Tờ trình 4184/TTr-BNN-TCLN phê duyệt Đề án tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 4184/TTr-BNN-TCLN |
Ngày ban hành | 06/12/2012 |
Ngày có hiệu lực | 06/12/2012 |
Loại văn bản | Văn bản khác |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký | Hà Công Tuấn |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4184/TTr-BNN-TCLN |
Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2012 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TỔNG THỂ BẢO TỒN VOI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2012-2020
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Căn cứ Quyết định số 940/QĐ-TTg ngày 19/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi ở Việt Nam; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Đề án tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020; ngày 12/10/2012 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản số 3507/BNN-TCLN về việc gửi lấy ý kiến tham gia của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Đề án tổng thể và dự án bảo tồn voi của các tỉnh: Đắk Lắk, Đồng Nai và Nghệ An. Đến nay, đã quá thời gian quy định phát hành văn bản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới nhận được ý kiến đóng góp bằng văn bản của một số đơn vị thuộc Bộ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thiện Đề án tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, cụ thể như sau:
1. Tên Đề án: Đề án tổng thể Bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020
a) Mục tiêu chung: Bảo tồn, phát triển bền vững những quần thể voi hoang dã và voi nhà hiện có ở Việt Nam, đồng thời bảo tồn và khôi phục các vùng sinh cảnh nơi có quần thể voi đang sinh sống.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Ngăn chặn sự suy giảm số lượng voi, đảm bảo ít nhất ba khu vực có voi sinh sống được bảo tồn ổn định và phát triển bền vững trong tự nhiên tại Vườn quốc gia Pù Mát, Yok Đôn và Cát Tiên. Đến năm 2020 số cá thể và cơ cấu đàn voi sinh sản tự nhiên tăng từ 3 - 6 cá thể.
- Bảo tồn tại chỗ những quần thể voi có số lượng đàn ít, hiện đang cô lập, nhằm tạo cơ hội tối đa sống sót trong thời gian dài.
- Giảm tối đa vấn đề xung đột voi/người tại vùng có voi phân bố nhằm giảm thiểu khả năng gây thiệt hại cho con người. Những nơi có quy mô đàn voi nhỏ lẻ, xây dựng phương án, kế hoạch bắt di chuyển để tái cấu trúc đàn voi nhằm phát triển bền vững.
- Bảo tồn và phát triển quần thể voi nhà tại tỉnh Đắk Lắk. Đến năm 2020 giữ nguyên được số lượng cá thể voi nhà và cho sinh sản thành công từ 2-4 cá thể voi con.
- Bảo tồn voi và các loài động vật, thực vật nguy cấp, quý hiếm trong vùng sinh cảnh của voi, gắn bảo tồn với việc phát triển kinh tế trọng tâm là du lịch sinh thái và hài hòa với các mục đích phát triển kinh tế xã hội khác.
a) Bảo tồn đàn voi giai đoạn 2012 - 2020 tại 03 tỉnh: Nghệ An, Đắk Lắk, và Đồng Nai, hiện đang có quần thể voi tốt nhất theo quy mô đàn, sinh cảnh, diện tích vùng sống, bao gồm: Vườn quốc gia Pù Mát tỉnh Nghệ An; Vườn quốc gia Cát Tiên khu vực giáp ranh với Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, Công ty TNHH Lâm nghiệp La Ngà tỉnh Đồng Nai; Vườn quốc gia Yok Don, Công ty TNHH Lâm nghiệp Ea H'Mơ và la Lốp tỉnh Đắk Lắk có số lượng cá thể đủ lớn, thành phần cơ cấu đàn có cả voi đực và voi cái, sinh cảnh rừng đủ lớn đảm bảo cho công tác bảo tồn tại chỗ.
b) Bảo tồn tại chỗ những quần thể voi có số lượng đàn ít, gắn với nhiệm vụ bảo tồn của các Ban quản lý Khu rừng đặc dụng nơi có voi sinh sống; Tiến hành điều tra khảo sát, đánh giá thực trạng bảo tồn voi hiện có và khu vực phân bố của những quần thể voi có số lượng cá thể ít, cơ cấu đàn nhỏ, lẻ đang bị cô lập, có nguy cơ bị đe dọa trong tự nhiên.
c) Di chuyển, tái nhập đàn tới vùng sinh cảnh mới đảm bảo cho voi phát triển ổn định. Các khu vực dự kiến di chuyển, tái nhập đàn voi ở Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh), Đạ Hoai (Lâm Đồng), Tiên Phước, Phước Sơn (Quảng Nam).
d) Nghiên cứu giải quyết vấn đề sinh sản cho voi nhà nhằm bảo tồn và phát triển số voi nhà hiện nay tại tỉnh Đắk Lắk.
đ) Tuyên truyền, thiết kế, in ấn tài liệu tuyên truyền về bảo tồn voi nhằm nâng cao nhận thức, ý thức bảo tồn voi của cộng đồng thôn bản sống gần khu vực voi phân bố nằm trong quy hoạch dự án bảo tồn voi.
e) Chương trình hợp tác liên biên giới về bảo tồn voi, hệ thống cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu, trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ, quản lý bảo tồn voi và Bản thỏa thuận song phương và đa phương quy định chặt chẽ việc kiểm soát buôn bán voi qua biên giới.
a) Thực hiện có hiệu quả các dự án bảo tồn voi tại 03 tỉnh: Nghệ An, Đắk Lắk và Đồng Nai; các phương án bảo tồn tại chỗ những quần thể voi có số lượng đàn ít; phương án di chuyển, tái nhập đàn những cá thể voi phân bố nhỏ lẻ; phương án phòng tránh xung đột voi/người; nghiên cứu giải quyết vấn đề sinh sản cho voi nhà nhằm bảo tồn và phát triển số voi nhà hiện nay tại địa phương.
b) Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thu hút các nguồn tài trợ, giúp đỡ về tài chính và kỹ thuật trong công tác bảo tồn voi; Xây dựng Bản thỏa thuận song phương và đa phương với các nước láng giềng nhằm quy định chặt chẽ việc kiểm soát buôn bán voi qua biên giới, xây dựng hệ thống cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu, trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ, quản lý bảo tồn voi liên biên giới.
c) Về cơ chế đầu tư
- Ngân sách Trung ương đầu tư thực hiện: dự án bảo tồn voi của các tỉnh: Đồng Nai, Đắk Lắk, Nghệ An; dự án bảo tồn tại chỗ những quần thể voi có số lượng đàn ít; dự án di chuyển, tái nhập đàn và dự án nghiên cứu giải quyết vấn đề sinh sản cho voi nhà.
- Ngân sách địa phương đầu tư thực hiện: Các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo tồn voi; đầu tư cho điều tra giám sát quần thể voi; đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế bảo tồn voi.