Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư liên tịch 195-LB năm 1992 về hướng dẫn đăng ký hoạt động của các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do Bộ Khoa học, công nghệ và môi trường-Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ ban hành

Số hiệu 195-LB
Ngày ban hành 13/11/1992
Ngày có hiệu lực 28/11/1992
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ,Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
Người ký Lê Quý An,Tô Tử Hạ
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Công nghệ thông tin

BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ-BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 195-LB

Hà Nội , ngày 13 tháng 11 năm 1992

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG - BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ SỐ 195-LB NGÀY 13 THÁNG 11 NĂM 1992 HƯỚNG DẪN ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ

Ngày 28 tháng 1 năm 1992, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 35-HĐBT về công tác quản lý khoa học và công nghệ. Nghị định khẳng định quyền chủ động của tất cả các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi công dân thuộc mọi thành phần kinh tế trong việc thành lập các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (sau đây gọi tắt là tổ chức khoa học và công nghệ).

Theo tinh thần Điều 15 của Nghị định, các tổ chức này phải tiến hành đăng ký hoạt động tại Uỷ ban Khoa học Nhà nước (nay gọi là Bộ Khoa học, công nghệ và môi trường) và tại Uỷ ban (Ban) Khoa học tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương.

Thông tư Liên bộ này hướng dẫn cụ thể việc đăng ký hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Đối tượng áp dụng của Thông tư này là các tổ chức khoa học và công nghệ của các cơ quan Nhà nước, các đơn vị vũ trang, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi công dân.

Tổ chức khoa học và công nghệ là các tổ chức tiến hành các hoạt động.

- Nghiên cứu, thực nghiệm, triển khai áp dụng các công nghệ mới, các kỹ thuật mới, các sản phẩm mới và biện pháp tổ chức mới;

- Sản xuất đơn chiếc hoặc số lượng nhỏ các sản phẩm mới với trình độ công nghệ cao mà các cơ sở sản xuất chưa có điều kiện thực hiện.

Hoạt động sản xuất trong các tổ chức khoa học và công nghệ (trừ các tổ chức chuyên sản xuất thử nghiệm độc lập) phải bắt nguồn từ kết quả nghiên cứu của bản thân tổ chức khoa học và công nghệ.

- Thông tin - tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao nghiệp vụ về khoa học, công nghệ, tổ chức, quản lý.

Các tổ chức khoa học và công nghệ có thể hoạt động với các hình thức sau: Viện, trung tâm, phòng thí nghiệm, trạm trại nghiên cứu thực nghiệm quy định tại phụ lục IV.

Các tổ chức khoa học và công nghệ có hoạt động liên quan tới các thí nghiệm trên cơ thể người và động vật; các chất độc hại gây ô nhiễm môi trường; an ninh, quốc phòng v.v... thì nhất thiết phải được phép của cơ quan quản lý Nhà nước về các lĩnh vực đó bằng văn bản và phải xuất trình các văn bản ấy khi đăng ký hoạt động.

Các đơn vị kinh doanh thuộc các tổ chức khoa học và công nghệ liên doanh với nước ngoài được điều chỉnh theo Luật đầu tư nước ngoài và các văn bản hướng dẫn có liên quan của Uỷ ban Hợp tác về đầu tư nước ngoài; các tổ chức khoa học và công nghệ thành lập theo sự hợp tác nghiên cứu song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam với các tổ chức nước ngoài (kể cả cá nhân với người nước ngoài) phải đăng ký hoạt động theo quy định tại Điều 15 Nghị định 35-HĐBT ngày 28-1-1992 (nay là Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam)

Các trường, lớp đào tạo thuộc các tổ chức khoa học và công nghệ thì thực hiện các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Các đơn vị chuyên sản xuất thương phẩm và dịch vụ, kinh doanh trong các tổ chức khoa học và công nghệ (bao gồm cả các tổ chức sản xuất sản phẩm ngoài lĩnh vực nghiên cứu của mình) không thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư này mà phải tuân thủ các quy định tại Nghị định số 388-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng đối với doanh nghiệp Nhà nước ngày 20-11-1991, Nghị định số 222-HĐBT ngày 23-7-1991 và Nghị định số 221-HĐBT ngày 23-7-1991 của Hội đồng Bộ trưởng về cụ thể hoá một số điều trong Luật công tyLuật doanh nghiệp tư nhân.

II. TỔ CHỨC ĐĂNG KÝ

2.1. Thủ tục đăng ký hoạt động.

Việc đăng ký hoạt động được tiến hành theo trình tự sau:

1) Mọi tổ chức khoa học và công nghệ khi đăng ký hoạt động phải nộp đơn xin đăng ký hoạt động (Phụ lục I) và tờ khai đăng ký (Phụ lục II) tới các cấp xét duyệt đăng ký kèm theo toàn bộ hồ sơ như quy định tại khoản 2 và 3 mục 2 dưới đây, thời gian không quá 03 tháng kể từ ngày có quyết định thành lập. Sau thời hạn trên, văn bản quyết định thành lập không còn giá trị để xin đăng ký hoạt động.

2) Các cấp xét duyệt đăng ký hoạt động sau khi nhận đầy đủ hồ sơ, có trách nhiệm xem xét, thẩm định hồ sơ và chậm nhất là 01 tháng phải cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho tổ chức khoa học và cộng nghệ, nếu hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ cũng phải thông báo để tổ chức khoa học và công nghệ kịp thời bổ sung hồ sơ.

Nếu quá thời hạn 01 tháng thì các tổ chức khoa học và công nghệ có quyền khiếu nại tới các cấp có thẩm quyền để giải quyết.

3) Những trường hợp sau đây hồ sơ được coi là không hợp lệ

- Không đầy đủ hồ sơ theo quy định tại mục 2.2 dưới đây;

- Hồ sơ khai không đúng với kết quả thẩm định thực tế của các cơ quan có thẩm quyền;

- Trùng lặp tên gọi của tổ chức khoa học và công nghệ đã có. Trong trường hợp này, các cấp xét duyệt đăng ký cần thông báo cho tổ chức nộp hồ sơ sau (theo ngày tháng nhận hồ sơ) để thay đổi tên gọi.

4) Sau khi có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, các tổ chức khoa học và công nghệ mới được tiến hành các thủ tục xin khắc con dấu và đăng ký tài khoản theo quy định tại mục 2.5 dưới đây.

[...]