Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Văn bản 629/BKHĐT-TH năm 2015 giải đáp thắc mắc về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Số hiệu 629/BKHĐT-TH
Ngày ban hành 01/02/2015
Ngày có hiệu lực 01/02/2015
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Người ký ***
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 629/BKHĐT-TH

Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2015

 

GIẢI ĐÁP CÁC THẮC MẮC

VỀ LẬP KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN 5 NĂM 2016 - 2020
(Tài liệu phục vụ Hội nghị hướng dẫn lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 tại Hà Nội ngày 02 tháng 02 năm 2015)

I. VỀ XÁC ĐỊNH MỨC VỐN NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG, MỨC VỐN TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ GIAI ĐOẠN 2016-2020

Câu hỏi 1. Một số địa phương cho rằng, đến thời điểm hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa thông báo mức vốn ngân sách trung ương và mức vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020, nên việc lập Kế hoạch bố trí vốn cho các dự án gặp khó khăn. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể thêm

Trả lời:

1. Việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của các bộ, ngành và địa phương theo quy trình sẽ được lập và trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo 3 lần dự thảo như sau:

- Dự thảo kế hoạch lần thứ nhất: là giai đoạn dự kiến nhu cầu, danh mục và mức vốn cho từng dự án trên cơ sở tổng mức vốn Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2014 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 31 tháng 12 năm 2014 (tương tự như dự thảo kế hoạch đầu tư hằng năm, các bộ, ngành và địa phương dự kiến kế hoạch gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20 tháng 7 hằng năm).

Đến nay, theo kết quả rà soát sơ bộ, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đều dự kiến tổng mức đầu tư quá lớn so với khả năng cân đối. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành và địa phương căn cứ Chỉ thị số 23/CT-TTg và văn bản hướng dẫn số 5318/BKHĐT-TH và hướng dẫn tại Hội nghị này, rà soát, hoàn chỉnh dự thảo kế hoạch lần thứ nhất gửi lại Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 28 tháng 02 năm 2015.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức làm việc và có ý kiến thẩm định về dự thảo kế hoạch lần thứ nhất gửi bộ, ngành, địa phương.

- Dự thảo kế hoạch lần thứ hai: Căn cứ ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành và địa phương rà soát, hoàn chỉnh và gửi dự thảo kế hoạch lần thứ hai về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30 tháng 6 năm 2015 (tương tự như trong việc lập kế hoạch hằng năm, các bộ, ngành và địa phương rà soát, hoàn chỉnh theo ý kiến thẩm định và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10 tháng 9 hằng năm).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và phương án phân bổ vốn, bao gồm: tổng số vốn chia ra theo ngành, lĩnh vực, chương trình cho từng bộ, ngành, địa phương để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội; đồng thời trước ngày 25 tháng 10 năm 2015 thông báo cho các bộ, ngành, địa phương để phân bổ chi tiết (tương tự như việc tổng hợp giao kế hoạch hằng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo cho các bộ, ngành và địa phương dự kiến mức vốn theo mức Chính phủ trình Quốc hội vào tháng 10 hằng năm).

Dự thảo kế hoạch lần thứ ba: Căn cứ các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn và thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tổng số vốn, các bộ, ngành, địa phương dự kiến phân bổ vốn cho từng dự án và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 20 tháng 11 năm 2015. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính rà soát, tổng hợp (có trao đổi với các bộ, ngành, địa phương để điều chỉnh những điểm chưa hợp lý), báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án phân bổ vốn chi tiết kế hoạch trung hạn 5 năm 2016-2020.

2. Về tổng mức vốn đầu tư kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, căn cứ Chỉ thị số 23/CT-TTg và văn bản hướng dẫn số 5318/BKHĐT-TH, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành rà soát loại bỏ các khoản vốn tăng bất thường trong năm qua như đã hướng dẫn. Cụ thể như sau:

- Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước của các bộ, ngành ở trung ương và vốn bổ sung có mục tiêu (chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu,...) tăng bình quân 10%/năm so với Kế hoạch năm trước do Thủ tướng Chính phủ giao.

- Vốn đầu tư trong cân đối ngân sách của các địa phương (không bao gồm tiền thu sử dụng đất): trong năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước phấn đấu tăng khoảng 10% so với kế hoạch năm trước do Thủ tướng Chính phủ giao. Trong các năm tiếp theo, tính toán tăng theo khả năng cân đối thu, chi ngân sách địa phương, tăng bình quân hằng năm khoảng 7-10% so với kế hoạch năm trước.

