Thông tư liên bộ 17-TT/LB năm 1968 hướng dẫn tổ chức và chính sách đối với đội chủ lực làm thủy lợi và thủy điện ở miền núi do Bộ Thủy lợi - Bộ Lao động - Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 17-TT/LB
Ngày ban hành 17/09/1968
Ngày có hiệu lực 02/10/1968
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Lao động,Bộ Tài chính,Bộ Thuỷ lợi
Người ký Nguyễn Thanh Sơn,Trần Mạnh Qùy,Lê Chân Phương
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ THUỶ LỢI
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17-TT/LB

Hà Nội, ngày 17 tháng 09 năm 1968 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

HƯỚNG DẪN VÀ QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI ĐỘI CHỦ LỰC LÀM THỦY LỢI VÀ THỦY ĐIỆN Ở MIỀN NÚI

Thi hành Quyết định số 38-TTg/NN nước ngày 05/4/1968 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức đội chủ lực làm thủy lợi và thủy điện ở miền núi; sau khi trao đổi nhất trí với các ngành có liên quan, Liên bộ Thủy lợi – Lao động – Tài chính ra thông tư hướng dẫn và quy định về tổ chức và chính sách cụ thể đối với đội chủ lực như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU TỔ CHỨC CHỦ LỰC

Hiện nay cũng như những năm tới nhiệm vụ phát triển thủy lợi và thủy điện ở miền núi rất lớn. Chính phủ đã quyết định tổ chức đội lao động chủ lực để xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện ở các tỉnh miền núi, vùng miền núi thuộc các tỉnh trung du, khu 4 cũ. Tổ chức tốt đội chủ lực sẽ giải quyết một phần khó khăn về lao động, bảo đảm nhân lực thường xuyên cho ngành thủy lợi hoàn thành dứt điểm đồng bộ các công trình theo kế hoạch, phục vụ kịp thời cho sản xuất, giảm bớt huy động dân công góp phần tích cực xây dựng miền núi vững mạnh.

Đội chủ lực là tổ chức lao động thường xuyên của ngành thủy lợi, do Nhà nước lập ra theo hướng từng bước chuyên môn hóa lao động, nâng cao trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ, tăng cường trang bị công cụ lao động để đẩy mạnh tốc độ tăng năng suất lao động, tiết kiệm nhân lực. Hàng năm Chính phủ quyết định chỉ tiêu lao động (trong đó có đội chủ lực) cho từng địa phương.

Nhiệm vụ đội chủ lực là xây dựng phần đất của các công trình thủy lợi, thủy điện thuộc vốn đầu tư Nhà nước, bảo đảm năng suất lao động cao, chất lượng công trình tốt, giá thành hạ. Trong quá trình sản xuất đội phải phấn đấu từng bước xây dựng đơn vị và đội viên ngày càng tiến bộ về các mặt: chính trị, tư tưởng, văn hóa, kỹ thuật, nghiệp vụ trở thành những người lao động mới có tinh thần làm chủ tập thể cao.

Người tham gia đội chủ lực là làm nghĩa vụ của hợp tác xã và do hợp tác xã cung cấp lao động cho Nhà nước. Những cán bộ, đội viên tiến bộ, có đủ điều kiện sẽ được xét tuyển vào biên chế của Nhà nước. Người không có đủ điều kiện thì hết thời hạn 2 năm sẽ trở về tham gia sản xuất ở địa phương. Người tham đội chủ lực được hưởng quyền lợi tinh thần, vật chất vận dụng theo chế độ đối với cán bộ, công nhân ngành xây dựng cơ bản (quy định cụ thể ở phần dưới).

Sau đây là quy định cụ thể:

II. TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ ĐỘI CHỦ LỰC.

1. Phương châm, nguyên tắc tổ chức

Tổ chức đội chủ lực phải quán triệt phương châm tích cực và vững chắc của Chính phủ đề ra. Những tỉnh đã tổ chức đội chủ lực thí điểm thì phải trên cơ sở củng cố theo phương hướng đã ghi trong quyết định và vận dụng cho sát hợp với đặc điểm, trình độ quản lý của địa phương để phát triển lực lượng mới. Những tỉnh chưa có đội chủ lực cần học tập kinh nghiệm của những nơi đã có để tổ chức được tốt.

