Tờ trình số 28/TTr-BLĐTBXH về quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với các công ty có phần vốn góp chi phối của nhà nước do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 28/TTr-BLĐTBXH
Ngày ban hành 25/05/2009
Ngày có hiệu lực 25/05/2009
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Nguyễn Thị Kim Ngân
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------

Số: 28/TTr-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 2009

 

TỜ TRÌNH CHÍNH PHỦ

VỀ QUẢN LÝ LAO ĐỘNG, TIỀN LƯƠNG VÀ TIỀN THƯỞNG ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TY CÓ PHẦN VỐN GÓP CHI PHỐI CỦA NHÀ NƯỚC

Thực hiện phân công của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6360/VPCP-ĐMDN ngày 25/9/2008, sau khi trao đổi ý kiến với các Bộ, ngành liên quan và có ý kiến thẩm của Bộ Tư pháp tại công văn số 1418/BTP-PLDSKT ngày 7/5/2009, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với các công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT

1. Thực hiện lộ trình sắp xếp, chuyển đổi các công ty nhà nước theo quy định tại Luật Doanh nghiệp nhà nước, tính đến hết năm 2008 đã sắp xếp được 5.556 công ty và bộ phận công ty, trong đó trên 50% số công ty được sắp xếp, chuyển đổi thành công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (sau đây gọi tắt là công ty có phần vốn góp của Nhà nước) để hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Các công ty có phần vốn góp của Nhà nước tùy theo ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước quyết định theo mô hình công ty có phần vốn góp chi phối hoặc không chi phối của Nhà nước.

2. Về chế độ tiền lương sau khi chuyển đổi, công ty có phần vốn góp của Nhà nước thực hiện theo quy định tại Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002 của Chính phủ, trong đó công ty được quyền tự xây dựng thang lương, bảng lương theo các nguyên tắc do Chính phủ quy định; quyết định quỹ tiền lương, tiền thưởng và trả lương, tiền thưởng cho người lao động theo hợp đồng lao động và quy chế trả lương, tiền thưởng, bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Tuy nhiên trên thực tế, việc thực hiện chế độ tiền lương ở các công ty này còn rất khác nhau:

- Đối với công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước chỉ một số rất ít tự xây dựng thang, bảng lương, còn phần lớn vẫn tiếp tục áp dụng hệ thống thang, bảng lương do Chính phủ quy định đối với công ty nhà nước làm cơ sở tính chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Việc xây dựng quỹ tiền lương và trả lương thì hầu hết đều thực hiện khác các quy định của Nhà nước khi còn là công ty nhà nước. Xu hướng chung là đẩy tiền lương tăng rất cao so với năng suất lao động và lợi nhuận, trong đó tiền lương của người lao động thường không tăng hoặc tăng ít, thậm chí còn giảm, nhưng tiền lương của lao động quản lý thường tăng rất cao, có công ty trả lương cho lao động quản lý trên 130 triệu đồng/tháng (gấp 3 – 4 lần so với mức lương khi còn là công ty nhà nước và gấp 20 – 30 lần so với tiền lương của người lao động), trả thù lao cho các chức danh kiêm nhiệm từ 15 – 30 triệu đồng/tháng trong khi năng suất lao động và hiệu quả không tăng hoặc tăng không đáng kể.

- Đối với công ty có phần vốn góp không chi phối của Nhà nước phần lớn đều tự xây dựng thang, bảng lương theo chức danh công việc phù hợp với đặc điểm tổ chức lao động của công ty. Do có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cổ đông (chủ yếu cổ đông là cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước) và của Hội đồng quản trị nên việc trả lương, tiền thưởng gắn với năng suất lao động và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, quan hệ tiền lương, thu nhập giữa các loại lao động tương đối hợp lý.

2. Từ thực tế trên cho thấy, chính sách tiền lương của Nhà nước đối với công ty có phần vốn góp của Nhà nước là phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó Nhà nước quản lý phần vốn góp thông qua người đại diện vốn góp theo đúng Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước chưa quan tâm nhiều đến việc xây dựng chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động, lợi nhuận và bảo đảm quan hệ hợp lý giữa các loại lao động mà chỉ chú trọng đẩy cao tiền lương, nhất là tiền lương của lao động quản lý, thù lao, tiền thưởng đối với các chức danh kiêm nhiệm (trong đó có người đại diện phần vốn góp của Nhà nước) đã tạo sự bất hợp lý giữa tiền lương và năng suất, hiệu quả, tiền lương, tiền thưởng giữa các chức danh quản lý và người lao động trong nội bộ công ty, cũng như so với công ty nhà nước làm chủ sở hữu vốn góp, tạo ra sự so sánh không tốt trong xã hội. Nguyên nhân chính là Nhà nước chưa có quy định cụ thể việc quản lý lao động, tiền lương tại công ty có phần vốn góp của Nhà nước làm căn cứ để chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện tham gia ý kiến với công ty có vốn góp của Nhà nước cho phù hợp. Đối với người được cử đại diện vốn góp thường giữ chức danh quản lý và hưởng tiền lương, thù lao, tiền thưởng do công ty cổ phần chi trả và thường quan tâm đến lợi ích của cá nhân mà chưa thực sự quan tâm đến lợi ích và hiệu quả sử dụng, bảo toàn vốn của Nhà nước tại công ty.

