Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thông tư liên tịch 13/2013/TTLT-BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn thực hiện quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại và người thân thích của họ trong tố tụng hình sự do Bộ trưởng Bộ Công an - Bộ Quốc Phòng - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 13/2013/TTLT-BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC
Ngày ban hành 26/12/2013
Ngày có hiệu lực 14/02/2014
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Công An,Bộ Quốc phòng,Tòa án nhân dân tối cao,Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Hoàng Nghĩa Mai,Nguyễn Sơn,Lê Quý Vương,Nguyễn Thành Cung
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Trách nhiệm hình sự

BỘ CÔNG AN - BỘ QUỐC PHÒNG - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2013/TTLT-BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2013

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2003 VỀ BẢO VỆ TÍNH MẠNG, SỨC KHỎE, TÀI SẢN CỦA NGƯỜI TỐ GIÁC TỘI PHẠM, NGƯỜI LÀM CHỨNG, NGƯỜI BỊ HẠI VÀ NGƯỜI THÂN THÍCH CỦA HỌ TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Để thực hiện thống nhất các quy định tại Điều 7, khoản 3 Điều 55, khoản 3 Điều 103 và Điều 211 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại và người thân thích của họ trong tố tụng hình sự.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại và người thân thích của họ trong tố tụng hình sự.

2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan tiến hành tố tụng; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại và người thân thích của họ trong tố tụng hình sự.

Điều 2. Đối tượng được bảo vệ

1. Người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

2. Người thân thích của người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, cha mẹ (cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi) bên vợ hoặc bên chồng của người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Những đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đây gọi chung là người được bảo vệ.

Điều 3. Phạm vi bảo vệ

1. Người được bảo vệ được các cơ quan có thẩm quyền bảo vệ an toàn về tính mạng, sức khỏe và tài sản khi có căn cứ về việc họ đã hoặc sẽ bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản do việc người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại cung cấp chứng cứ, vật chứng, thông tin, tài liệu có liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội, người phạm tội trong vụ việc, vụ án hình sự. Căn cứ về việc đã hoặc sẽ bị xâm hại được hiểu là đã bị xâm hại hoặc có sự đe dọa xâm hại ở mức độ nguy hiểm đáng kể hoặc căn cứ vào tính chất đặc biệt nguy hiểm của loại tội phạm và vai trò quan trọng của người làm chứng, người tố giác tội phạm, người bị hại trong tố tụng hình sự cần phải có biện pháp bảo vệ để đảm bảo an toàn cho người được bảo vệ và yêu cầu hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

2. Việc áp dụng các biện pháp bảo vệ được thực hiện trong suốt thời gian mà có căn cứ về việc đã hoặc sẽ bị xâm hại là có thực và không giới hạn về thời gian (trong quá trình giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự hoặc khi bản án đã có hiệu lực pháp luật).

3. Trường hợp có căn cứ về việc đã hoặc sẽ bị xâm hại vì những lí do khác không phải do việc họ cung cấp chứng cứ, vật chứng, thông tin, tài liệu có liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội, người phạm tội trong tố tụng hình sự thì không thuộc phạm vi bảo vệ trong Thông tư này.

Điều 4. Quyền của người được bảo vệ

1. Được cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, vụ án hình sự giải thích về quyền được bảo vệ, được yêu cầu áp dụng các biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của mình khi có căn cứ về việc đã hoặc sẽ bị xâm hại.

Yêu cầu phải được thể hiện bằng văn bản. Trong trường hợp khẩn cấp, có thể yêu cầu trực tiếp bằng lời nói hoặc thông qua các phương tiện thông tin liên lạc, nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản.

2. Được biết trước về các biện pháp bảo vệ và có quyền đề nghị thay đổi, bổ sung biện pháp bảo vệ nếu có căn cứ thực tế cho thấy biện pháp bảo vệ trước đó không bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của họ.

3. Được đền bù trong trường hợp bị thiệt hại về tài sản; được trợ cấp trong trường hợp bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe theo quy định của pháp luật.

4. Đối với trường hợp người được bảo vệ là cán bộ, công chức, công nhân, viên chức, người đang làm việc trong các tổ chức kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội khác; sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân, viên chức, chiến sĩ Công an nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, chiến sĩ Quân đội nhân dân thì không bị điều chuyển, giáng cấp, hạ bậc lương, tiền thưởng ... vì lý do vắng mặt trong thời gian cơ quan, người tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp bảo vệ.

Điều 5. Nghĩa vụ của người được bảo vệ

1. Chấp hành nghiêm chỉnh những yêu cầu của cơ quan có trách nhiệm bảo vệ về đi lại, ăn ở, sinh hoạt, làm việc, học tập, giao tiếp, thăm gặp và các hoạt động khác.

2. Không được tiết lộ thông tin về nơi ở, nơi làm việc, học tập, sự thay đổi nhân dạng hoặc các biện pháp bảo vệ khác cho người khác biết, kể cả thân nhân khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có trách nhiệm bảo vệ.

3. Thông tin kịp thời những vụ việc, tình huống bất thường xảy ra có nghi vấn hoặc có liên quan đến hoạt động bảo vệ của cơ quan có trách nhiệm bảo vệ.

4. Trong mọi trường hợp nếu người được bảo vệ không chấp hành các nghĩa vụ quy định tại các khoản 1, 2, 3 của Điều này mà bị xâm hại thì phải tự chịu trách nhiệm về tính mạng, sức khỏe và tài sản của mình.

Điều 6. Các biện pháp bảo vệ

1. Bố trí lực lượng, phương tiện; tiến hành các biện pháp nghiệp vụ; sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện giao thông, thông tin liên lạc để canh gác, bảo vệ (tại phiên tòa, nơi ở, nơi làm việc, học tập của người được bảo vệ, trên các phương tiện giao thông và các nơi cần thiết khác).

2. Hạn chế phạm vi đi lại, quan hệ giao tiếp, thăm gặp, làm việc, học tập của người được bảo vệ trong một thời gian nhất định khi xét thấy mức độ tấn công hoặc xâm hại của tội phạm đối với người được bảo vệ ở mức nguy hiểm cao.

[...]