Thứ 7, Ngày 02/11/2024

Thông tư liên bộ 20-TT/LB năm 1977 hướng dẫn vấn đề về lao động để thực hiện quyết định 272-CP do Bộ Lao động -Bộ Nông nghiệp - Bộ Lâm nghiệp ban hành

Số hiệu 20-TT/LB
Ngày ban hành 09/12/1977
Ngày có hiệu lực 24/12/1977
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Lâm nghiệp,Bộ Lao động,Bộ Nông nghiệp
Người ký Lê Chân Phương,Trần Quốc Mạnh,Trần Văn Quế
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LÂM NGHIỆP-BỘ LAO ĐỘNG-BỘ NÔNG NGHIỆP
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20-TT/LB

Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 1977 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ LAO ĐỘNG ĐỂ THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 272-CP CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Thi hành quyết định số 272-CP ngày 03-10-1977 của Hội đồng Chính phủ ban hành chính sách đối với hợp tác xã mở rộng diện tích sản xuất nông, lâm nghiệp và xây dựng vùng kinh tế mới, thực hiện định canh, định cư, Bộ Lao động, Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp hướng dẫn một số vấn đề về lao động như sau.

I. XÂY DỰNG QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH ĐIỀU CHỈNH LAO ĐỘNG XÂY DỰNG VÙNG KINH TẾ MỚI

Để thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Chính phủ, động viên, phân bổ, sử dụng mọi nguồn lao động chưa có việc, thiếu việc nhằm bảo đảm nhiệm vụ kế hoạch khai hoang mở rộng diện tích nông, lâm nghiệp, xây dựng vùng kinh tế mới, định canh, định cư, một vấn đề cơ bản và cấp bách là phải xây dựng quy hoạch lao động ở từng địa phương, đặc biệt chú trọng vai trò cấp huyện trong việc cân đối lao động, phân bổ tổ chức lao động gắn liền với tổ chức lại sản xuất. Quy hoạch lao động của huyện phải xác định rõ yêu cầu lao động để bảo đảm sản xuất, xây dựng và các mặt khác của huyện trong những năm tới; xác định khả năng lao động sẽ phát triển có tính đến tốc độ tăng dân số và lao động một cách hợp lý; tính toán cân đối nhu cầu và khả năng xác định mức lao động thừa, thiếu trên địa bàn từng huyện, đề ra kế hoạch điều bớt lao động đi hoặc tiếp nhận lao động đến.

Tính dựa vào quy hoạch lao động của các huyện và căn cứ vào quy hoạch kinh tế chung của địa phương mà tổng hợp, tính toán cân đối, yêu cầu và khả năng lao động, đề ra chủ trương, kế hoạch đưa bớt lao động đi hoặc trực tiếp nhận lao động đến cho phù hợp. Sau đây là một số vấn đề cụ thể trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch lao động:

1. Xác định địa bàn chuyển lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới.

Ở đồng bằng các tỉnh phía Bắc (bao gồm cả vùng đồng bằng của các tỉnh khu 4 cũ, trung du) địa bàn chuyển bớt lao động đi là những huyện, những hợp tác xã có diện tích canh tác bình quân thấp (dưới 3 sào Bắc bộ) không có điều kiện phát triển ngành nghề, thừa lao động.

Căn cứ vào quy định chung này, mỗi địa phương tùy tình hình cụ thể mà xác định địa bàn cho thích hợp.

Việc tính toán nhu cầu lao động để bảo đảm sản xuất và xây dựng tại chỗ phải căn cứ vào phương hướng sản xuất và định mức lao động hợp lý đối với từng cây, con, ngành, nghề. Ngoài việc xem xét diện tích canh tác bình quân đầu người, còn cần chú ý đến phương hướng sản xuất, điều kiện sản xuất để tính toán cân đối lao động. Nếu hai hợp tác xã có diện tích canh tác như nhau, nhưng điều kiện sản xuất khác nhau, yêu cầu phát triển ngành nghề khác nhau thì nhu cầu lao động cần thiết cho phân công tại chỗ khác nhau. Những hợp tác xã tuy có ngành nghề, nhưng khi cân đối vẫn thừa lao động thì cần rút bớt lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới. Cân đối lao động cho phát triển ngành nghề cần căn cứ vào kế hoạch và chú ý đến những ngành nghề có điều kiện tương đối ổn định lâu dài để phân bố lao động hợp lý.

Những huyện đồng bằng mở rộng cơ giới hóa trong nông nghiệp cần sử dụng tốt số lao động dôi ra trong quá trình tổ chức lại sản xuất, phân công lại lao động trên địa bàn huyện, đồng thời phải chủ động thực hiện kế hoạch điều lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới.

Ở các thành phố, thị xã phía Bắc (như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định…) những nơi đông dân, nhiều lao động, trên cơ sở cân đối lao động và giải quyết việc làm tại chỗ, cũng cần điều chỉnh lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới.

