CHÍNH
PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
96/1998/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 17 tháng 11 năm 1998
|
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 96/1998/NĐ-CP NGÀY 17 THÁNG 11 NĂM 1998 VỀ
CHẾ ĐỘ THÔI VIỆC ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Bộ Luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26/02 năm 1998;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1.
Cán bộ, công chức áp dụng trong Nghị định này là công dân Việt Nam, trong biên
chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, bao gồm:
1. Những người được quy định tại
các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 1 của Pháp lệnh Cán bộ, công chức;
2. Những cán bộ, công chức biệt
phái sang làm việc tại các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội - nghề nghiệp mà các
tổ chức này đã được cơ quan có thẩm quyền giao chỉ tiêu biên chế;
3. Cán bộ, công chức làm việc ở
những ngành nghề có liên quan đến bí mật Nhà nước khi thôi việc, thực hiện theo
quy định tại Điều 18 của Pháp lệnh Cán bộ, công chức.
Điều 2.
1. Cán bộ,
công chức thôi việc trong những trường hợp sau đây thì được hưởng chế độ thôi
việc:
a) Do sắp xếp tổ chức, giảm biên
chế theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;
b) Tự nguyện xin thôi việc được
cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đồng ý.
2. Cán bộ, công chức thôi việc
mà không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí hàng tháng theo quy định tại các khoản
1, khoản 2 Điều 145 Bộ Luật Lao động thì được hưởng trợ cấp một lần và các quyền
lợi quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Nghị định này.
Điều 3.
Cán bộ, công chức thôi việc do sắp xếp tổ chức, giảm biên chế theo quyết định của
cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì được hưởng chế độ thôi việc như sau:
1. Được trợ cấp một khoản tiền để
tìm việc làm mới bằng 3 tháng lương và phụ cấp (nếu có). Nếu sau đó cán bộ,
công chức không tìm được việc làm thì cứ mỗi năm làm việc được tính bằng một
tháng lương hiện hưởng và phụ cấp (nếu có), nhưng thấp nhất cũng bằng 2 tháng
lương hiện hưởng và phụ cấp (nếu có);
2. Được chính quyền địa phương
giúp đỡ, đăng ký hộ khẩu và tạo điều kiện để làm ăn sinh sống, khi trở về nơi
cư trú hợp pháp;
3. Được hưởng chế độ trợ cấp xã
hội, bảo hiểm xã hội và các chế độ khác theo quy định của Pháp luật.
Điều 4.
Cán bộ, công chức có nguyện vọng thôi việc quy định tại khoản 2 Điều 2 của Nghị
định này được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đồng ý thì được hưởng chế độ thôi
việc và cứ mỗi năm làm việc được tính 1/2 (một phần hai) tháng lương hiện hưởng
và phụ cấp (nếu có) và được hưởng quyền lợi quy định tại các khoản 2 và khoản 3
Điều 3 của Nghị định này.
Điều 5.
Thời gian làm việc để tính chế độ thôi việc đối với cán bộ, công chức quy định
tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này như sau:
1. Là tổng thời gian làm việc kể
từ khi cán bộ, công chức có quyết định tuyển dụng;
2. Thời gian mà cán bộ, công chức
đã làm việc trong các doanh nghiệp Nhà nước, lực lượng vũ trang nếu chưa được
hưởng trợ cấp thôi việc thì được tính là thời gian làm việc;
3. Ngoài ra, nếu có thời gian
sau đây thì cũng được tính là thời gian làm việc của cán bộ, công chức:
a) Thời gian cán bộ, công chức
được cơ quan, tổ chức ký hợp đồng tạm tuyển theo chỉ tiêu biên chế, có đóng bảo
hiểm xã hội và sau đó được cơ quan, tổ chức tuyển dụng chính thức;
b) Thời gian cán bộ, công chức
được cơ quan sử dụng cán bộ, công chức cử đi đào tạo, bồi dưỡng;
c) Thời gian cán bộ, công chức
nghỉ theo quy định tại các Điều 73, 74, 75 và Điều 78 của Bộ Luật Lao động;
d) Thời gian cán bộ, công chức
nghỉ việc để chữa bệnh có giấy chứng nhận của thầy thuốc và hưởng trợ cấp bảo
hiểm xã hội;
đ) Thời gian cán bộ, công chức
nghỉ sinh con theo quy định tại khoản 1 Điều 144 và khản 1 Điều 117 của Bộ Luật
Lao động;
e) Thời gian cán bộ, công chức bị
xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự mà đã được cơ quan, tổ chức có
thẩm quyền kết luận là oan, sai theo quy định tại Điều 45 của Pháp lệnh Cán bộ,
công chức;
g) Thời gian cán bộ, công chức bị
tạm đình chỉ công tác theo quy định tại Điều 41 của Pháp lệnh Cán bộ, công chức.
Điều 6.
Kinh phí chi trả chế độ thôi việc được quy định như sau:
1. Do sắp xếp tổ chức, giảm biên
chế theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì do ngân sách Nhà nước
chi trả;
2. Các trường hợp thôi việc khác
do các Bộ, ngành và địa phương chi trả trong kinh phí hành chính sự nghiệp đã
được Chính phủ giao;
3. Cán bộ, công chức đã có thời
gian làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước thì doanh nghiệp có trách nhiệm chi
trả trợ cấp thôi việc trong thời gian cán bộ, công chức làm việc tại các doanh
nghiệp đó. Kinh phí được chuyển theo thông báo của đơn vị mà cán bộ, công chức
đang làm việc để đơn vị cũ chi trả. Trường hợp đơn vị cũ đã bị giải thể hoặc thực
sự có khó khăn về tài chính thì do ngân sách Nhà nước chi trả.
