Nghị quyết số 62/2006/NQ-HĐND7 về việc mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; an ninh quốc phòng 5 năm 2006 - 2010 do Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành

Số hiệu 62/2006/NQ-HĐND7
Ngày ban hành 03/05/2006
Ngày có hiệu lực 13/05/2006
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Trần Đình Thành
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số: 62/2006/NQ-HĐND7

Biên Hòa, ngày 03 tháng 05 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI; AN NINH QUỐC PHÒNG  5 NĂM 2006 - 2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Khóa VII - Kỳ họp thứ 7 (chuyên đề)

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 03/12/2004;
Xét tờ trình số 2759/TTr-UBND ngày 28/4/2006 của UBND tỉnh Đồng Nai và báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế Ngân sách về kế hoạch phát triển kinh tế -  xã hội 5 năm 2006-2010 và các ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại tổ và tại kỳ họp
.

QUYẾT NGHỊ:

Mục 1 :

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN KTXH 5 NĂM 2001-2005

Điều 1. Nhất trí với báo cáo của Uỷ ban Nhân dân tỉnh về đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội,  an ninh quốc phòng 5 năm 2001-2005 và thống nhất khẳng định:

1.1 Thành tựu đạt được:

Trong 5 năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển nhanh và toàn diện, đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội:

- Kinh tế tăng trưởng bình quân 12,8%/năm; trong đó: công nghiệp xây dựng tăng 16%/năm; dịch vụ tăng 12,1%/năm; nông- lâm- thủy tăng 4,6%/năm.

- GDP bình quân đầu người đến năm 2005 đạt 785 USD, tăng 68,4% so năm 2000.

- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng: năm 2005 tỷ trọng công nghiệp- xây dựng chiếm 57%, dịch vụ 28%, nông, lâm, ngư nghiệp 15%.

- Thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài tăng mạnh, đến cuối năm 2005, có 4.050 doanh nghiệp dân doanh đăng ký hoạt động với tổng vốn đầu tư là 9.400 tỷ đồng; 707 giấy phép đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 8,049 tỷ USD…

- Việc huy động các nguồn lực cho phát triển có nhiều tiến bộ. Trong 5 năm 2001-2005, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 46 ngàn tỷ đồng (tăng gấp 2,46 lần so thời kỳ 1996-2000); trong đó, vốn trong nước chiếm 47,6%. Cơ cấu đầu tư được thực hiện đúng định hướng, tạo sự phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ và hiệu quả.

- Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục- đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, quản lý tài nguyên, môi trường đạt nhiều thành tựu quan trọng, đạt và vượt hầu hết các mục tiêu Nghị quyết Hội đồng Nhân dân tỉnh đề ra; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

- An ninh chính trị, trật tự xã hội ổn định và được giữ vững; triển khai có hiệu qủa các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc; khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, thị xã, thành phố được củng cố vững chắc.

- Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể luôn luôn được đổi mới, chất lượng được nâng cao; công tác dân vận của các cấp chính quyền được tăng cường, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được chú trọng, gắn với cuộc vận động dựa vào dân để xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

1.2 Một số mặt hạn chế như sau:

a. Lĩnh vực kinh tế: trình độ thiết bị công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp trong nước còn thấp; vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn nhỏ, hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh còn hạn chế.

Lĩnh vực dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Trong sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, giá cả tiêu thụ nông sản  không ổn định, chi phí sản xuất nông nghiệp còn cao, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất cũng như thu nhập của nông dân.

Công tác qui hoạch, quản lý qui hoạch và quản lý đầu tư xây dựng còn nhiều hạn chế; kết cấu hạ tầng kỹ thuật một số đô thị còn hạn chế, chưa ngang tầm như thành phố Biên Hoà, Nhơn Trạch.

Vấn đề khai thác và bảo vệ tài nguyên, môi trường chưa đảm bảo phát triển bền vững. Tình trạng ô nhiễm môi trường từ các khu công nghiệp, các khu dân cư chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Huy động vốn đầu tư phát triển từ các nguồn xã hội hóa giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao… còn hạn chế.

Công tác hậu kiểm đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh và hộ kinh doanh cá thể thực hiện chưa chặt chẽ.

b. Lĩnh vực xã hội: chưa có sự chuyển dịch rõ nét trong cơ cấu lao động giữa các ngành; khả năng đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất kinh doanh; chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá chưa cao, công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá chưa phát triển mạnh. Đời sống của một bộ phận dân cư ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc còn khó khăn. Chênh lệch đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của người dân thành thị và nông thôn trong tỉnh vẫn còn khoảng cách đáng kể.

[...]