Ở các tỉnh, thành phố phía Nam, địa bàn đưa dân đi xây dựng vùng kinh tế mới là các thành phố, thị xã, thị trấn đông dân, nhiều người có khả năng lao động nhưng chưa có việc làm. Cần nắm chắc số lượng, chất lượng và tình hình lao động trong các quận, phường, phân loại lao động để bố trí phân công lao động tại chỗ và điều lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới.

2. Xác định địa bàn tiếp nhận lao động đến xây dựng vùng kinh tế mới

Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp của vùng kinh tế mới đã được xét duyệt để tính toán nhu cầu lao động. Cân đối với khả năng lao động tại chỗ để xác định nhu cầu lao động phải tiếp nhận thêm cho kế hoạch dài hạn và từng năm. Dựa vào đó, cấp tỉnh tổng hợp cân  đối chung, xác định chỉ tiêu xin tiếp nhận thêm lao động để đề xuất với trung ương và tỉnh kết nghĩa xây dựng kế hoạch chung cho phù hợp với thực tế.

3. Cơ cấu lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới

- Lực lượng lao động được điều đến các vùng kinh tế mới cần căn cứ vào phương hướng kinh tế của từng vùng để bố trí cơ cấu lao động phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế bao gồm lao động trực tiếp sản xuất, lao động xây dựng cơ bản, lao động làm dịch vụ, có nam, có nữ, có cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật.

Lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới theo hình thức hợp tác xã cần có cơ cấu hợp lý để bảo đảm thực hiện phương hướng sản xuất của từng vùng và từng loại hình  hợp tác xã, từng ngành nghề khác nhau (như hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã lâm nghiệp hay hợp tác xã lâm, nông nghiệp, hợp tác xã thủ công nghiệp…) cố gắng bảo đảm cho cả nơi lao động đi và nơi tiếp nhận lao động đến đều có tỷ lệ lao động trong dân số hợp lý (tỷ lệ lao động nam, nữ, lao động trẻ khỏe) để vừa bảo đảm đưa lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới vừa bảo đảm thâm canh phát triển sản xuất của địa phương. Phải lựa chọn đưa đi xây dựng vùng kinh tế mới những người có khả năng lao động sản xuất được. Không đưa đi những gia đình quá đông nhân khẩu nhưng ít lao động, những người ốm yếu, tàn tật, mất sức không có khả năng lao động sản xuất. Ở các thành phố, thị xã phía Nam, việc đưa lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới cũng thực hiện theo hướng chung đó.

- Lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới theo hình thức lập nông, lâm trường thì tùy theo yêu cầu của từng ngành nghề đề ra tiêu chuẩn tuyển dụng thích hợp theo chế độ hiện hành.

Bố trí cơ cấu lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới theo hình thức hợp tác xã và hình thức quốc doanh cần chú ý tạo cho các cơ sở sản xuất mới có điều kiện hình thành cơ cấu xã hội hợp lý, nhất là tạo cho chị em phụ nữ có điều kiện xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái được tốt. Những hộ có cả hai vợ chồng có đủ tiêu chuẩn thì nên tuyển dụng cả.

Trong một vùng kinh tế mới có cả nông, lâm trường và hợp tác xã, khi bố trí kế hoạch đưa lao động đi cần phân vùng hợp lý để điều lao động cho cơ sở quốc doanh và hợp tác xã được tập trung theo từng vùng, từng huyện để tạo điều kiện thuận tiện cho việc lập khu dân cư mới.

4. Quan hệ giữa nơi di dân và nơi nhận dân đến.

Quy định của Hội đồng Chính phủ kèm theo quyết định số 272-CP đã xác định cụ thể trách nhiệm các tỉnh, thành phố trong đó quy định rõ trách nhiệm, tỉnh có dân đi và tỉnh đón dân đến. Căn cứ quy định đó giữa hai tỉnh (đưa dân đi, đón dân đến) cần bàn bạc, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của mỗi bên và phối hợp chặt chẽ để kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc cho người lao động trong quá trình thực hiện. 

II. TỔ CHỨC LAO ĐỘNG ĐI XÂY DỰNG VÙNG KINH TẾ MỚI

Lực lượng lao động đi xây dựng các vùng kinh tế mới được tổ chức theo hình thức hợp tác xã (hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã nông, lâm nghiệp hay lâm, nông nghiệp v.v… ) hoặc theo hình thức quốc doanh (nông trường , lâm trường) không làm riêng  lẻ.

1. Tổ chức lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới theo hình thức hợp tác xã.

a) Tổ chức lao động đi trước chuẩn bị cơ sở.

Việc lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới thời gian đầu chỉ đưa những lao động trẻ, khỏe, có tinh thần hăng hái lấy ở những gia đình có nhiều lao động, đến cơ sở mới để chuẩn bị trước.Người lao động đi trước cần được tổ chức thành khung hợp tác xã, để có điều kiện nhận đất, nhận rừng, nhận vốn để tiến hành sản xuất ở cơ sở mới.

[...]