BỘ
LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
92/2003/TTLT-BTC-BLĐTBXH
|
Hà
Nội , ngày 25 tháng 9 năm 2003
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
BỘ TÀI CHÍNH - BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH & XÃ HỘI SỐ
92/2003/TTLT-BTC-LĐTBXH NGÀY 25 THÁNG 9 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI
VỚI DỰ ÁN "TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC ĐÀO TẠO NGHỀ" THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC
TIÊU QUỐC GIA GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
Căn cứ vào Luật Ngân sách Nhà
nước hiện hành và các văn bản quy định chi tiết việc hướng dẫn thi hành Luật
ngân sách nhà nước hiện hành .
Căn cứ Quyết định số 71/2001/QĐ-TTg ngày 4 tháng 5 năm 2001 của Thủ tướng
Chính phủ về các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2001-2005; Quyết định
số 42/2002/QĐ-TTg ngày 19 tháng 3 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý
và điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 26/2003/QĐ-TTg ngày 17 tháng 02 năm 2003 của Thủ tướng
Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục - Đào tạo đến
năm 2005;
Để thống nhất việc quản lý và sử dụng kinh phí Dự án "Tăng cường năng lực
đào tạo nghề" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục - Đào tạo,
liên Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện như
sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Đối tượng thụ hưởng Dự án:
Các trường dạy nghề, trung tâm dạy
nghề công lập trọng điểm được lựa chọn theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội; Các cơ sở dạy nghề công lập khác của Trung ương và địa
phương nằm trong quy hoạch mạng lưới trường dạy nghề (sau đây gọi tắt là các cơ
sở dạy nghề).
Đối tượng hưởng thụ Dự án không
bao gồm 15 trường trọng điểm đã được đầu tư từ Dự án "Giáo dục Kỹ thuật và
Dạy nghề" vay vốn của ADB.
2. Nguồn kinh phí thực hiện Dự
án:
- Ngân sách Trung ương;
- Tự huy động bổ sung của các Bộ,
cơ quan trung ương và các địa phương;
- Nguồn tự bổ sung của các cơ sở
dạy nghề;
- Đóng góp của các tổ chức, cá
nhân trong và ngoài nước;
- Nguồn hợp pháp khác.
3. Nguyên tắc phân bổ và sử dụng
kinh phí Dự án:
- Đầu tư tập trung, không dàn trải;
- Ưu tiên đầu tư cho các cơ sở dạy
nghề trọng điểm; Các cơ sở dạy nghề vùng miền núi, dân tộc; Các cơ sở dạy nghề
có khó khăn về cơ sở vật chất.
- Sử dụng đúng mục tiêu, đúng nội
dung của Dự án theo quy định tại điểm 1 Phần II dưới đây;
- Khi Bộ, cơ quan trung ương, địa
phương sử dụng kinh phí không đúng mục tiêu cho dạy nghề hoặc sử dụng kinh phí
không hiệu quả, cơ quan Tài chính các cấp sẽ tạm dừng cấp kinh phí trong năm.
II. QUY ĐỊNH
CỤ THỂ
1. Nội dung chi
và mức chi:
1.1. Tăng cường cơ sở vật chất,
thiết bị dạy nghề; gồm:
- Mua sắm thiết bị dạy nghề.
Việc tổ chức mua sắm trang thiết
bị dạy nghề được thực hiện theo Thông tư số 121/2000/TT-BTC ngày 29/12/2000 của
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện đấu thầu mua sắm đồ dùng, vật tư, trang thiết
bị, phương tiện làm việc đối với các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, đoàn
thể và doanh nghiệp nhà nước sử dụng nguồn ngân sách nhà nước;
- Sửa chữa, cải tạo, nâng cấp
nhà xưởng và thiết bị dạy nghề.
Việc quản lý và sử dụng kinh phí
sửa chữa, nâng cấp, mở rộng nhà xưởng được áp dụng theo các quy định tại Thông
tư 44/2003/TT-BTC ngày 15/5/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thanh toán
vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và xây dựng thuộc nguồn vốn
ngân sách nhà nước.
