Thông tư liên tịch 73/2000/TTLT-BTCCBC-BTC hướng dẫn chính sách tinh giảm biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp do Ban Tổ chức-Cán Bộ chính phủ-Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 73/2000/TTLT-BTCCBCP-BTC
Ngày ban hành 28/12/2000
Ngày có hiệu lực 18/10/2000
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ,Bộ Tài chính
Người ký Đỗ Quang Trung,Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ-BỘ TÀI CHÍNH 
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
ĐỘC LẬP-TỰ DO - HẠNH PHÚC
******

Số :73/2000/TTLT-BTCCBCP-BTC

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2000

 

THÔNG TƯ

LIÊN TỊCH CỦA BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ - BỘ TÀI CHÍNH SỐ 73/2000/TTLT-BTCCBCP-BTC NGÀY 28 THÁNG 12 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TINH GIẢN BIÊN CHẾ TRONG CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP

Thi hành Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chính sách tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính sự nghiệp; Liên tịch Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn một số điểm cụ thể như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Chính sách tinh giản biên chế được thực hiện đối với cán bộ, công chức (kể cả những người hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế) đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước và có đóng bảo hiểm xã hội thuộc diện sắp xếp tinh giản biên chế.

2. Thực hiện giảm khoảng 15% biên chế trong các cơ quan hành chính, biên chế gián tiếp trong các đơn vị sự nghiệp so với biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao năm 1999, nhưng phải bảo đảm bằng hoặc lớn hơn số giảm biên chế đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt trong Đề án kiện toàn tổ chức, tinh giản biên chế của từng Bộ, ngành, địa phương.

3. Chính sách và cơ sở, phương pháp tính toán để giải quyết chế độ đối với cán bộ, công chức trong diện sắp xếp tinh giản biên chế chỉ thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư này, không áp dụng chính sách và cơ sở, phương pháp tính toán chính sách tinh giản biên chế qui định tại các văn bản khác.

4. Không áp dụng chính sách thôi việc đối với những người (trong diện sắp xếp tinh giản biên chế) đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi qui định tại điểm b mục 4 phần II Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP ngày 18/10/2000.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG TINH GIẢN BIÊN CHẾ

1. Phạm vi tinh giản biên chế

Biên chế trong các cơ quan hành chính nhà nước, biên chế gián tiếp trong các đơn vị sự nghiệp từ Trung ương đến cấp huyện (gồm cả công chức làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ công an; các hội nghề nghiệp có biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước).

Biên chế gián tiếp trong các đơn vị sự nghiệp là những cán bộ, công chức làm việc trong các phòng, ban, bộ phận phục vụ, không trực tiếp làm nhiệm vụ chính của đơn vị như giảng dạy, khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, biên tập.... Những người thuộc các phòng, ban nêu trên nếu thường xuyên có trên 50% thời gian trực tiếp làm nhiệm vụ chính của đơn vị thì không tính là biên chế gián tiếp.

2. Đối tượng tinh giản biên chế

2.1. Những người do xác định lại chức năng, nhiệm vụ, giảm đầu mối tổ chức mà không bố trí hết lao động theo các vị trí công việc mới được cơ quan sắp xếp trong diện tinh giản biên chế;

2.2. Những người do năng lực lãnh đạo, quản lý, chuyên môn yếu hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật kém, thường xuyên không bảo đảm chất lượng và thời gian quy định đối với công việc được giao trong 2 năm gần đây;

2.3. Những người trong 2 năm trở lại đây, mỗi năm có tổng số ngày nghỉ làm việc từ 60 ngày trở lên;

2.4. Những người đang làm công tác phục vụ trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp bao gồm cả những người chuyển sang áp dụng chế độ hợp động theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

2.5. Những người đang làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp được cấp có thẩm quyền điều chuyển sang làm việc trong các tổ chức không sử dungj biên chế và quỹ lương từ ngân sách nhà nước và những người trong diện tinh giản biên chế nhưng xin chuyển công tác sang các tổ chức không sử dụng biên chế và kinh phí từ ngân sách nhà nước;

3. Đối tượng chưa giải quyết tinh giản biên chế

3.1. Những người thuộc đối tượng áp dụng trên nhưng đang trong thời gian điều trị, điều dưỡng tại bệnh viện có xác nhận của Giám đốc bệnh viện;

3.2. Cán bộ, công chức đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự;

3.3. Phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng.

4. Đối tượng không thuộc diện phải tinh giản biên chế

4.1. Là anh hùng, thương binh, bệnh binh được xếp hạng; là vợ hoặc chồng liệt sĩ;

4.2. Có vợ hoặc chồng đã thực hiện chính sách giảm biên chế lần này;

4.3. Những trường hợp là người duy nhất phải nuôi sống gia đình;

4.4. Con liệt sỹ, con thương binh hạng 1/4 và 2/4;

Các đối tượng trên nếu tự nguyện đề nghị giải quyết chính sách theo thông tư này cũng được áp dụng như đối tượng nêu tại điểm 2 mục II trên.

[...]