Công văn 1100/BKHĐT-TH năm 2015 hướng dẫn bổ sung lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Số hiệu 1100/BKHĐT-TH
Ngày ban hành 27/02/2015
Ngày có hiệu lực 27/02/2015
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Người ký Bùi Quang Vinh
Lĩnh vực Đầu tư

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1100/BKHĐT-TH
V/v hướng dẫn bổ sung lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020

Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 2015

 

Kính gửi:

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

 

Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 5318/BKHĐT-TH ngày 15 tháng 8 năm 2014. Đồng thời, đã tổ chức các hội nghị với các bộ, ngành, địa phương để triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn. Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 63/VPCP-KTTH ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ và ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn bổ sung thêm một số nội dung cụ thể sau đây:

I. VỀ PHẠM VI VÀ CĂN CỨ, NGUYÊN TẮC LẬP KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG

1. Phạm vi lập kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020

Phạm vi lập kế hoạch đầu tư công trung hạn bao gồm các nguồn: vốn ngân sách nhà nước (gồm: vốn ngân sách trung ương theo ngành, lĩnh vực của bộ, cơ quan trung ương và các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu; vốn cân đối ngân sách địa phương); vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ; vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước; vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; vốn trái phiếu chính quyền địa phương và các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương.

Căn cứ phạm vi chung nêu trên, các bộ, ngành, địa phương lập kế hoạch đầu tư công trung hạn trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và các nguồn vốn mình có; không nhất thiết lập kế hoạch tất cả các nguồn vốn.

2. Về các căn cứ và nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020

Việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 phải theo đúng các căn cứ và nguyên tắc quy định trong Luật Đầu tư công và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2014, trong đó cần lưu ý:

- Việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn phải nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; đồng thời phải phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác trong và ngoài nước.

- Đối với các dự án khởi công mới trong 5 năm 2016-2020, ngay từ năm 2015 và kế hoạch 5 năm 2016-2020 bộ, ngành và địa phương phải bố trí đủ vốn chuẩn bị đầu tư để phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư.

- Trong tổng số vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020, đối với từng nguồn vốn, các bộ, ngành, địa phương chỉ phân bổ 85% tổng số vốn, còn lại 15% để dự phòng xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn trong từng năm cụ thể.

3. Về xác định chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu

a) Đối với chương trình mục tiêu quốc gia

Theo quy định tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo số 63/TB-VPCP ngày 16 tháng 02 năm 2015, giai đoạn 2016-2020 chỉ thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia (Giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới) để tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương chủ động lồng ghép, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả hơn, hạn chế dàn trải, trùng lắp.

Về nguyên tắc, không cắt giảm các nhiệm vụ chi cần thiết đang thực hiện của 16 chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay; các bộ, cơ quan trung ương phụ trách 14 chương trình mục tiêu quốc gia còn lại (ngoài 2 chương trình mục tiêu quốc gia nêu trên) phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ có liên quan đến giảm nghèo vào Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; các mục tiêu, nhiệm vụ liên quan đến xây dựng nông thôn mới vào Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát đưa các nhiệm vụ chi cần thiết đang thực hiện không trùng với 2 chương trình mục tiêu quốc gia triển khai giai đoạn 2016-2020 vào các chương trình mục tiêu hoặc bố trí trong nhiệm vụ thường xuyên của Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để thực hiện.

Trên cơ sở đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn chỉnh báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 2 chương trình này báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư giai đoạn 2016-2020 tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII vào tháng 5 năm 2015.

b) Đối với các chương trình mục tiêu

(1) Các chương trình mục tiêu sử dụng vốn ngân sách trung ương và các nguồn vốn khác do Trung ương quản :

Để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán và tăng quyền chủ động cho các bộ, ngành, địa phương, tại Chỉ thị số 23/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu giảm tối đa số lượng chương trình mục tiêu theo hướng lồng ghép các chương trình có mục tiêu, nhiệm vụ tương tự nhau. Trong từng ngành, lĩnh vực (nếu cần thiết có chương trình mục tiêu) chỉ đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt không quá 2 chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 63/TB-VPCP ngày 16 tháng 02 năm 2015 và báo cáo đề xuất của các bộ, ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ danh mục và nội dung chủ yếu các chương trình mục tiêu dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 theo hướng thu hẹp số lượng chương trình trên cơ sở lồng ghép các nhiệm vụ của 14 chương trình mục tiêu quốc gia không thực hiện trong giai đoạn tới, không trùng với 2 chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới, lồng ghép giữa các chương trình mục tiêu có mục tiêu, nhiệm vụ tương tự nhau.

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về danh mục và những nội dung chủ yếu của chương trình, các bộ chủ chương trình hoàn chỉnh Báo cáo chủ trương đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 3 năm 2015.

(2) Đối với các chương trình mục tiêu sử dụng toàn bộ vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác do địa phương quản lý:

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và khả năng cân đối ngân sách địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu của địa phương.

c) Xử lý đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu giai đoạn 2011-2015 không tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2016-2020

Trong năm 2015, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo để hoàn thành dứt điểm, đưa vào sử dụng các dự án đầu tư dở dang của các chương trình. Không mở thêm các dự án mới.

Đối với một số nhiệm vụ, dự án của chương trình chưa hoàn thành, có thể lồng ghép vào các chương trình khác có mục tiêu tương tự nhau như đã nêu ở trên. Trường hợp không lồng ghép được thì chuyển vào nhiệm vụ thường xuyên và bố trí trong vốn đầu tư và chi thường xuyên của bộ, ngành, vốn cân đối ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện.

4. Rà soát dự kiến danh mục dự án đầu tư công giai đoạn 2016- 2020

[...]