Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc bản địa, 2007

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 13/09/2007
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

TUYÊN NGÔN

VỀ QUYỀN CỦA CÁC DÂN TỘC BẢN ĐỊA, 2007

(Thông qua bởi Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc theo Nghị quyết số 61/295 ngày 13/9/2007).

Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc,

Được chỉ dẫn bởi các mục đích và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, với sự tin cậy rằng các nhà nước làm tròn nghĩa vụ của nhà nước theo Hiến chương,

Khẳng định rằng các dân dộc bản địa bình đẳng với tất cả các dân tộc khác, đồng thời công nhận quyền của tất cả các dân tộc được khác biệt, được xem dân tộc mình là khác biệt, và được tôn trọng với sự khác biệt đó,

Khẳng định rằng tất cả các dân tộc đóng góp vào sự đa dạng và giàu có của những nền văn minh và văn hóa, tạo nên di sản chung của loài người,

Khẳng định hơn nữa rằng mọi định chế, chính sách và các hoạt động dựa trên hay cổ vũ cho sự phân biệt giữa các dân tộc hoặc cá nhân trên cơ sở những khác biệt về nguồn gốc quốc gia, chủng tộc, tôn giáo, sắc tộc hay văn hóa là phân biệt chủng tộc, sai lầm về khoa học, không được chấp nhận về pháp lý, sai trái về đạo đức và bất công về xã hội,

Khẳng định lại rằng các dân tộc bản địa, khi thực hành các quyền của họ, phải được tự do khỏi sự phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào,

Quan ngại rằng các dân tộc bản địa đã chịu sự bất công mang tính lịch sử, trong đó đặc biệt là quá trình thuộc địa hóa và chiếm hữu đất đai, lãnh thổ và tài nguyên của họ, vì thế ngăn cản họ thực thi quyền phát triển theo nhu cầu và mối quan tâm của chính họ,

Công nhận nhu cầu cấp bách phải tôn trọng và phát huy các quyền mang tính kế thừa của các dân tộc bản địa xuất phát từ những thiết chế chính trị, kinh tế và xã hội của họ, và từ những truyền thống văn hóa, tinh thần, lịch sử và triết lý của họ, đặc biệt là từ các quyền của họ đối với đất đai, lãnh thổ và tài nguyên,

Đồng thời công nhận nhu cầu cấp bách phải tôn trọng và phát huy các quyền của các dân tộc bản địa đã được khẳng định trong các hiệp định, thỏa thuận và những hình thức đồng thuận tích cực khác với các nhà nước,

Đón nhận thực tế là các dân tộc bản địa tự tổ chức các hình thức kiện toàn về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa và nhằm kết thúc mọi hình thức phân biệt hay áp chế ở bất cứ nơi nào họ gặp phải,

Tin tưởng rằng sự kiểm soát của các dân tộc bản địa với sự phát triển có ảnh hưởng tới họ và đất đai, lãnh thổ và tài nguyên của họ sẽ giúp các dân tộc bản địa duy trì và củng cố những thiết chế, văn hóa và truyền thống của họ, và phát huy sự phát triển của họ theo nguyện vọng và nhu cầu của họ,

Công nhận rằng tôn trọng kiến thức bản địa, văn hóa và truyền thống sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững và bình đẳng cũng như quản lý môi trường hợp lý,

Nhấn mạnh sự đóng góp của việc phi quân sự hóa đất đai và lãnh thổ của các dân tộc bản địa vào hòa bình, tiến bộ và phát triển kinh tế và xã hội, hiểu biết lẫn nhau và quan hệ thân thiện giữa các quốc gia và dân tộc trên thế giới,

Đặc biệt công nhận quyền của các gia đình và cộng đồng bản địa trong việc duy trì sự chia sẻ trách nhiệm trong việc nuôi nấng, giáo dục, đào tạo và sự yên ấm của trẻ em bản địa, theo các quyền của trẻ em,

Cân nhắc rằng các quyền được khẳng định trong các hiệp định, thỏa thuận và những sắp đặt mang tính tích cực giữa các nhà nước và các dân tộc bản địa, trong nhiều trường hợp, là vấn đề quan tâm, trách nhiệm và đặc thù của quốc tế,

Cũng cân nhắc rằng các hiệp định, thỏa thuận hoặc những sắp đặt mang tính tích cực khác, và mối quan hệ mà các văn bản này đại diện, là cơ sở cho mối quan hệ đối tác được tăng cường giữa các dân tộc bản địa và các nhà nước,

Công nhận rằng Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Quốc tế về Các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa và Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị cũng như Tuyên bố và Chương trình Hành động Viên khẳng định tầm quan trọng căn bản của quyền tự quyết của tất cả các dân tộc, theo đó mỗi dân tộc có quyền tự quyết về vị thế chính trị và quyền tự do mưu cầu sự phát triển về kinh tế, chính trị và văn hóa,

Ghi nhớ rằng không một điều nào trong Tuyên ngôn này được sử dụng để từ chối quyền tự quyết của bất cứ dân tộc nào, tuân thủ theo công pháp quốc tế,

Tin tưởng rằng việc công nhận các quyền của các dân tộc bản địa trong Tuyên ngôn này sẽ củng cố mối quan hệ hài hòa và hợp tác giữa nhà nước và các dân tộc bản địa, dựa trên các nguyên tắc công bằng, dân chủ, tôn trọng nhân quyền, không phân biệt và tin cậy,

Khuyến khích các nhà nước tuân thủ và thực thi có hiệu quả những nghĩa vụ của mình với các dân tộc bản địa theo các công cụ quốc tế, đặc biệt là những công cụ về nhân quyền, trong mối quan hệ hợp tác và tham vấn với những dân tộc có liên quan,

Nhấn mạnh rằng Liên Hợp Quốc có vai trò quan trọng và liên tục trong việc phát huy và bảo vệ các quyền của các dân tộc bản địa,

Tin tưởng rằng Tuyên bố này là một bước tiến quan trọng hướng tới sự công nhận, phát huy và bảo vệ các quyền và sự tự do của các dân tộc bản địa cũng như quá trình phát triển các hoạt động liên quan của hệ thống Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực này.,

Công nhận và tái khẳng định rằng các cá nhân thuộc các dân tộc bản địa được thụ hưởng không phân biệt với tất cả các quyền đã được công pháp quốc tế công nhận, và rằng các dân tộc bản địa có quyền tập thể không thể tách rời với sự tồn tại, yên ấm và phát triển về mọi mặt của họ với tư cách là một dân tộc,

Công nhận rằng tình hình của các dân tộc bản địa là khác nhau tùy theo khu vực và quốc gia, cũng như công nhận rằng cần phải cân nhắc những đặc điểm khác biệt giữa các quốc gia, khu vực và nhiều yếu tố cơ sở lịch sử và văn hóa,

Trân trọng tuyên bố Tuyên ngôn Liên Hợp Quốc về Quyền của các dân tộc bản địa là một tiêu chí cần đạt đến trên tinh thần đối tác và tôn trọng lẫn nhau:

Điều 1.

Các dân tộc bản địa có quyền được hưởng tối đa, với tư cách tập thể hay cá nhân, mọi quyền và tự do đã được công nhận trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người và luật quốc tế về nhân quyền.

[...]