Thông tư liên tịch 01/2004/TTLT/BXD-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân quản lý nhà nước ngành xây dựng tại địa phương do Bộ Xây dựng - Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 01/2004/TTLT/BXD-BNV
Ngày ban hành 16/01/2004
Ngày có hiệu lực 19/02/2004
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ,Bộ Xây dựng
Người ký Đỗ Quang Trung,Nguyễn Hồng Quân
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Xây dựng - Đô thị

BỘ NỘI VỤ-BỘ XÂY DỰNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2004/TTLT/BXD-BNV

Hà Nội , ngày 16 tháng 1 năm 2004

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ XÂY DỰNG - BỘ NỘI VỤ SỐ 01/2004/TTLT/BXD-BNV NGÀY 16 THÁNG 1 NĂM 2004 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CƠ QUAN CHUYÊN MÔN GIÚP ỦY BAN NHÂN DÂN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC NGÀNH XÂY DỰNG TẠI ĐỊA PHƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 45/2003/NĐ-CP ngày 9 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Liên bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành Xây dựng tại địa phương như sau:

I. CƠ QUAN CHUYÊN MÔN GIÚP UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC NGÀNH XÂY DỰNG

1. Ví trị và chức năng

1.1. Các cơ quan chuyên môn (sau đây gọi chung là Sở) là cơ quan tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) quản lý nhà nước ngành xây dựng tại địa phương gồm:

Sở Xây dựng ở các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương.

Sở Giao thông - Công chính ở các thành phố trực thuộc Trung ương.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh

1.2. Các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước ngành xây dựng tại địa phương gồm: xây dựng; vật liệu xây dựng; nhà ở và công sở; kiến trúc, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn; hạ tầng kỹ thuật đô thị (hè, đường đô thị, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, công viên cây xanh, rác thải đô thị, nghĩa trang, bãi đỗ xe trong đô thị).

1.3. Chức năng cụ thể của các Sở như sau:

1.3.1. Tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

- Sở Xây dựng tham mưu và giúp Uỷ ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: xây dựng; vật liệu xây dựng; nhà ở và công sở;

- Sở Giao thông - Công chính tham mưu và giúp Uỷ ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị;

- Sở Quy hoạch - Kiến trúc tham mưu và giúp Uỷ ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn;

1.3.2. Tại các thành phố trực thuộc Trung ương khác.

- Sở Xây dựng tham mưu và giúp Uỷ ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: Xây dựng; vật liệu xây dựng; nhà ở và công sở; kiến trúc, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn;

- Sở Giao thông - Công chính tham mưu và giúp Uỷ ban nhân dân thành phố thực hiện chức quản lý nhà nước về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị.

1.3.3. Tại các tỉnh còn lại.

Sở Xây dựng tham mưu và giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực nêu tại điểm 1.2 trên đây.

1.4. Các Sở chịu sự quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của Uỷ ban nhân dân tỉnh, chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Xây dựng trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn

2.1. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các quyết định, chỉ thị về các lĩnh vực quản lý của Sở theo quy định của pháp luật;

2.2. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh qui hoạch phát triển, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm, các chương trình, dự án, công trình xây dựng quan trọng thuộc các lĩnh vực quản lý của Sở phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quy hoạch vùng và quy hoạch phát triển ngành, chuyên ngành cả nước; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;

2.3. Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá và tổng hợp tình hình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các chế độ, chính sách, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc các lĩnh vực quản lý của Sở theo quy định của pháp luật; tuyên truyền, phổ biến thông tin, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực quản lý của Sở;

2.4. Về quản lý xây dựng:

2.4.1. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh qui định việc phân công, phân cấp và ủy quyền quản lý đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh theo quy định của pháp luật;

Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh về phân công, phân cấp và ủy quyền quản lý đầu tư xây dựng;

[...]