Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Nghị định 221-HĐBT năm 1991 Quy định về cụ thể hoá một số điều trong Luật doanh nghiệp tư nhân do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 221-HĐBT
Ngày ban hành 23/07/1991
Ngày có hiệu lực 23/07/1991
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Doanh nghiệp

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 221-HĐBT

Hà Nội, ngày 23 tháng 7 năm 1991

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 221-HĐBT NGÀY  23-7-1991 BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CỤ THỂ HOÁ MỘT SỐ ĐIỀU TRONG LUẬT DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN 

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Luật doanh nghiệp tư nhân đã được kỳ họp thứ 8 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII thông qua ngày 21 tháng 12 năm 1990;
Để thực hiện Luật doanh nghiệp tư nhân,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành Nghị định này kèm theo Quy định cụ thể hoá một số điều trong Luật doanh nghiệp tư nhân.

Điều 2. Nghị định này thi hành từ ngày ban hành, những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các cấp chịu trách nhiệm thực hiện Nghị định này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG CỤ THỂ HOÁ MỘT SỐ ĐIỀU TRONG LUẬT DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN
(Ban hành kèm theo Nghị định số 221-HĐBT ngày 23-7-1991 của Hội đồng Bộ trưởng)

Điều 1.

Vốn pháp định đối với doanh nghiệp tư nhân trong từng ngành nghề được quy định trong danh mục kèm theo Nghị định này.

Các hộ kinh doanh có vốn thấp hơn mức vốn pháp định được quy định trong danh mục kèm theo Nghị định này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật doanh nghiệp tư nhân. Hội đồng Bộ trưởng có quy định riêng.

Điều 2. Những đối tượng sau đây không được thành lập doanh nghiệp tư nhân:

- Công chức đang làm việc trong các cơ quan hành chính Nhà nước theo Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng về công chức Nhà nước số 169-HĐBT ngày 25 tháng 5 năm 1991.

- Những người đang giữ các chức vụ trong bộ máy chính quyền các cấp theo chế độ bầu cử.

- Cán bộ quản lý các Liên hiệp xí nghiệp, các xí nghiệp quốc doanh.

- Sĩ quan tại ngũ thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam và công an nhân dân Việt Nam.

Điều 3.

Cá nhân muốn thành lập doanh nghiệp tư nhân trong một số ngành nghề do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho phép theo quy định tại điều 5 Luật doanh nghiệp tư nhân, phải làm đơn gửi đến Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xem xét quyết định. Căn cứ quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi tắt là Uỷ ban Nhân dân tỉnh) cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp tư nhân cho đương sự. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xem xét, trả lời đơn xin phép thành lập doanh nghiệp tư nhân trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được đơn hợp lệ.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng uỷ quyền cho Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh xem xét và cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp tư nhân theo sự hướng dẫn của Bộ quản lý ngành trong những trường hợp sau đây:

- Một số lĩnh vực thuộc ngành khai khoáng; sản xuất thuốc chữa bệnh đông y gia truyền, sản xuất phân hoá học, sản xuất các loại pháo; sản xuất và cung ứng điện (không thuộc mạng lưới điện quốc gia) với vốn pháp định dưới mức vốn pháp định quy định tại bản danh mục kèm theo Nghị định này.

- Dịch vụ truyền thanh, truyền hình trong phạm vi địa phương.

Sau khi cấp giấy phép thành lập các doanh nghiệp nói trên, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Điều 4.

[...]