Thông tư liên tịch 15/2004/TTLT/BLĐTBXH-BYT hướng dẫn Nghị định 147/2003/NĐ-CP về điều kiện, thủ tục cấp giấy phép và quản lý hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 15/2004/TTLT/BLĐTBXH-BYT
Ngày ban hành 12/11/2004
Ngày có hiệu lực 09/12/2004
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,Bộ Y tế
Người ký Đàm Hữu Đắc,Nguyễn Thị Xuyên
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thể thao - Y tế

BỘ LAO ĐỘNG,THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ Y TẾ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 15/2004/TTLT/BLĐTBXH-BYT

Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 2002 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 147/2003/NĐ-CP NGÀY 02 THÁNG 12 NĂM 2003 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP VÀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ SỞ CAI NGHIỆN MA TÚY TỰ NGUYỆN

Thi hành Nghị định số 147/2003/NĐ-CP ngày 02/12/2003 của Chính phủ quy định về điều kiện, thủ tục cấp giấy phép và quản lý hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện (sau đây gọi là Nghị định số 147/2003/NĐ-CP), sau khi có ý kiến của Bộ Công an tại Công văn số 1434/CV-BCA (V11) ngày 24/8/2004, Bộ Tài chính tại Công văn số 9439/TC-CST ngày 24/8/2004, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện như sau:

I . ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG CAI NGHIỆN MA TÚY

MỤC A. ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY PHÉP ĐIỀU TRỊ CẮT CƠN, GIẢI ĐỘC VÀ PHỤC HỒI SỨC KHỎE

1. Về cơ sở vật chất quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 5 Nghị định số 147/2003/NĐ-CP được hướng dẫn cụ thể như sau:

a. Phòng tiếp nhận: diện tích sử dụng tối thiểu 12m2, để làm thủ tục tiếp nhận, kiểm tra, khám sức khỏe ban đầu cho người đến cai nghiện ma túy; lập hồ sơ bệnh án và phác đồ điều trị cắt cơn, giải độc và phục hồi sức khỏe.

b. Phòng xét nghiệm: diện tích sử dụng tối thiểu 10m2.

c. Phòng cắt cơn, giải độc, cấp cứu: diện tích sử dụng tối thiểu 5m2/người cai nghiện.

d. Phòng theo dõi sau cắt cơn, phục hồi sức khỏe: diện tích sử dụng tối thiểu 5m2 trên một người cai nghiện; có các tiện nghi sinh hoạt thông thường (nhà vệ sinh chung; giường, chiếu, chăn, màn riêng cho mỗi người), đảm bảo thời gian lưu người cai nghiện ma túy tối thiểu là 20 ngày, kể từ ngày bắt đầu cắt cơn, giải độc.

Trường hợp cai nghiện cho người nghiện ma túy là người chưa thành niên, phụ nữ, người mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh nguy hiểm; người đã cai nghiện nhiều lần hoặc người có hành vi gây rối trật tự công cộng trong thời gian cai nghiện thì phải có phòng riêng.

đ. Về trang thiết bị y tế: có đầy đủ trang thiết bị phù hợp để khám, xét nghiệm; thực hiện điều trị cắt cơn, giải độc; theo dõi và phục hồi sức khỏe sau cắt cơn, giải độc qui định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

e. Có tủ đựng thuốc: Đủ thuốc hỗ trợ cắt cơn, giải độc; cơ số chống sốc phản vệ theo Thông tư số 08/1999/TT-BYT ngày 4/5/1999 của Bộ Y tế hướng dẫn phòng và cấp cứu sốc phản vệ; Thuốc cấp cứu và các loại thuốc cần thiết khác, quy định tại phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này. Các thuốc trên được dự trù, mua, vận chuyển, bảo quản, sử dụng thanh lý theo qui định của Bộ Y tế.