1.2. Đổi mới chương trình, giáo
trình dạy nghề:
Nội dung chi và mức chi đổi mới chương
trình, giáo trình dạy nghề được áp dụng theo quy định tại Thông tư số
87/2001/TT-BTC ngày 30/10/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung, mức chi xây
dựng chương trình khung cho các ngành đào tạo Đại học, Cao đẳng, Trung học
chuyên nghiệp và biên soạn chương trình, giáo trình các môn học. Cụ thể:
a. Nội dung:
- Chỉnh lý, bổ sung sửa đổi và
biên soạn lại chương trình, giáo trình.
- Biên soạn chương trình, giáo
trình, ngành nghề mới theo Quyết định 212/2003/QĐ-BLĐTBXH ngày 27/2/2002 của Bộ
trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành Quy định nguyên tắc
xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình dạy nghề.
b. Mức chi:
- Xây dựng chương trình dạy nghề
trình độ bán lành nghề và lành nghề áp dụng như mức chi xây dựng cho bậc Trung
học chuyên nghiệp;
- Xây dựng chương trình dạy nghề
trình độ cao áp dụng như mức chi cho bậc cao đẳng.
1.3. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ
giáo viên, gồm:
- Đào tạo chuẩn hoá, bồi dưỡng nâng
cao trình độ;
- Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức,
công nghệ mới;
- Bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn ở
nước ngoài;
Mức chi cho đào tạo chuẩn hoá, bồi
dưỡng nâng cao trình độ; bồi dưỡng thường xuyên, cập nhật kiến thức, công nghệ
mới cho giáo viên dạy nghề được áp dụng theo quy định tại Thông tư số
105/2001/TT-BTC ngày 27 tháng 12 năm 2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử
dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước.
Mức chi bồi dưỡng, tập huấn ngắn
hạn ở nước ngoài cho giáo viên được áp dụng theo quy định tại Thông tư số
45/1999/TT-BTC ngày 5 tháng 4 năm 1999 và thông tư số 108/1999/TT-BTC của Bộ
Tài chính quy định về chế độ công tác phí đối với cán bộ, công chức Nhà nước đi
công tác ngắn hạn ở nước ngoài.
2. Quản lý tài
chính Dự án:
2.1. Lập dự toán kinh phí:
- Hàng năm, các cơ sở dạy nghề
được thụ hưởng nguồn kinh phí của Dự án căn cứ vào các nội dung chi và mức chi
của Dự án để đánh giá tình hình thực hiện năm báo cáo (bao gồm khối lượng, nhiệm
vụ, kinh phí) và lập dự toán kinh phí năm kế hoạch gửi cơ quan quản lý cấp trên
theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành;
- Căn cứ vào mục tiêu của Dự án
và mục tiêu kế hoạch hàng năm, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tổng hợp
đánh giá tình hình thực hiện Dự án năm báo cáo, đề xuất nhu cầu nguồn lực năm kế
hoạch (bao gồm: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn kinh phí tự bổ
sung và các nguồn kinh phí hợp pháp khác) gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
Bộ Tài chính.
- Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện Dự án năm báo cáo, đề xuất nhu cầu
nguồn lực năm kế hoạch của Dự án gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư để tổng
hợp trình Chính phủ xem xét để trình Quốc hội.
2.2. Phân bổ kinh phí:
Căn cứ vào tổng mức kinh phí được
thông báo hàng năm của Dự án, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối
hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư thống nhất phương án phân bổ kinh
phí của Dự án cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo mục tiêu, nội
dung Dự án đã được duyệt.
Kết quả phân bổ kinh phí được gửi
đến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư để tổng hợp chung vào ngân sách của các
bộ, cơ quan trung ương và địa phương để trình cấp có thẩm quyền quyết định.
a. Đối với các bộ, cơ quan trung
ương:
Căn cứ vào dự toán kinh phí hàng
năm của Dự án được cấp có thẩm quyền thông báo, các bộ, cơ quan trung ương tiến
hành phân bổ giao nhiệm vụ, mục tiêu, kinh phí cho các cơ sở dạy nghề thụ hưởng.
