Thông tư liên tịch 01/2019/TTLT-TANDTC-BNG quy định về trình tự, thủ tục phối hợp giữa Tòa án nhân dân và Cơ quan đại diện nước Việt Nam ở nước ngoài để thực hiện hoạt động tố tụng dân sự và tố tụng hành chính ở nước ngoài

Số hiệu 01/2019/TTLT-TANDTC-BNG
Ngày ban hành 05/12/2019
Ngày có hiệu lực 03/02/2020
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Ngoại giao,Tòa án nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Thúy Hiền,Tô Anh Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO -
BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2019/TTLT-TANDTC-BNG

Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 2019

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC PHỐI HỢP GIỮA TÒA ÁN NHÂN DÂN VÀ CƠ QUAN ĐẠI DIỆN NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI ĐỂ THỰC HIỆN MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG DÂN SỰ VÀ TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH Ở NƯỚC NGOÀI

Căn cứ Bộ Luật tố tụng dân sự ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật tố tụng hành chính ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 21 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 26/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 03 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ban hành Thông tư liên tịch quy định về trình tự, thủ tục phối hợp giữa Tòa án nhân dân và Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài để thực hiện một số hoạt động tố tụng dân sự và tố tụng hành chính ở nước ngoài.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư liên tịch này quy định trình tự, thủ tục phối hợp giữa Tòa án nhân dân và Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là Tòa án và Cơ quan đại diện) để thực hiện một số hoạt động tố tụng dân sự và tố tụng hành chính ở nước ngoài sau đây:

a) Tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự là công dân Việt Nam ở nước ngoài theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 474, điểm a khoản 6 Điều 477, khoản 2 Điều 479, Điều 480 của Bộ luật tố tụng dân sự, điểm d khoản 1 Điều 303, khoản 2 Điều 307 và 308 của Luật tố tụng hành chính;

b) Thông báo văn bản tố tụng cho đương sự ở nước ngoài là công dân Việt Nam, người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài theo quy định tại khoản 3 Điều 474, điểm c khoản 6 Điều 477, các khoản 2, 3 Điều 479, Điều 480 của Bộ luật tố tụng dân sự, khoản 3 Điều 303, các khoản 2, 3 Điều 307 và 308 của Luật tố tụng hành chính.

2. Thông tư liên tịch này không áp dụng đối với các hoạt động tống đạt văn bản tố tụng, thu thập chứng cứ quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 474, Điều 475 của Bộ luật tố tụng dân sự, các điểm a, b và c khoản 1 Điều 303 của Luật tố tụng hành chính.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư liên tịch này áp dụng đối với Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm, Cơ quan đại diện, đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến hoạt động tố tụng dân sự và tố tụng hành chính mà Tòa án đề nghị Cơ quan đại diện thực hiện ở nước ngoài.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư liên tịch này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Tống đạt văn bản tố tụng” là việc Cơ quan đại diện gửi văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự là công dân Việt Nam ở nước ngoài bằng dịch vụ bưu chính chuyển phát bưu phẩm bảo đảm.

2. “Thông báo văn bản tố tụng” là việc Cơ quan đại diện niêm yết công khai tại trụ sở, đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Cơ quan đại diện văn bản tố tụng của Tòa án để thông báo cho đương sự ở nước ngoài là công dân Việt Nam, người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài.

3. “Chi phí tống đạt, thông báo văn bản tố tụng” là các khoản tiền sau đây: tiền cước bưu chính ở trong nước, tiền cước bưu chính ở nước ngoài, phí chuyển tiền qua ngân hàng, tiền dịch văn bản tố tụng và chứng thực chữ ký người dịch.

4. “Tiền cước bưu chính ở trong nước” là khoản tiền phải trả để Tòa án gửi hồ sơ đề nghị tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho Cơ quan đại diện bằng dịch vụ bưu chính chuyển phát bưu phẩm bảo đảm.

5. “Tiền cước bưu chính ở nước ngoài” là khoản tiền phải trả để Cơ quan đại diện tống đạt văn bản tố tụng và gửi kết quả thực hiện tống đạt văn bản tố tụng hoặc kết quả thực hiện thông báo văn bản tố tụng cho Tòa án bằng dịch vụ bưu chính chuyển phát bưu phẩm bảo đảm.

6. “Phí chuyển tiền qua ngân hàng” là khoản tiền phải trả cho ngân hàng khi Tòa án chuyển tiền cước bưu chính ở nước ngoài cho Cơ quan đại diện.

7. “Tiền dịch văn bản tố tụng và chứng thực chữ ký người dịch” là khoản tiền phải trả để dịch văn bản tố tụng và chứng thực chữ ký người dịch trong trường hợp văn bản này được thông báo cho đương sự là người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài.

8. “Dịch vụ bưu chính chuyển phát bưu phẩm bảo đảm” là dịch vụ chấp nhận, vận chuyển và phát bưu phẩm đến địa chỉ nhận; bưu phẩm được gắn số hiệu để theo dõi, định vị trong quá trình chuyển phát.

Điều 4. Các phương thức lập, gửi hồ sơ đề nghị tống đạt, thông báo văn bản tố tụng giữa Tòa án và Cơ quan đại diện

[...]