Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư liên tịch 06/2007/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn Nghị định 61/2006/NĐ-CP về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do Bộ Giáo dục và Đào tạo-Bộ Nội vụ-Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 06/2007/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC
Ngày ban hành 27/03/2007
Ngày có hiệu lực 13/05/2007
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo,Bộ Nội vụ,Bộ Tài chính
Người ký Đỗ Hoàng Anh Tuấn,Nguyễn Văn Vọng,Trần Văn Tuấn
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO-BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH
*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do – Hạnh phúc
******

SỐ 06/2007/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC

Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 2007

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 61/2006/NĐ-CP NGÀY 20 THÁNG 6 NĂM 2006 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NHÀ GIÁO, CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC CÔNG TÁC Ở TRƯỜNG CHUYÊN BIỆT, Ở VÙNG CÓ ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN

Căn cứ Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý, giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

I . NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng áp dụng

a) Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục (kể cả những người trong thời gian thử việc hợp đồng) hưởng lương theo ngạch, bậc quy định của Nhà nước thuộc biên chế trả lương ở các trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

b) Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) không thuộc biên chế nhà nước hoặc đang trong thời gian thử việc hay hợp đồng hưởng lương từ nguồn thu hợp pháp không thuộc ngân sách nhà nước hiện đang công tác ở các trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

c) Cán bộ quản lý giáo dục quy định tại điểm a và b nêu trên, bao gồm:

- Hiệu trưởng, Phó hiệu trường, Giám đốc, Phó giám đốc các trung tâm, cơ sở giáo dục và đào tạo.

- Các nhà giáo (bao gồm cả những người đã là Hiệu trưởng, phó Hiệu trưởng, Giám đốc, Phó giám đốc các trung tâm, cơ sở giáo dục và đào tạo) được phân công làm việc tại các phòng, ban chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ sở giáo dục và đào tạo hoặc công tác tại các phòng giáo dục và đào tạo mà cơ quan phòng giáo dục và đào tạo đóng trên địa bàn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

2. Phạm vi áp dụng

a) Các trường chuyên biệt, bao gồm:

- Trường phổ thông dân tộc nội trú.

- Trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học;

- Trường trung học phổ thông chuyên;

- Trường năng khiếu nghệ thuật, thể dục, thể thao;

- Trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật;

- Trường giáo dưỡng.

b) Danh mục vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Quyết định số 163/2006/QĐ-TTg ngày 11/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn hoàn thành cơ bản mục tiêu chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135 giai đoạn 1999 - 2005); Quyết định số 164/2006/QĐ-TTg ngày 11/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (Chương trình 135 giai đoạn II) và các quyết định khác của Thủ tướng Chính phủ (nếu có).

c) Cơ sở giáo dục và đào tạo, bao gồm: nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, trường mẫu giáo, mầm non, phổ thông, bổ túc văn hoá (chưa hoàn thành việc chuyển đổi theo Luật giáo dục năm 2005), trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, cao đẳng, đại học; các trung tâm: kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, giáo dục thường xuyên, nuôi dạy trẻ tàn tật, khuyết tật.

3. Nguyên tác áp dụng

a) Nhà giáo, CBQLGD thuộc đối tượng áp dụng tại khoản 1 mục I Thông tư này ngoài việc hưởng các chính sách như cán bộ, công chức, viên chức công tác trong ngành giáo dục còn được hưởng thêm các chế độ phụ cấp, trợ cấp quy định tại thông tư này.

b) Nhà giáo, CBQLGD thuộc đối tượng áp dụng tại khoản 1 mục I Thông tư này khi nghỉ hưu hoặc thôi việc thì không hưởng các chế độ phụ cấp, trợ cấp quy định tại Thông tư này.

Các chế độ phụ cấp, trợ cấp quy định tại Thông tư này không dùng để tính các chế độ phụ cấp khác, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp thôi việc.

c) Nhà giáo, CBQLGD thuộc đối tượng áp dụng tại khoản 1 mục I Thông tư này công tác ở trường chuyên biệt không đóng trên địa bàn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chỉ hưởng các chế độ phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi quy định cho các trường chuyên biệt hướng dẫn tại các khoản 1, 2 và 3 mục II của Thông tư này.

Nhà giáo, CBQLGD thuộc đối tượng áp dụng tại khoản 1 mục I Thông tư này công tác ở trường chuyên biệt mà trường chuyên biệt đóng trên địa bàn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì hưởng đủ các chế độ phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi quy định từ khoản 1 đến khoản 11 tại mục II của Thông tư này.

Nhà giáo, CBQLGD thuộc đối tượng áp dụng tại khoản 1 mục I Thông tư này công tác ở các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chỉ hưởng các chế độ phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi quy định cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ khoản 1 đến khoản 11 (trừ khoản 3) tại mục II của Thông tư này.

d) Nhà giáo, CBQLGD thuộc đối tượng áp dụng tại khoản 1 mục I Thông tư này hưởng lương từ ngân sách nhà nước được hưởng các chế độ phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi quy định tại Thông tư này do nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước chi trả. Ngân sách Trung ương chi trả cho các nhà giáo, CBQLGD đang công tác ở trường chuyên biệt, các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc các Bộ, ngành Trung ương quản lý. Ngân sách địa phương chi trả cho các nhà giáo, CBQLGD đang công tác ở trường chuyên biệt, các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc địa phương quản lý.

[...]