ra tai nạn do tàu bay va chạm hoặc gây cản trở nhau, do tàu bay đang bay gây thiệt hại cho người thứ ba ở mặt đất được áp dụng đối với việc bồi thường thiệt hại.

[...]