Cơ sở vật chất quy định tại điểm 1 này là mức quy định tối thiểu cho cơ sở cai nghiện để điều trị cắt cơn, giải độc và phục hồi sức khỏe với số lượng tối đa là 10 người nghiện ma túy.

2. Về nhân sự quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 147/2003/NĐ-CP được hướng dẫn cụ thể như sau:

a. Người đứng đầu cơ sở cai nghiện hoặc người phụ trách chuyên môn cai nghiện và phục hồi sức khỏe  phải là bác sĩ đa khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa tâm thần phải đảm bảo đủ các điều kiện quy định tại Điều 11 Thông tư số 01/2004/TT-BYT ngày 6/01/2004 của Bộ Y tế hướng dẫn về hành nghề y, dược tư nhân (sau đây gọi tắt là Thông tư 01/2004/TT-BYT của Bộ Y tế) trong phạm vi hành nghề y tư nhân và các điều kiện sau:

- Nếu là Bác sỹ đa khoa thì phải có thời gian thực hành ít nhất 36 tháng tại các cơ sở khám, chữa bệnh (Viện có giường bệnh, bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa) của Nhà nước hoặc tư nhân, hoặc tại các cơ sở cai nghiện ma túy có điều trị cắt cơn, giải độc và phục hồi sức khỏe; và có thời gian ít nhất 12 tháng trực tiếp làm công tác cai nghiện, phục hồi. Trường hợp là Bác sỹ chuyên khoa tâm thần thì có ít nhất 36 tháng thực hành về chuyên khoa tâm thần ở các cơ sở khám, chữa bệnh hoặc cơ sở cai nghiện ma túy;

- Được tập huấn các phương pháp điều trị cai nghiện ma túy;

- Cam kết sử dụng 100% thời gian làm việc tại cơ sở cai nghiện.

b. Có đủ đội ngũ cán bộ làm việc tại cơ sở cai nghiện trong phạm vi hoạt động của giấy phép. Các chức danh như: cán bộ y tế, quản lý, tâm lý, bảo vệ và các chức danh cần thiết khác phải đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật và các điều kiện sau:

- Có bằng cấp, chứng nhận trình độ chuyên môn với chuyên ngành phù hợp nhiệm vụ được giao và quy mô hoạt động của cơ sở cai nghiện;

- Có giấy xác nhận đủ sức khỏe để làm việc do cơ sở khám, chữa bệnh cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) trở lên cấp;

- Không thuộc các đối tượng sau: đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành các hình phạt tù, quản chế, cấm cư trú, cải tạo không giam giữ, cấm hành nghề hoặc làm công việc về khám chữa bệnh; đang trong thời gian chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hoặc quản chế hành chính.

MỤC B. ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY PHÉP GIÁO DỤC, PHỤC HỒI HÀNH VI, NHÂN CÁCH

1. Về cơ sở vật chất quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 147/2003/NĐ-CP được hướng dẫn cụ thể như sau:

a. Nơi tiếp nhận: để làm thủ tục tiếp nhận, kiểm tra, khám sức khỏe sau điều trị cắt cơn, giải độc và phục hồi sức khỏe; lập hồ sơ theo dõi trong quá trình giáo dục, phục hồi hành vi nhân cách cho người nghiện ma túy.

b. Về y tế: có đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ y tế, tủ thuốc, đảm bảo cho việc sơ cứu, cấp cứu và điều trị các bệnh thông thường theo qui định của Bộ Y tế.

c. Khu ăn, nghỉ, sinh hoạt của người đến cai nghiện: diện tích nhà ở tối thiểu là 5m2 trên một người cai nghiện; có các tiện nghi sinh hoạt thông thường (tối đa 10 người trên một nhà vệ sinh; giường, chiếu, chăn, màn riêng cho mỗi người); đảm bảo điều kiện ăn, ở, sinh hoạt cho người cai nghiện hợp vệ sinh, lâu dài với thời gian theo hợp đồng dịch vụ cai nghiện ma túy.

[...]