Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Tờ trình số 2759/TTr-UBND về việc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; an ninh quốc phòng 5 năm 2006-2010 tỉnh Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành

Số hiệu 2759/TTr-UBND
Ngày ban hành 28/04/2006
Ngày có hiệu lực 28/04/2006
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Văn Một
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số: 2759/TTr-UBND

Biên Hòa, ngày 28 tháng 04 năm 2006

 

TỜ TRÌNH

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI; AN NINH QUỐC PHÒNG 5 NĂM 2006-2010 TỈNH ĐỒNG NAI.

Thực hiện Chỉ thị số 33/2004/CT-TTg ngày 23/09/2004 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2006-2010; căn cứ báo cáo khung định hướng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2006-2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (báo cáo số 2668 BKH/TH ngày 05/5/2004 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2006-2010, kính trình báo cáo HĐND tỉnh:

I- ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ- XÃ HỘI; AN NINH QUỐC PHÒNG 5 NĂM 2001-2005:

- Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, mức tăng trưởng GDP bình quân 5 năm (2001-2005) là 12,8%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra (mục tiêu tăng từ 10-12%), cao hơn 12% của 5 năm (1996-2000) và gấp 1,7 lần mức tăng chung của cả nước (cả nước tăng 7,5%). GDP các khu vực kinh tế tăng trưởng đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra: Khu vực công nghiệp xây dựng tăng 16% (mục tiêu tăng từ 13-15%); dịch vụ tăng 12,1% (mục tiêu tăng từ 10-12%); nông lâm thuỷ tăng 4,6% (mục tiêu từ 3,5-4%). GDP bình quân đầu người theo USD (1USD=11.000 VND) đến năm 2005 đạt 785 USD vượt mục tiêu nghị quyết đề ra và tăng 68,4% so với năm 2000.

- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng và dịch vụ tăng cao; ngành nông, lâm ngư nghiệp giảm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2005: Ngành công nghiệp-xây dựng chiếm 57%; ngành dịch vụ chiếm 28%; ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 15%.

- Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục phát triển nhanh và đạt được nhịp độ tăng trưởng cao; mức tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 5 năm đạt 18,74%. Trong đó: quốc doanh Trung ương tăng 8,7%, quốc doanh địa phương tăng 18%, ngoài quốc doanh tăng 26%, đầu tư nước ngoài tăng 20,57%.

+ Một số ngành công nghiệp mũi nhọn tiếp tục phát triển nhanh và đúng hướng theo mục tiêu Nghị quyết đề ra: ngành chế biến nông sản thực phẩm,  ngành khai thác cát đá và sản xuất VLXD với mức tăng trưởng bình quân từ 16,7% đến 26,5%. Các ngành công nghiệp có sản phẩm chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu với giá trị xuất khẩu cao, thu hút nhiều lao động (giày da, may mặc, dệt, máy móc thiết bị, điện, điện tử, hóa chất) có mức tăng trưởng bình quân từ 12,4% đến 41,8%. Một số ngành công nghiệp kỹ thuật cao như sản xuất linh kiện và lắp ráp ô tô, xe máy tăng 9,6%.

+ Công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp được khuyến khích và ưu tiên đầu tư phát triển, mỗi năm các doanh nghiệp này đã cung cấp hàng ngàn máy nông ngư cơ và các thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.

+ Qui mô và năng lực sản xuất của các ngành công nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh tăng lên rất nhiều so với năm 2000 nên sản lượng sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao.

+ Để chuẩn bị chương trình hội nhập kinh tế khu vực (AFTA) các doanh nghiệp Nhà nước đã tích cực đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng. Tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước có trình độ công nghệ tiên tiến đến nay tăng đáng kể so với trước. Nhờ tích cực đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và chú trọng sắp xếp, cổ phần hóa nên hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước tăng rõ rệt đồng thời tiếp tục giữ được vai trò chủ đạo trong các ngành sản xuất phân phối điện, sản xuất giấy, nước sinh hoạt, đường, thuốc lá.

- Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp: tiếp tục phát triển ổn định, giá trị sản xuất toàn ngành đạt mức tăng trưởng bình quân 5 năm (2001-2005) là 5,5%.

