Thông tư liên tịch 102/1998/TTLT/BTC/NHNN hướng dẫn Quyết định 95/1998/QĐ-TTg về xử lý thanh toán nợ giai đoạn II do Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 102/1998/TTLT/BTC/NHNN
Ngày ban hành 18/07/1998
Ngày có hiệu lực 02/08/1998
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính,Ngân hàng Nhà nước
Người ký Nguyễn Văn Giàu,Trần Văn Tá
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

BỘ TÀI CHÍNH-NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 102/1998/TTLT/BTC/NHNN

Hà Nội, ngày 18 tháng 7 năm 1998

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC SỐ 102/1998/TTLT/BTC-NHNN NGÀY 18 THÁNG 7 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 95/1998/QĐ/TTG NGÀY 18-5-1998 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ XỬ LÝ THANH TOÁN NỢ GIAI ĐOẠN II

Thi hành Quyết định số 95/1998/QĐ/TTg ngày 18-5-1998 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý, thanh toán nợ giai đoạn II; Sau khi xin ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực, Trưởng Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ Trung ương và thống nhất với các thành viên Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ thuộc các Bộ, ngành Trung ương; Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hướng dẫn những vấn đề xử lý, thanh toán và hạch toán kế toán công nợ giai đoạn II như sau:

A. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

- Các bên có nợ phải thu, phải trả đã kê khai xác nhận nợ, hoặc chưa kê khai nhưng đã được đối chiếu, xác nhận của chủ nợ và người mắc nợ theo Quyết định số 277/CT ngày 29-7-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) và đề án thanh toán công nợ giai đoạn II là đối tượng thi hành Thông tư này.

- Xử lý, thanh toán nợ giai đoạn II căn cứ vào quy định của: Tổng thanh toán nợ giai đoạn II, Quyết định số 95/1998/QĐ/TTg ngày 18-5-1998 của Thủ tướng Chính phủ, Pháp luật tại thời điểm phát sinh nợ và Thông tư này.

- Bảo lãnh của tổ chức và cá nhân cho doanh nghiệp, tổ chức Kinh tế - Xã hội để vay vốn, mua bán trả chậm vật tư, hàng hoá theo Điều 4 Quyết định số 95/1998/QĐ/TTg ngày 18-5-1998 của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ vào xác nhận bảo lãnh, hỗ trợ thanh toán khi đến hạn, quy định như sau:

+ Nếu là tổ chức xã hội và pháp nhân kinh tế, phải có chữ ký chức danh của người được giao nhiệm vụ, con dấu của tổ chức và pháp nhân kinh tế đó.

+ Các trường hợp khác trách nhiệm thuộc về cá nhân.

B. QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

I. PHẠM VI ĐỐI TƯỢNG XỬ LÝ, THANH TOÁN NỢ QUÁ HẠN THEO

Quyết định số 95/1998/QĐ/TTg ngày 18-5-1998 của Thủ tướng Chính phủ.

1. Phạm vi xử lý và thanh toán nợ.

Bao gồm công nợ phải thu, phải trả đã quá hạn của các doanh nghiệp Nhà nước (doanh nghiệp đang hoạt động, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản) của Ngân sách, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Thương mại, dự trữ Quốc gia, các tổ chức xã hội, kinh tế tập thể, cá thể đã được kê khai xác nhận, hoặc đã được đối chiếu xác nhận của chủ nợ và người mắc nợ theo Quyết định số 277/CT ngày 29-7-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), hướng dẫn của Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ Trung ương và các ngành có liên quan về thanh toán công nợ giai đoạn II.

Các khoản nợ phát sinh bằng đồng Việt Nam, ngoại tệ, vàng và hiện vật do mua bán vật tư, hàng hoá, cung ứng dịch vụ, vay trả tín dụng, góp vốn liên doanh liên kết đã thành nợ quá hạn, các khoản phải nộp Ngân sách Nhà nước nhưng chưa nộp, nợ thóc dự trữ Quốc gia. Nếu các đơn vị và tổ chức trong nước nợ là ngoại tệ, vàng trừ đồng Rúp được quy về USD "Đô la Mỹ" để thanh toán theo tỷ giá USD và giá vàng tại thời điểm kê khai nợ (30-4-1991), tỷ giá quy đổi ra đồng Việt Nam là 7.900 đồng/USD (Thông tư số 57/TTN.94 ngày 30-6-1994 của Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ Trung ương hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 235/TTg ngày 11-5-1994 của Thủ tướng Chính phủ về tổng thanh toán nợ giai đoạn II).

2. Đối tượng xử lý, thanh toán nợ:

a. Nợ phải thu, phải trả của các đối tượng có nợ lẫn nhau đối với:

- Doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động mã số là loại 10.

- Doanh nghiệp Nhà nước ngừng hoạt động, giải thể, phá sản mã số là loại 80.

- Tài chính mã số là: 70, 71, 72, 73.

- Dự trữ Quốc gia.

- Ngân hàng mã số là loại: 60, 61, 62, 63, 64.

- Kinh tế tập thể, tư nhân, đoàn thể và đối tượng khác mã số là loại: 20, 30, 40, 50, 90.

b. Các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh và các đơn vị, tổ chức xã hội có nợ phải thu, phải trả đối với các đối tượng là doanh nghiệp Nhà nước loại (10-80), Tài chính, Ngân hàng, Dự trữ Quốc gia và Doanh nghiệp của Đảng.

c. Nợ phải thu phải trả của các doanh nghiệp Nhà nước loại (10-80) đối với nước ngoài.

Những khoản nợ thóc Dự trữ Quốc gia mà các đơn vị vay cứu đói theo Quyết định số 83/CT ngày 20-3-1990, Quyết định số 348/CT-349/CT ngày 01-10-1990, Quyết định số 168/CT ngày 25-5-1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) và các Quyết định số 538 - 539 - 540 - 541/TTg năm 1993 của Thủ tướng Chính phủ về vay cứu đói cũng thuộc đối tượng thực hiện theo Thông tư này.

II. CĂN CỨ ĐỂ XỬ LÝ, THANH TOÁN NỢ GIAI ĐOẠN II.

Căn cứ Thông tư liên Bộ Tài chính - Ngân hàng số 12/TT-LB ngày 21-8-1992 và Công văn số 278/TTN-93 ngày 22-10-1993 của Ban chỉ đạo tổng thanh toán nợ Trung ương; Để có cơ sở xem xét xử lý thanh toán phải có:

[...]