Tờ trình số 2989/TM-QLCL ngày 01/08/2002 của Bộ Thương mại về việc trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về quản lý chất lượng hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu

Số hiệu 2989/TM-QLCL
Ngày ban hành 01/08/2002
Ngày có hiệu lực 01/08/2002
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Bộ Thương mại
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Thương mại

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2989/TM-QLCL

Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2002

 

TỜ TRÌNH CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT THƯƠNG MẠI VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA LƯU THÔNG TRONG NƯỚC VÀ HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện chương trình xây dựng pháp luật năm 2002 của Chính phủ, nhằm quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại và Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa năm 1999, Bộ Thương mại đã được giao chủ trì soạn thảo Nghị định về quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Bộ Thương mại xin kính trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định và xin giải trình như sau:

I- VỀ SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH

Luật Thương mại có hiệu lực từ ngày 01/01/1998 đã có quy định về nhiệm vụ quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (Khoản 6 Điều 245 và Điều 246).

Năm 1999, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa nêu ra nhiều chế định cụ thể, song còn tồn tại một số vấn đề sau cần được sửa đổi, bổ sung:

1- Việc bắt buộc áp dụng Tiêu chuẩn Việt Nam và Tiêu chuẩn ngành chưa thật phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay, khi nước ta đã chuyển sang cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.

Hiện nay trên Thế giới đang diễn ra hai quá trình:

Một mặt chất lượng hàng hóa tuỳ thuộc vào nhu cầu của thị trường biến đổi không ngừng; dưới tác động của những tiến bộ khoa học công nghệ, chất lượng hàng hóa càng thay đổi nhanh chóng. Việc định ra và đòi hỏi áp dụng một cách cứng nhắc bộ Tiêu chuẩn Quốc gia và Tiêu chuẩn ngành không còn phù hợp.

Mặt khác, các nước lại có khuynh hướng đề ra nhiều Tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh môi trường, bản quyền, tài sản trí tuệ... cho phù hợp với đòi hỏi của cuộc sống, đồng thời cũng nhằm tạo ra các rào cản trá hình nhằm bảo hộ sản xuất trong nước.

Nước ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, do đó cũng cần làm theo hướng này.

2- Thiếu các quy định về chất lượng và loại hình hoạt động dịch vụ chứng nhận chất lượng hàng hóa.

Hoạt động dịch vụ chứng nhận chất lượng hàng hóa bao gồm việc chứng nhận chất lượng mẫu hàng; chứng nhận chất lượng, số lượng và các yếu tố liên quan đến chất lượng lô hàng; chứng nhận phương pháp quản lý bảo đảm chất lượng của hàng hóa như ISO 9000, TQM, HACCP, GMP,... (gọi chung là chứng nhận chất lượng).

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/NĐ-CP ngày 12/4/1999 về kinh doanh dịch vụ giám định hàng hóa. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 20/1999/NĐ-CP chỉ bao gồm việc quản lý hành chính hoạt động kinh doanh giám định chứng nhận số lượng, chất lượng và các yếu tố khác có liên quan của lô hàng, song chưa nêu các quy định để quản lý năng lực và chất lượng hoạt động của dịch vụ giám định về số lượng và chất lượng hàng hóa; các quy định quản lý các hoạt động dịch vụ chứng nhận phương pháp quản lý chất lượng hàng hóa. Ngoài ra, cần có pháp luật điều chỉnh việc công nhận các tổ chức chứng nhận nước ngoài và thừa nhận kết quả chứng nhận của nhau theo các Hiệp định về công nhân và thừa nhận lẫn nhau của WTO, APEC......

3- Chưa phân định rõ ràng chức năng quản lý Nhà nước đối với chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Điều 245 và 246 Luật Thương mại quy định Bộ Thương mại chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc quản lý Nhà nước về thương mại, trong đó có nội dung quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa lại quy định Bộ Khoa học - Cộng nghệ và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa. Sự trùng chéo này gây ra không ít trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của thương nhân, làm cho hiệu quả quản lý nhà nước không đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Hơn nữa, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước cũng chưa được phân định cụ thể, từ đó dẫn đến tình trạng một loại hàng hóa phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của nhiều lực lượng khác nhau, gây cản trở cho lưu thông hàng hóa và hoạt động của thương nhân. Do đó, Chính phủ cần có quy định cụ thể về chất lượng quản lý Nhà nước đối với hàng hóa lưu thông trong nước cũng như xuất khẩu, nhập khẩu.

4- Việt Nam đã gia nhập ASEAN, ký Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ và đang đàm phán gia nhập WTO. Pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật về chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và xuất nhập khẩu nói riêng cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các nguyên tắc và quy định của các cam kết song phương và đa phương.

Từ những lý do trên, để hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa của nước ta cần có Nghị định quy định chi tiết về quản lý chất lượng hàng hóa theo Luật Thương mại và Pháp luật Chất lượng hàng hóa.

II- NGUYÊN TẮC SOẠN THẢO NGHỊ ĐỊNH

Việc soạn thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại tuân thủ theo các nguyên tắc cơ bản sau:

1- Tuân theo các quy định của Luật Thương mại phù hợp với việc làm rõ thêm các quy định của Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa năm 1999.

2- Điều chỉnh các quy định pháp luật hiện hành cho phù hợp với điều kiện nền kinh tế thị trường cũng như thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa trong nước và quốc tế, phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

3- Làm rõ những nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước về dịch vụ chứng nhận chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

4- Phân định rõ chức năng quản lý Nhà nước giữa các cơ quan có liên quan đối với chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

III- BỐ CỤC CỦA NGHỊ ĐỊNH

Nghị định bao gồm 5 Chương và 19 Điều, được trình bày cụ thể như sau:

[...]