Nghị quyết số 22/2002/NQ-HĐ về nhiệm vụ kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của Thủ đô năm 2002 do Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 22/2002/NQ-HĐ
Ngày ban hành 18/01/2002
Ngày có hiệu lực 18/01/2002
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Phùng Hữu Phú
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số : 22/2002/NQ-HĐ

Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2002 

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI, AN NINH QUỐC PHÒNG CỦA THỦ ĐÔ NĂM 2002
(HĐND Thành phố Hà Nội -  Khóa XII, Kỳ họp thứ 6, từ ngày 16 đến ngày 18/01/2002)

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân(Sửa đổi);
Căn cứ Báo cáo của UBND thành phố về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2001 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2002;
Sau khi nghe ý kiến của Ủy ban MTTQ Thành phố, ý kiến cử tri, Thuyết trình của các Ban, ý kiến của các Đại biểu HĐND thành phố
;

QUYẾT NGHỊ:

Tán thành báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2001; phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của Thủ đô năm 2002.

Hội đồng nhân dân Thành phố nhấn mạnh một số vấn đề sau:

 I. VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA HĐND THÀNH PHỐ NĂM 2001:

 Thực hiện Nghị quyết của HĐND, UBND Thành phố cùng các ngành, các cấp và nhân dân Thủ đô đã chủ động khắc phục khó khăn, phát huy các nguồn lực, tranh thủ chỉ đạo của Trung ương phấn đấu hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng mà HĐND Thành phố đã đề ra: Kinh tế tăng trưởng khá; tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn tăng 10,03% so với năm 2000; cơ cấu kinh tế chuyển dịch cơ bản đúng hướng; giá trị sản xuất công nghiệp mở rộng tăng 12,6% (riêng công nghiệp tăng 10,9%); giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 11,2%; giá trị nông - lâm - thủy sản tăng 0,7%; thu ngân sách trên địa bàn vượt dự toán; công tác xây dựng và quản lý đô thị, bảo vệ môi trường có nhiều tiến bộ; lĩnh vực văn hóa xã hội, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng có chuyển biến tích cực; đời sống nhân dân ổn định.

Về kinh tế, đáng chú ý là công nghiệp địa phương kể cả quốc doanh và ngoài quốc doanh đạt tốc độ tăng trưởng cao, trên 19% về GTSL; giá trị các ngành dịch vụ tăng 11,7%; tổng doanh thu du lịch tăng 13,5%; hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh; hầu hết các khoản thu ngân sách trên địa bàn đều vượt dự toán.

Thành phố đã tập trung chỉ đạo giải quyết có kết quả nhiều vấn đề bức xúc trong xây dựng và quản lý đô thị: Đẩy mạnh và công khai công tác quy hoạch; tập trung đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình trọng điểm, đặc biệt là phát triển nhà ở và giải phóng mặt bằng. Tổng diện tích nhà ở mới xây dựng đạt 84,3 vạn m2, vượt kế hoạch 68,6%. Đã và đang tổ chức GPMB cho 333 dự án, liên quan đến 9000 hộ dân, trong đó đã hoàn thành và bàn giao mặt bằng cho 158 dự án, rút được nhiêu kinh nghiệm quý báu cho việc triển khai thực hiện các dự án có GPMB trong thời gian tới; đầu tư có hiệu quả để giải quyết những vấn đề trong đời sống nhân dân như cấp nước, thoát nước, vệ sinh môi trường đô thị....

Văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến rõ rệt. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền phục vụ Đại hội Đảng các cấp được tổ chức tốt. Tại SEAGAMES 22 đoàn Hà Nội đóng góp quan trọng vào thành tích chung của toàn đoàn. Thành phố tiếp tục duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, THCS; hoàn thành xây mới 14 trường học và xóa 396 phòng học cấp 4. Hoạt động y tế triển khai đồng bộ, đã hoàn thành 4 chỉ tiêu y tế cơ sở. Công tác trợ giúp người nghèo phát triển sản xuất đạt kết quả tốt; 100% người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; quan tâm chăm lo đời sống và ổn định nhà ở cho người có công với cách mạng; công tác phòng chống các tệ nạn xã hội, giải quyết trẻ lang thang có chuyển biến tích cực.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hoạt động của Đảng, Nhà nước và Thành phố trong mọi điều kiện. Triển khai có hiệu quả chương trình quốc gia phòng chống tội phạm. Hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển quân, công tác động viên huấn luyện quân dự bị và dân quân tự vệ.