Điều 7.
1. Cán bộ,
công chức bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc thì không được hưởng chế độ
thôi việc và các quyền lợi khác.
2. Cán bộ,
công chức tự ý bỏ việc thì ngoài việc xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc
sẽ không được hưởng chế độ thôi việc và các quyền lợi khác, mà còn phải bồi thường
cho cơ quan, tổ chức sử dụng cán bộ, công chức các chi phí đào tạo, bồi dưỡng
(nếu có) theo nguyên tắc sau:
a) Chỉ tính kinh phí bồi thường
cho những khoá học do cơ quan, tổ chức đứng ra tổ chức hoặc do cơ quan, tổ chức
cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở trong và ngoài nước có thời hạn từ 3 tháng trở lên;
b) Khi xét mức chi phí bồi thường
phải căn cứ vào thâm niên công tác, cống hiến của cán bộ, công chức để quyết định
bồi thường một phần hoặc toàn bộ;
c) Cơ quan, tổ chức phải thành lập
Hội đồng xét bồi thường chi phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức để xem xét
và đề nghị cơ quan tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức quyết định.
3. Thành phần hội đồng xét bồi
thường gồm có:
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức
hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức được người đứng đầu uỷ quyền
làm Chủ tịch Hội đồng.
Đại diện lãnh đạo tổ chức công
đoàn cùng cấp;
Người phụ trách bộ phận công tác
đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của cơ quan, tổ chức;
Người phụ trách bộ phận tài
chính - kế toán của cơ quan, tổ chức;
Người phụ trách đơn vị trực tiếp
của người phải bồi thường;
4. Hội đồng xét bồi thường tiến
hành họp xem xét bồi thường theo trình tự sau: Chủ tịch Hội đồng công bố thành
phần tham gia, cử thư ký; đại diện bộ phận đào tạo, bồi dưỡng báo cáo chế độ và
mức bồi thường; Hội đồng nghe giải trình của người phải bồi thường; Hội đồng thảo
luận và bỏ phiếu kín về mức bồi thường. Kết quả được lập thành văn bản đề nghị
cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định. Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn
thành nhiệm vụ.
5. Trường hợp người phải bồi thường
chi phí đào tạo, bồi dưỡng không thực hiện nghiêm chỉnh quyết định thì cơ quan,
tổ chức có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.
Điều 8.
Trong thời gian cán bộ, công chức đang bị xem xét kỷ luật hoặc bị truy cứu
trách nhiệm hình sự thì cơ quan, tổ chức quản lý hay sử dụng cán bộ, công chức
không được cho cán bộ, công chức đó thôi việc.
Điều 9.
Cơ quan, tổ chức không được cho cán bộ, công chức thôi việc quy định tại khoản
1 Điều 2 của Nghị định này trong các trường hợp sau:
1. Cán bộ, công chức đang nghỉ
hàng năm, nghỉ về việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người đứng đầu
cơ quan, tổ chức cho phép.
2. Cán bộ, công chức ốm đau hoặc
bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị tại các bệnh viện theo quyết định của
thầy thuốc;
3. Nữ cán bộ, công chức khi đang
có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp cá nhân có
nguyện vọng xin thôi việc.
Điều 10.
Tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng những quy định tại
Nghị định này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị
truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, nếu gây thiệt hại về
vật chất thì phải bồi thường.
Điều 11.
Cán bộ, công chức thôi việc, nếu tự xét thấy chưa thỏa đáng thì có quyền khiếu
nại đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khiếu nại,
tố cáo.
Các cơ quan, tổ chức khi nhận được
khiếu nại của cán bộ, công chức phải có trách nhiệm trả lời đương sự trong thời
gian quy định của pháp luật.
Cán bộ, công chức bị kỷ luật bằng
hình thức buộc thôi việc có quyền khiếu nại với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền
hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của pháp luật.
Điều 12.
1. Nghị định
này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
2. Nghị định này thay thế những
quy định về chế độ thôi việc tại các văn bản sau:
Nghị định số 24/CP của Hội đồng
Chính phủ ngày 08 tháng 11 năm 1962 về ban hành Điều lệ tuyển dụng và cho thôi
việc công nhân, viên chức Nhà nước;
Nghị định số 109/HĐBT của Hộ đồng
Bộ trưởng ngày 12 tháng 4 năm 1991 về sắp xếp tổ chức biên chế hành chính sự
nghiệp;
Quyết định số 111/HĐBT của Hội đồng
Bộ trưởng ngày 12 tháng 4 năm 1991 về một số chính sách trong việc sắp xếp biên
chế;
Quyết định số 76/HĐBT của Hội đồng
Bộ trưởng ngày 09 tháng 3 năm1992 về chủ trương, biện pháp đẩy mạnh sắp xếp
biên chế hành chính sự nghiệp.
Điều 13.
Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chịu trách nhiệm hướng dẫn thi
hành Nghị định này.
Điều 14.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và người đứng đầu các cơ
quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.