Kết quả phân bổ được gửi đến Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để thẩm định, làm căn cứ cấp
phát kinh phí triển khai Dự án.
b. Đối với các địa phương:
Căn cứ vào mức kinh phí hàng năm
của Dự án được cấp có thẩm quyền thông báo trong "chi bổ sung các chương
trình, mục tiêu quốc gia và dự án"; căn cứ vào thông báo hướng dẫn triển
khai của cơ quan quản lý Dự án, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối
hợp với Sở Tài chính - Vật giá tham mưu trình UBND tỉnh về kinh phí cho từng mục
tiêu, nhiệm vụ của Dự án. Đồng thời đề xuất nội dung, mức kinh phí phải huy động
từ ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí khác để trình Hội đồng nhân dân tỉnh,
thành phố phê duyệt cùng với việc phê duyệt và phân bổ ngân sách địa phương
hàng năm.
Kết quả phân bổ kinh phí bao gồm
tất cả các nguồn (ngân sách trung ương, huy động, đóng góp) để thực hiện Dự án
được gửi đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để theo dõi, đôn
đốc thực hiện Dự án.
2.3. Chế độ báo cáo, kiểm tra và
quyết toán kinh phí:
a. Chế độ báo cáo:
Các bộ, cơ quan trung ương, địa
phương và đơn vị trực tiếp thụ hưởng Dự án có trách nhiệm báo cáo tình hình
phân bổ, thực hiện, và quyết toán Dự án theo định kỳ gồm: báo cáo quý, báo cáo
năm theo biểu mẫu và thời gian quy định theo các quy định hiện hành, cụ thể là:
- Đơn vị trực tiếp thụ hưởng Dự
án gửi báo cáo về cơ quan quản lý dạy nghề ở các bộ, cơ quan trung ương, địa
phương.
- Các bộ, cơ quan trung ương, địa
phương tổng hợp báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Báo cáo quý gửi chậm
nhất là 30 ngày sau khi kết thúc quý, báo cáo năm gửi chậm nhất vào cuối tháng
3 năm sau.
- Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội tổng hợp báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương gửi Bộ Tài
chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Giáo dục - Đào tạo theo quy định hiện hành.
Trường hợp các bộ, cơ quan trung
ương, địa phương không thực hiện đúng quy định về chế độ báo cáo quy định trên
đây thì cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội ở Trung ương và địa phương có
quyền đề nghị cơ quan Tài chính các cấp tạm dừng cấp phát, hoặc thông báo cho
Kho bạc Nhà nước dừng thanh toán kinh phí Dự án cho đến khi nhận được báo cáo.
b. Kiểm tra và quyết toán Dự án:
- Các bộ, cơ quan trung ương, địa
phương có trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc sử dụng kinh phí thuộc Dự án
"Tăng cường năng lực đào tạo nghề" được giao đảm bảo đúng mục tiêu,
có hiệu quả, không để thất thoát và chịu trách nhiệm về việc không thực hiện được
mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án do kinh phí không được thực hiện đúng mục đích;
- Hàng năm, Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư hướng dẫn,
kiểm tra giám sát tình hình thực hiện kinh phí của Dự án "Tăng cường năng
lực đào tạo nghề" của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo chế độ
tài chính hiện hành;
- Các cơ quan, đơn vị thụ hưởng
kinh phí Dự án phải mở sổ sách kế toán để ghi chép, hạch toán và quyết toán các
nguồn kinh phí của Dự án theo đúng chế độ tài chính - kế toán hiện hành của nhà
nước.
III. ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Thông tư này có hiệu lực sau 15
ngày kể từ ngày đăng công báo. Những quy định trước đây trái với quy định tại
Thông tư này đều bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện, nếu
có vướng mắc, đề nghị phản ánh về liên Bộ để nghiên cứu, giải quyết.
Nguyễn
Công Nghiệp
(Đã
ký)
|
Nguyễn
Lương Trào
(Đã
ký)
|