Từ tình hình trên, để tạo cơ sở pháp lý cho chủ sở hữu tăng cường chỉ đạo, giám sát việc thực hiện chính sách tiền lương, tiền thưởng gắn với năng suất, hiệu quả, bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động, công ty và Nhà nước thì cần thiết phải ban hành Nghị định của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với các công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước.

II. NỘI DUNG DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH

Dự thảo Nghị định gồm 8 Điều, với những nội dung chính như sau:

1. Điều 1, quy định phạm vi điều chỉnh là quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước; trách nhiệm của chủ sở hữu và người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại công ty đó.

2. Điều 2, quy định đối tượng áp dụng là công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên có phần vốn góp chi phối của Nhà nước do Bộ, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước và các Tổng công ty, công ty nhà nước 100% vốn nhà nước là chủ sở hữu; chủ sở hữu và người đại diện phần vốn góp tại công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước.

3. Điều 3, quy định nguyên tắc quản lý lao động, tiền lương được thực hiện thông qua người đại diện phần vốn góp chi phối của Nhà nước trên cơ sở bảo đảm quyền tự chủ và chịu trách nhiệm của công ty có vốn góp chi phối của Nhà nước theo quy định của Bộ Luật Lao động, Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của công ty; Tiền lương, tiền thưởng gắn với năng suất và kết quả điều hành, bảo đảm hài hòa lợi ích của cổ đông hoặc thành viên góp vốn của công ty và người lao động.

4. Điều 4, quy định nội dung quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước như việc xây dựng thang lương, bảng lương, tuyển dụng, sử dụng lao động, xây dựng kế hoạch quỹ tiền lương của người lao động, quỹ tiền lương, tiền thưởng, thù lao của các chức danh quản lý gắn với vị trí công việc, tỷ suất lợi nhuận/vốn, bảo đảm quan hệ tiền lương hợp lý giữa các chức danh quản lý và người lao động.

5. Điều 5, quy định trách nhiệm của người đại diện phần vốn góp của Nhà nước trong việc tham gia ý kiến, theo dõi, kiểm tra và giám sát công ty thực hiện các chính sách lao động, tiền lương, tiền thưởng theo định hướng theo chỉ đạo của chủ sở hữu.

6. Điều 6, quy định trách nhiệm của chủ sở hữu trong việc chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho người đại diện tham gia ý kiến để định hướng công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước trong thực hiện chính sách lao động, tiền lương, tiền thưởng.

7. Điều 7, quy định trách nhiệm của công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch lao động, tiền lương, tiền thưởng theo Nghị quyết của Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên, hoặc theo Điều lệ của công ty và theo quy định của pháp luật lao động.

8. Điều 8, quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc hướng dẫn thực hiện và hiệu lực thi hành của Nghị định.

III. Ý KIẾN CỦA BỘ, NGÀNH

Tổng hợp ý kiến của Bộ, ngành về cơ bản đều nhất trí với nội dung dự thảo Nghị định, một số góp ý cụ thể Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổng hợp sửa trực tiếp vào dự thảo. Tuy nhiên có một số ý kiến khác, cụ thể:

1. Về sự cần thiết của Nghị định, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đề nghị nghiên cứu thêm về sự cần thiết và tính khả thi của Nghị định.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thấy rằng, từ thực tế nêu trên thì cần thiết phải ban hành Nghị định này nhằm tăng cường vai trò của Nhà nước trong quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với công ty có vốn góp chi phối của Nhà nước. Việc quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng được thực hiện thông qua người đại diện phần vốn góp của Nhà nước, không làm ảnh hưởng đến quyền tự chủ của công ty có vốn góp chi phối của Nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của công ty đó (các Bộ, ngành đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị định này).

2. Về tiền lương, thù lao của các chức danh quản lý tại điểm c, khoản 2, Điều 4 dự thảo Nghị định:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bỏ quy định “mức tiền lương của lao động quản lý bảo đảm quan hệ hợp lý với tiền lương của người lao động”; Ngân hàng Công thương, Tập đoàn Điện lực đề nghị quy định cụ thể mức tiền lương của lao động quản lý chênh lệch tối đa bao nhiêu lần so với người lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thấy rằng, cần thiết phải có quy định này làm cơ sở để chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện tham gia ý kiến với công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước xây dựng tiền lương của lao động quản lý cân đối với tiền lương của người lao động. Tuy nhiên, việc quy định cụ thể mức chênh lệch tối đa giữa tiền lương của lao động quản lý và người lao động để áp dụng chung cho tất cả các công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước là không phù hợp, mà tùy theo đặc điểm tổ chức lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của từng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh để chủ sở hữu xác định quan hệ tiền lương và chỉ đạo người đại diện tham gia ý kiến với công ty đó cho phù hợp, vì vậy, đề nghị giữ như dự thảo.

- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị quy định rõ thù lao của người đại diện kiêm nhiệm ở nhiều công ty; Ngân hàng Công thương đề nghị bỏ quy định về thù lao của chức danh quản lý kiêm nhiệm vì chức danh này đã được chủ sở hữu trả lương theo quy định tại Nghị định 09/2009/NĐ-CP ngày 5 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