Công văn 443/BNN-TCLN tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia Đề án tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2012-2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 443/BNN-TCLN |
Ngày ban hành | 01/02/2013 |
Ngày có hiệu lực | 01/02/2013 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký | Hà Công Tuấn |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 443/BNN-TCLN |
Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2013 |
Kính gửi: Văn phòng Chính phủ
Thực hiện văn bản số 37/PC-VPCP ngày 15/01/2013 của Văn phòng Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia cho Đề án tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2012-2020 của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư (văn bản số 19-BKHĐT ngày 02/01/2013), Tài nguyên và Môi trường (văn bản số 4939/BTNMT-TCMT ngày 24/12/2012) và Ủy ban nhân dân các tỉnh: Đồng Nai (văn bản số 186/UBND-CNN ngày 08/01/2013), Nghệ An (văn bản số 2790/SNN-KHTC ngày 27/12/2012); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Đề án tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020, cụ thể như sau:
1. Ý kiến chung
- Tất cả các ý kiến tham gia đều thống nhất với sự cần thiết xây dựng và ban hành Đề án tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020, việc triển khai Đề án góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam nói chung và bảo tồn loài voi khỏi đe dọa tuyệt chủng nói riêng.
- Nội dung của Đề án phù hợp với yêu cầu thực tiễn và có tính khả thi cao trong công tác bảo tồn voi ở địa phương.
- Kết cấu Đề án đảm bảo đầy đủ các nội dung yêu cầu cho một đề án.
- Cơ bản thống nhất các nội dung của Đề án bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020.
2. Ý kiến cụ thể
Các ý kiến tham gia cụ thể của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư (văn bản số 19-BKHĐT ngày 02/01/2013), Tài nguyên và Môi trường (văn bản số 4939/BTNMT-TCMT ngày 24/12/2012) và Ủy ban nhân dân các tỉnh: Đồng Nai (văn bản số 186/UBND-CNN ngày 08/01/2013), Nghệ An (văn bản số 2790/SNN-KHTC ngày 27/12/2012) được tiếp thu, giải trình như sau:
TT |
Ý KIẾN THAM GIA |
TIẾP THU, GIẢI TRÌNH |
I |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
|
1 |
Đề nghị làm rõ giải pháp để đạt được mục tiêu của Đề án. |
Các giải pháp đạt được mục tiêu của đề án đó chính là Mục 3.2. "Nội dung của đề án bảo tồn voi". Đề án đã đưa ra 6 nội dung chính nhằm thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát triển quần thể voi hoang dã, voi nhà hiện còn. Giải pháp cụ thể được thể hiện đầy đủ trong các dự án bảo tồn voi của các tỉnh. |
2 |
Nghiên cứu thêm việc xây dựng thêm Trung tâm bảo tồn voi sẽ tăng thêm biên chế, kinh phí hoạt động và đầu tư, do vậy nên ghép bảo tồn vào các cơ quan lâm nghiệp hiện có. |
Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Trung tâm bảo tồn voi theo Quyết định số 761/QĐ-UBNN ngày 24/3/2011. Hiện nay Trung tâm có 6 biên chế hoạt động như đơn vị chuyên môn, giúp cho Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk thực hiện cơ chế, chính sách bảo tồn và phát triển voi nhà theo nội dung của Dự án bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk xây dựng. |
3 |
Làm rõ mối quan hệ và phối hợp giữa bảo tồn voi với các loài quý hiếm khác đang thực hiện tại các khu bảo tồn về quy hoạch và tổ chức thực hiện |