Triển khai phương án hợp lý hóa, sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính ở các cấp, các ngành, chấn chỉnh lại tác phong, lề lối làm việc; thí điểm khoán chi hành chính. Đẩy mạnh việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân; tập trung giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; kịp thời giải quyết các khiếu tố mới phát sinh theo phương châm giải quyết dứt điểm từ cơ sở.  

Đạt được những kết quả trên đây là do Thành phố đã có bước chuyển biến mạnh trong công tác chỉ đạo điều hành theo hướng tập trung, kiên quyết, chặt chẽ, đồng bộ và được nhân dân đồng tình ủng hộ, nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết HĐND thành phố đã đề ra.

Bên cạnh các kết quả đạt được, năm 2001 kinh tế - xã hội Thủ đô còn một số khó khăn, tồn tại: Kinh tế tăng trưởng khá nhưng chất lượng và sức cạnh tranh còn hạn chế; tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, nông lâm nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp chưa đạt kế hoạch; hoạt động của các HTX sau chuyển đổi còn nhiều khó khăn; một số công trình lớn chưa đạt tiến độ; công tác thu hồi đất hoang phí, sử dụng sai mục đích còn chậm; hiện tượng thiếu nước sạch vào mùa hè ở một số nơi vẫn tiếp diễn; tỷ lệ thất thu, thất thoát nước sạch còn cao; tình trạng ngập úng vẫn còn; nạn ùn tắc giao thông tại một số khu vực trọng điểm và tai nạn giao thông chưa giảm; tình trạng đào đường thi công, chậm hoàn trả mặt đường chưa được khắc phục kịp thời. Một số vấn đề bức xúc như tệ nạn ma túy, mại dâm, văn hóa độc hại vẫn diễn biến phức tạp. Thất nghiệp còn cao so với cả nước. Tiến độ cải cách hành chính, hoàn thiện bộ máy chậm; tình trạng quan liêu tiêu cực chưa được khắc phục có hiệu quả.

 II. VỀ KẾ HOẠCH KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ AN NINH QUỐC PHÒNG NĂM 2002.

Năm 2002 là năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nghị quyết 15/NQ-TW của Bộ Chính trị, Pháp lệnh Thủ đô, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XIII và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2001 - 2005. Tư tưởng chỉ đạo chung là: Phát huy những thành tựu và kinh nghiệm đã có, với tinh thần chủ động tiến công, khắc phục mọi khó khăn, tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm 2002 tập trung hơn, quyết liệt và có hiệu quả hơn. Mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2002 là: Duy trì nhịp độ phát triển cao và ổn định, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Tập trung huy động mọi tiềm năng, tăng cường đầu tư, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại; giải quyết những bức xúc trong xây dựng, quản lý đô thị và xã hội. Tập trung cho công tác GPMB và văn minh đô thị. Phát triển văn hóa giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng nâng cao thu nhập của người lao động; mở rộng dân chủ, tăng cường kỷ cương, pháp luật gắn với xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.

 A/ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU (SO VỚI NĂM 2001):

Các chỉ tiêu về phát triển kinh tế:

- Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng:                     10 - 11%

- Giá trị sản xuất công nghiệp mở rộng tăng:              14 - 15%

- Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng:                   11 - 12%

- Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng:             1,5 - 2,5%

- Kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn tăng:           12 - 14%

- Cơ cấu ngành kinh tế:                                             100%

            + Công nghiệp và xây dựng                          37,5%

            + Các ngành dịch vụ                                    60%

[...]