+ Nông nghiệp phát triển toàn diện cả trồng trọt và chăn nuôi: Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt mức tăng trưởng bình quân là 5,11%. Trong đó, trồng trọt tăng 4,12%, chăn nuôi tăng 8,05%. Nâng cơ cấu chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp từ 22,7% năm 2000 lên 26,1% năm 2005. Tuy điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp: nắng hạn kéo dài, lũ lụt cục bộ ở một số địa phương, dịch cúm gia cầm phát sinh gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, giá vật tư phân bón tăng cao trong khi giá các mặt hàng nông sản chủ lực giảm sút đáng kể nhưng ngành nông nghiệp đã tích cực, chủ động và đề ra những biện pháp khắc phục có hiệu quả, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ tư vấn kỹ thuật và đặc biệt tích cực sử dụng các giống cây trồng vật nuôi mới; tích cực hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bằng các giải pháp như gắn chế biến với tiêu thụ, thực hiện ký kết hợp đồng đầu tư ứng trước bao tiêu sản phẩm nông nghiệp giữa doanh nghiệp Nhà nước và người nông dân, phát triển một số vùng chuyên canh cây công nghiệp phục vụ chế biến và xuất khẩu . Với những giải pháp tích cực hiệu quả như trên đã góp phần đưa năng suất cây trồng tăng đáng kể: năng suất lúa tăng bình quân 3,5%, bắp tăng 3,3%, mì tăng 5,2%, đậu tăng 8,8%, mía tăng 1,5%, thuốc lá tăng 14,9%, điều tăng 16,9%, tiêu tăng 2,75%...

+ Chăn nuôi gia súc phát triển mạnh: Trong 5 năm 2001-2005, đàn heo tăng bình quân 14,44%, đàn bò tăng 10,24%. Tuy nhiên, chăn nuôi gia cầm gặp khó khăn do dịch cúm gia cầm phát sinh đầu năm 2004 và ảnh hưởng đến năm 2005 đã gây thiệt hại đáng kể đến thu nhập và đời sống của không ít hộ nông dân cũng như ảnh hưởng đến phát triển ngành chăn nuôi.

+ Ngành thuỷ sản mặc dù không phải là thế mạnh của tỉnh nhưng trong những năm qua đã có sự phát triển nhanh chóng. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản từ 28,64 ngàn ha năm 2000 lên 31,17 ngàn ha năm 2005. Sản lượng thuỷ sản đánh bắt và nuôi trồng tăng nhanh.

+ Về lâm nghiệp: tích cực đẩy mạnh trồng rừng tập trung theo các chương trình quốc gia, đặc biệt là chương trình trồng 5 triệu ha rừng của Chính phủ. Đồng thời thực hiện tốt việc quản lý, chăm sóc, khai thác, bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Toàn tỉnh đã trồng được hơn 7.263 ha rừng trồng tập trung; diện tích rừng được chăm sóc 11.384 ha, bình quân mỗi năm chăm sóc 2.276 ha rừng; diện tích rừng được tu bổ 24.420 ha. Tỷ lệ che phủ của rừng đến nay đạt 26,82% tăng 1,22% so năm 2001. Nếu tính cả diện tích cây công nghiệp lâu năm và cây ăn trái thì tỷ lệ che phủ đạt 46,1%. Thực hiện tốt công tác phòng chống cháy rừng và chống khai thác rừng bừa bãi; số vụ cháy rừng, phá rừng  nhìn chung giảm và hạn chế nhiều, diện tích rừng bị cháy thiệt hại không lớn.

- Phát triển các ngành dịch vụ :

+ Các ngành thương mại, xuất nhập khẩu, du lịch không ngừng củng cố và phát triển theo tinh thần Nghị quyết 12/TW của Bộ chính trị (khóa VIII) và chương trình phát triển thương mại- dịch vụ giai đoạn 2001- 2005 của tỉnh.

+ Thị trường nội địa được khai thác có hiệu quả, lưu thông hàng hóa thông suốt đáp ứng kịp thời hàng hóa, vật tư cho nhu cầu tiêu dùng của dân cư và của các ngành sản xuất. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng cao, bình quân 5 năm tăng 20,44%; trong đó kinh tế quốc doanh tăng 26,6%, kinh tế ngoài quốc doanh nắm giữ phần lớn thị trường bán lẻ với cơ cấu chiếm trên 80%.

+ Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện qui hoạch mạng lưới kinh doanh xăng dầu, mạng lưới giết mổ gia súc, hệ thống nhà trọ, qui hoạch sắp xếp nâng cấp và xây dựng mới một số chợ trên địa bàn nhằm đưa hoạt động thương mại đi dần vào nề nếp, văn minh sạch đẹp theo qui hoạch. Ngoài ra các dịch vụ ăn uống, dạy nghề, giới thiệu việc làm, nhà trọ, vận tải... phát triển khá nhanh theo nhu cầu phát triển các khu công nghiệp tập trung.