Tiếp thu ý kiến trên và đã bổ sung "Mục 4.4. Liên kết Đề án bảo tồn voi với bảo tồn các loài quý hiếm khác" vào trong Đề án nhằm làm rõ các mối quan hệ trong việc bảo tồn voi với các loài quý hiếm khác trong cùng khu vực. |
4 |
Đánh giá việc bảo tồn từ trước đến nay, đặc biệt là việc di chuyển ghép đàn. |
Thông tin về di chuyển cần 20 cá thể voi đến Bản Đôn thời kỳ 1990-2000 đã bị chết hết là không chính xác. Năm 1997, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hợp tác với Trung tâm bảo tồn voi Thái Lan di chuyển 3 cá thể voi ở Xuyên Mộc, tỉnh Đồng Nai tới Vườn quốc gia Yok Don, do thiếu kinh nghiệm và không có kinh phí mua trang, thiết bị và thuê chuyên gia nên 3 cá thể voi trên đã bị chết trong quá trình vận chuyển đến nơi thả. Đến năm 2001, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được sự hỗ trợ của tổ chức Bảo tồn quốc tế (FFI), cùng với đầu tư của Chính phủ Việt Nam đã tổ chức di chuyển thành công 6 cá thể voi từ Tánh Linh tỉnh Bình Thuận để tránh xung đột voi/người đến Vườn quốc gia Yok Don. Qua theo dõi bằng hệ thống định vị vệ tinh cho thấy, các cá thể voi đã tự ghép đàn trong môi trường tự nhiên. Ngoài ra, nếu không thực hiện dự án di chuyển ghép đàn, thì một số cá thể voi đơn lẻ, đàn voi toàn voi cái như ở Vườn quốc gia Vũ Quang, Hà Tĩnh sẽ tự suy thoái và mất đi vĩnh viễn, việc thực hiện Đề án bảo tồn voi thiếu đi ý nghĩa phát triển bền vững quần thể voi trong tương lai. |
5 |
Về vốn đầu tư |
Đề án tổng thể bảo tồn voi chủ yếu tổng hợp dự toán nhu cầu vốn đầu tư cho dự án bảo tồn voi của các tỉnh: Đồng Nai, Đắk Lắk, Nghệ An (các tỉnh này đã lập dự án chi tiết), số ít còn lại là khái toán nhằm thực hiện các dự án khác như di chuyển, ghép đàn, điều tra, giám sát ngoài 3 dự án chính của 3 tỉnh. Mặt khác, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có Quyết định số 14/QĐ-BNN-TCLN ngày 04/01/2013 về thành lập Ban chỉ đạo kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi ở Việt Nam theo Mục b, khoản 3, Điều 1 của Quyết định số 940/QĐ-TTg ngày 19/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Thành viên Ban chỉ đạo gồm có đại diện của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường và đại diện Ủy ban nhân dân các tỉnh: Đồng Nai, Đắk Lắk, Nghệ An và đại diện một số đơn vị thuộc Tổng cục Lâm nghiệp; nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là thẩm định và giám sát các dự án trong Đề án bảo tồn voi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Như vậy, nội dung và căn cứ chi còn được thẩm định lại qua Ban chỉ đạo kế hoạch khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi ở Việt Nam phê duyệt. |
II |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
|
1 |
Xác định rõ mục tiêu đến năm 2020 số cá thể và quần thể voi ở Việt Nam được bảo tồn và phát triển |
Mục tiêu của Đề án cụ thể "Ngăn chặn sự suy giảm số lượng voi, đảm bảo ít nhất ba khu vực có voi sinh sống được bảo tồn ổn định và phát triển bền vững trong tự nhiên tại Vườn quốc gia Pù Mát, Yok Đôn và Cát Tiến. Đến năm 2020 số cá thể và cơ cấu đàn voi sinh sản tự nhiên tăng từ 3 - 6 cá thể". Lý do, căn cứ đưa ra mục tiêu này là mục đích phải bảo vệ được số lượng cá thể hiện có, đồng thời, 3 khu vực là Vườn quốc gia Pù Mát, Yok Don và Cát Tiên hiện tại là những sinh cảnh tự nhiên tốt nhất đáp ứng cho mục đích, yêu cầu bảo tồn voi. Mặt khác đưa ra mục tiêu đàn voi sinh sản tự nhiên từ 3-6 cá thể với căn cứ như sau: Tháng 9/2011 một