- Vốn trái phiếu Chính phủ: cân đối trên cơ sở nguồn vốn trái phiếu Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung cho giai đoạn 2014-2016 sau khi trừ đi số kế hoạch đã giao năm 2014 và năm 2015. Ngoài số vốn còn lại nói trên, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư tháng 8 năm 2014, các bộ, ngành, địa phương có thể đề xuất một số dự án trọng điểm sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2016-2020.

Tổng số vốn dự kiến sơ bộ nói trên làm căn cứ dự thảo kế hoạch lần thứ nhất và lần thứ hai. Đến tháng 10 năm 2015, sau khi báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua phương án phân bổ vốn kế hoạch trung hạn 5 năm 2016-2020 và trình Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo chính thức dự kiến vốn đầu tư cho các bộ, ngành, địa phương làm căn cứ phân bổ chi tiết vốn đầu tư cho từng dự án (dự thảo kế hoạch lần thứ 3)

Câu hỏi 2. Về việc tính mức vốn đầu tư cho kế hoạch đầu tư công trung hạn có phải trên cơ sở mức bình quân kế hoạch 3 năm 2013, 2014 và 2015 không?

Trả lời:

Tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 sẽ được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp thứ 10 cuối năm 2015. Để đáp ứng yêu cầu xây dựng kế hoạch đầu tư, ngay tại thời điểm hiện nay, chúng ta đã phải dự kiến sơ bộ tổng mức vốn đầu tư công nguồn NSNN, trong đó có ngân sách trung ương, ngân sách địa phương. Về phương pháp xác định sơ bộ tổng mức vốn theo đúng quy định tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị này. Cụ thể phải dự kiến tổng mức vốn hằng năm, từ năm 2016 đến năm 2020. Tổng cộng số vốn của từng năm, ta sẽ có tổng mức vốn 5 năm 2016-2020. Như vậy, tổng mức vốn đầu tư trung hạn sơ bộ được tính toán theo mức tăng trong 5 năm, không phải dựa trên số bình quân 3 năm 2013-2015.

Câu hỏi 3. Năm 2013, 2014 bộ, ngành và địa phương được giao mức vốn kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách trung ương rất cao. Tuy nhiên, kế hoạch năm 2015 được Thủ tướng Chính phủ giao thấp hơn nhiều so với các năm trước. Nếu lấy theo tốc độ tăng so với kế hoạch năm 2015 nhiều bộ, ngành và địa phương sẽ bị thiệt hơn so với một số bộ, ngành và địa phương được tăng vốn nhiều trong kế hoạch năm 2015

Trả lời:

Tại thời điểm hiện nay, do chưa có căn cứ để tính toán chính xác về cân đối ngân sách, cân đối vốn đầu tư, nên trong việc xây dựng dự thảo kế hoạch lần thứ nhất, lần thứ hai phải dựa trên cơ sở số dự kiến sơ bộ về tổng vốn đầu tư 5 năm tới theo tốc độ tăng như quy định trong Chỉ thị số 23/CT-TTg.

Theo quy trình xây dựng kế hoạch, trong Quý I và Quý II tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Tài chính xác định các cân đối thu chi ngân sách và đầu tư làm căn cứ xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn. Như vậy, tổng số vốn đầu tư kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2016-2020, cũng như mức vốn giao cho các bộ, ngành sẽ được tính toán kỹ lưỡng, trình Chính phủ, Quốc hội trên cơ sở tăng trưởng của nền kinh tế, khả năng các nguồn thu và chính sách tài khóa, cơ cấu cân đối chi NSNN, các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư cho giai đoạn 2016-2020,... Theo đó, mức vốn thông báo chính thức để phân bổ chi tiết vào tháng 10 tới sẽ bảo đảm các nguyên tắc công bằng, phù hợp các mục tiêu phát triển và đặc điểm của từng địa phương; có thể có chênh lệch so với số dự kiến tăng bình quân nói trên.

Như vậy, các bộ, ngành, địa phương có kế hoạch vốn đầu tư năm 2015 thấp sẽ không bị thiệt thòi so với các bộ, ngành, địa phương khác.

II. VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VÀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU

Câu hỏi 4. Theo Chỉ thị số 23/CT-TTg giai đoạn 2016-2020 chỉ còn 2 chương trình mục tiêu quốc gia là chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến thời điểm nào các chương trình mục tiêu quốc gia này mới được phê duyệt và các dự án thành phần của các chương trình này gồm các dự án nào?

Trả lời:

[...]