+ Các doanh nghiệp Nhà nước đã từng bước sắp xếp lại mô hình tổ chức, tiến hành cổ phần hóa, sát nhập, giải thể nên số lượng doanh nghiệp giảm đáng kể nhưng các doanh nghiệp đã chủ động và có một số chuyển biến mới trong hoạt động kinh doanh.

+ Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, tổ chức nhiều đoàn đi học tập nghiên cứu, khảo sát tìm kiếm thị trường, gặp gỡ tham tán thương mại Việt Nam ở các nước; tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Triển khai thực hiện luật hải quan và tích cực cải tiến các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu phát triển. Tiếp tục duy trì và phát triển các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của địa phương (gốm mỹ nghệ, nông sản, đồ gỗ) đồng thời khuyến khích phát triển nhanh các mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao, tỷ lệ hàng nông sản xuất khẩu qua chế biến đạt trên 70% (đạt mục tiêu Nghị quyết). Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 5 năm 2001-2005 là 19,8%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu đạt mức tăng trưởng bình quân 16,5%/năm, không đạt mục tiêu Nghị quyết (mục tiêu Nghị quyết tăng bình quân là 19%/năm); kim ngạch nhập khẩu tăng 22,4%/năm. Đến nay hàng hóa của doanh nghiệp địa phương đã xuất khẩu sang 60 nước trên thế giới.

+ Hoạt động du lịch có bước phát triển rõ nét, tập trung đầu tư nâng cấp các khách sạn để nâng công suất hoạt động, đầu tư khai thác các tuyến điểm du lịch mới. Số lượt khách du lịch tăng bình quân hàng năm là 31,75%, doanh thu tăng bình quân 22,32%.

+ Khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt mức tăng trưởng bình quân 15,8%/năm, hành khách tăng 18,9%/năm.

Tiếp tục qui hoạch, xây dựng nâng cấp hệ thống cảng sông, cảng biển như: Cảng Gò Dầu, Thị Vải, Cảng Đồng Nai, cảng Phước Thái (VEDAN), cảng Super phốt phát Long Thành, khu cảng trên sông Nhà Bè Lòng Tàu trên địa bàn nên đã hình thành hệ thống cảng khá hoàn chỉnh, nâng công suất bốc xếp của hệ thống cảng trên địa bàn hàng năm lên trên 20 triệu tấn. Phục vụ đắc lực nhu cầu bốc xếp hàng hóa vật tư nội địa và xuất khẩu. Dịch vụ vận tải hành khách quốc doanh và các thành phần kinh tế khác các năm qua đã tích cực tổ chức hệ thống xe buýt phục vụ đưa đón công nhân các khu công nghiệp và học sinh trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Dịch vụ này phát triển đã tăng năng lực hoạt động ngành vận tải và góp phần đáng kể trong việc lập lại trật tự an toàn giao thông, hạn chế tai nạn giao thông trên địa bàn.

+ Thông tin liên lạc tiếp tục được đầu tư nâng cấp, lắp đặt thiết bị hiện đại và có bước phát triển vượt bậc, phát triển thêm nhiều loại dịch vụ mới phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội và đời sống dân cư. Đã phát triển được 99 điểm bưu điện văn hóa xã (chiếm 58% số xã); đảm bảo 100% xã, phường trong toàn tỉnh có thư báo về trong ngày.

- Thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài tăng mạnh: đến cuối năm 2005 có 4.050 doanh nghiệp dân doanh đăng ký hoạt động với tổng vốn đầu tư là 9.400 tỷ đồng; có 707 giấy phép đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 8,049 tỷ USD.

- Việc huy động các nguồn lực cho phát triển có nhiều tiến bộ. Trong 5 năm 2001-2005, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 46 ngàn tỷ đồng (tăng gấp 2,46 lần so thời kỳ 1996-2000); trong đó, vốn trong nước chiếm 47,6%, nguồn vốn đầu tư nước ngoài chiếm 52,4%. Nhờ huy động có kết qủa nguồn vốn đầu tư trong nước nên đã tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn: Đường giao thông, mạng lưới điện, thông tin liên lạc, thuỷ lợi, cơ sở vật chất ngành y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao. Nâng tỷ lệ hộ dùng điện đạt 95% (mục tiêu Nghị quyết 90%); tỷ lệ hộ dùng nước sạch đạt 90%, đạt mục tiêu Nghị quyết; Máy điện thoại đạt 21,79 máy/100 dân; 100% xã, phường có trạm y tế, có trường học, có đường ô tô đến trung tâm của xã, phường. Tiến hành xây dựng một số khu dân cư gắn với các khu công nghiệp, quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp tập trung. Ngoài ra đã chú trọng đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Nhà nước, tăng năng lực sản xuất của các ngành kinh tế.

[...]