con voi con từ 3-5 tháng tuổi bị chết tại Vườn quốc gia Yok Don, tháng 12/2012 một con voi non từ 2-3 tháng tuổi bị chết tại Vườn quốc gia Yok Don và các thông tin chưa được kiểm chứng là năm 2011 đàn voi ở Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai sinh sản được 2 cá thể, năm 2012 đàn voi ở Vườn quốc gia Pù Mát sinh 1 cá thể voi con. Những thông tin trên chứng tỏ rằng hiện tại voi có khả năng sinh sản tự nhiên nếu được bảo tồn tốt cơ cấu đàn, dự đoán đến năm 2020 có khả năng sinh sản từ 3-6 cá thể là hợp lý. |
2 |
Nghiên cứu và làm rõ tính khả thi và đưa ra các giải pháp cụ thể để phát triển quần thể voi nhà |
Trong Dự án bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng về số lượng cá thể, tỷ lệ giới tính, tỷ lệ tuổi trong độ sinh sản và khả năng sinh sản của quần thể voi nhà trong thời gian gần đây. Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã nghiên cứu các kinh nghiệm của một số nước trong khu vực Đông Nam Á đã thành công trong việc bảo tồn và phát triển quần thể voi nhà. Từ đó, Dự án đã đề xuất các giải pháp cụ thể cho việc phát triển quần thể voi nhà. Đề án tổng thể bảo tồn voi Việt Nam chỉ tổng quan các nội dung trong các Dự án bảo tồn voi của các tỉnh Đồng Nai, Đắk Lắk, Nghệ An chứ không đi sâu vào từng giải pháp cụ thể. |
3 |
Chuyển nội dung gắn bảo tồn voi với các loài động vật, thực vật nguy cấp, quý hiếm trong vùng sinh cảnh của voi với việc phát triển kinh tế vào phần giải pháp thực hiện Đề án |
Tiếp thu ý kiến và bổ sung thêm nội dung góp ý trên vào trong Mục 4.4 "Liên kết giữa Đề án bảo tồn voi với bảo tồn các loài quý hiếm khác" trong Phần IV. Các giải pháp thực hiện đề án. |
4 |
Đề nghị cụ thể hóa các hoạt động |
Đây là Đề án tổng thể, các nội dung của Đề án có các dự án cụ thể thực hiện, các dự án được xây dựng chi tiết, cụ thể hóa các hoạt động nhằm đạt được mục tiêu của Đề án. Ban chỉ đạo kế hoạch hành động khẩn cấp để bảo tồn voi được thành lập theo Quyết định số 940/QĐ-TTg ngày 19/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ thẩm định nội dung các dự án cụ thể |
5 |
Nghiên cứu và đề xuất quy hoạch bảo tồn các vùng sinh thái là nơi sống của quần thể voi tại Việt Nam |
Nội dung này đã được ghi rõ trong mục tiêu của Đề án và trong phần nội dung cũng đã đề cập rất rõ là: "Thống nhất chọn 03 khu vực có số lượng voi tốt nhất theo quy mô đàn, sinh cảnh, diện tích vùng sống, tính khả thi trong quản lý bảo tồn, phát triển lâu dài, bao gồm: Vườn quốc gia Pù Mát tỉnh Nghệ An; Vườn quốc gia Cát Tiên khu vực giáp ranh với Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, Công ty TNHH Lâm nghiệp La Ngà tỉnh Đồng Nai; Vườn quốc gia Yok Don, Công ty TNHH Lâm nghiệp Ea H'Mơ và la Lốp tỉnh Đắk Lắk có số lượng cá thể đủ lớn, thành phần cơ cấu đàn có cả voi đực và voi cái, sinh cảnh rừng đủ lớn đảm bảo cho công tác bảo tồn tại chỗ". |
6 |
Về tổ chức thực hiện Đề án |
Đề án đã đề xuất mô hình tổ chức thực hiện theo Khoản 5, Điều 1 của Quyết định số 940/QĐ-TTg ngày 19/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi ở Việt Nam và theo đúng quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị liên quan. |
III |
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai |
|
|
Nhất trí với nội dung của Đề án |
|
IV |
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai |
|
|
Nhất trí với nội dung của Đề án |
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |