Thông tư liên Bộ 1012/TT-LB năm 1996 về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân địa phương quản lý Nhà nước về ngành xây dựng do Ban Tổ chức- Cán bộ Chính phủ và Bộ Xây dựng ban hành

Số hiệu 1012/TT-LB
Ngày ban hành 25/12/1996
Ngày có hiệu lực 25/12/1996
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ,Bộ Xây dựng
Người ký Đỗ Quang Trung,Ngô Xuân Lộc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Xây dựng - Đô thị

BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ-BỘ XÂY DỰNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1012/TT-LB

Hà Nội , ngày 25 tháng 12 năm 1996

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ XÂY DỰNG - BAN TỔ CHỨC ,CÁN BỘ CHÍNH PHỦ SỐ 1012/TT-LB NGÀY 25 THÁNG 12 NĂM 1996 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CƠ QUAN CHUYÊN MÔN, GIÚP UỶ BAN NHÂN DÂN ĐỊA PHƯƠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ NGÀNH XÂY DỰNG

Thực hiện Nghị định số 15/CP ngày 4/3/1994 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước các lĩnh vực thuộc Bộ Xây dựng;

Bộ Xây dựng và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc TW (gọi chung là tỉnh) thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về ngành xây dựng (bao gồm: Kiến trúc, quy hoạch; xây dựng; nhà ở, công thự, trụ sở làm việc; công trình công cộng đô thị, cụm dân cư nông thôn; vật liệu xây dựng).

A- CHỨC NĂNG:

Sở Xây dựng, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố, Sở Nhà đất, Sở Giao thông công chính là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước ngành xây dựng hoặc một số chuyên ngành thuộc ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh, chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Xây dựng.

B- NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN CHUYÊN MÔN GIÚP UBND TỈNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ NGÀNH XÂY DỰNG

I. THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ NGÀNH XÂY DỰNG

1. Giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh soạn thảo các văn bản để thực hiện Luật, Pháp lệnh và các văn bản pháp quy khác về ngành xây dựng; hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật, chính sách của Nhà nước và các văn bản về xây dựng của địa phương.

2. Cấp và thu hồi các loại giấy phép, chứng chỉ về xây dựng theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Xây dựng và sự phân cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

3. Thực hiện công tác thanh tra Nhà nước, thanh tra và kiểm tra chuyên ngành theo quy định của Nhà nước và của UBND tỉnh.

II. VỀ QUẢN LÝ KIẾN TRÚC, QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ, CỤM DÂN CƯ NÔNG THÔN

Văn phòng Kiến trúc sư trưởng hoặc Sở Xây dựng (đối với tỉnh không có Kiến trúc sư trưởng thành phố) giúp UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về kiến trúc, quy hoạch xây dựng phát triển đô thị, cụm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh; có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Lập kế hoạch quy hoạch xây dựng, dự án quản lý kiến trúc - cảnh quan đô thị và tổ chức thực hiện kế hoạch, dự án đó sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Tổ chức lập, thẩm định các dự án quy hoạch xây dựng các loại đô thị, khu công nghiệp, cục dân cư nông thôn trình UBND tỉnh, để UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền;

3. Tổ chức quản lý xây dựng các đô thị, khu công nghiệp, cụm dân cư nông thôn theo quy hoạch được duyệt gồm: công bố quy hoạch xây dựng đã được duyệt để nhân dân biết, thực hiện và kiểm tra; giới thiệu địa điểm, thoả thuận về mặt kiến trúc quy hoạch đối với các dự án đầu tư và cấp giấy phép xây dựng theo sự uỷ quyền của Chủ tịch UBND tỉnh; kiểm ta và giám sát việc thực hiện giấy phép xây dựng, hướng dẫn lập và lưu trữ các hồ sơ hoàn công;

4. Lập, thẩm định hồ sơ phân loại đô thị để UBND tỉnh trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc quyết định theo thẩm quyền.

III. VỀ QUẢN LÝ XÂY DỰNG

Sở Xây dựng giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về xây dựng trên địa bàn tỉnh; có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Quản lý công tác khảo sát, thiết kế, dự toán công trình

a) Giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn theo đúng pháp luật của Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

b) Tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán và chuẩn bị hồ sơ thiết kế kỹ thuật các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp thuộc các dự án do UBND tỉnh quyết định đầu tư trình UBND tỉnh phê duyệt.

c) Xét duyệt thiết kế kỹ thuật một số dự án xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp nhóm B, C theo sự uỷ quyền của UBND tỉnh; phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm tra tổng dự toán các công trình do địa phương quản lý để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xét duyệt.

2. Quản lý chất lượng:

a) Giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

b) Tổ chức hoặc tham gia giám định chất lượng các công trình xây dựng công nghiệp, dân dụng do tỉnh quản lý, tham gia nghiệm thu các công trình dân dụng, công nghiệp xây dựng trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

c) Chủ trì hoặc tham gia việc điều tra sự cố các công trình xây dựng công nghiệp và dân dụng trên địa bàn do tỉnh quản lý; tham gia giải quyết các tranh chấp về sự cố công trình.

d) Tổng hợp các sự cố của công trình xây dựng trên địa bàn, báo cáo với UBND tỉnh và Bộ Xây dựng.

[...]