Việc tổ chức đội chủ lực phải được tiến hành khẩn trương để đảm bảo nhân lực phục vụ cho công tác thủy lợi và thủy điện nhưng phải chuẩn bị đầy đủ kế hoạch sản xuất, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chỉ huy (kể cả tổ trưởng, tổ phó sản xuất). Nhân viên nghiệp vụ, công cụ sản xuất, dụng cụ sinh hoạt… để sau khi tổ chức đội có thể bắt tay ngay vào sản xuất đạt định mức lao động của Nhà nước. Nơi nào chưa chuẩn bị đủ những điều kiện nói trên thì không được tổ chức đội chủ lực.

2. Tổ chức và biên chế

Để thực hiện đúng nguyên tắc trong Quyết định số 38-TTg/TN của Chính phủ là : “Bộ máy của đội chủ lực không có cấp trung gian, lực lượng gián tiếp thấp, quy mô hợp lý, phù hợp với điều kiện tổ chức làm thủy lợi ở miền núi và khả năng quản lý của cán bộ chỉ huy…” Liên bộ quy định cụ thể như sau:

- Đội viên đội chủ lực gồm những xã viên hợp tác xã nông nghiệp, lao động ở các thị trấn, thị xã, thành phố, có đủ sức khoẻ hăng hái lao động, nam từ 18 tuổi đến 45 tuổi, nữ từ 18 tuổi đến 40 tuổi, do các hợp tác xã và Ủy ban hành chính cơ sở cử đi làm nghĩa vụ. Tỷ lệ nữ chiếm trong tổng số đội viên khoảng 50% và tùy theo tình hình từng nơi, Ủy ban hành chính tỉnh đề nghị Tỉnh ủy quy định tỷ lệ đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động để đảm bảo chất lượng của đội chủ lực;

- Mỗi đội từ 50 đến 100 đội viên; dưới đội có các tổ sản xuất, mỗi tổ từ 12 đến 15 đội viên;

- Ban chỉ huy đội từ 2 đến 3 người (1 đội trưởng và 1 hoặc 2 đội phó) thoát ly sản xuất, mỗi tổ có 1 tổ trưởng và 1 hoặc 2 tổ phó không thoát ly sản xuất. Giúp việc ban chỉ huy đội có 1 kế toán tài vụ, 1 thống kê kế hoạch, 1 quản lý kiêm tiếp liệu, 1 y tá và tuỳ theo số lượng đội viên với điều kiện sinh hoạt nơi làm việc để ấn định số cấp dưỡng cho phù hợp (1 cấp dưỡng phục vụ từ 20 đến 25 người);

- Quyền hạn, nhiệm vụ, nguyên tắc lề lối làm việc của đội trưởng, đội phó, tổ trưởng, tổ phó và nhân viên nghiệp vụ do Bộ Thủy lợi quy định sau.

Để đảm bảo sự lãnh đạo, giáo dục của Đảng đối với lực lượng lao động này, Ủy ban hành chính tỉnh đề nghị Tỉnh ủy và các đoàn thể cho tổ chức ở mỗi đội chủ lực một chi bộ Đảng lao động Việt Nam, một chi đoàn thanh niên lao động, một công đoàn cơ sở, một tiểu đội hoặc một trung đội tự vệ.

3. Trang bị công cụ sản xuất.

Ủy ban hành chính các tỉnh có nhiệm vụ trang bị công cụ sản xuất cho đội chủ lực, bảo đảm khi thành lập đội phải có đủ công cụ thường và công cụ cải tiến thích hợp với khả năng sử dụng của đội ở miền núi; chưa có đủ công cụ sản xuất trang bị cho các đội viên theo yêu cầu nói trên thì nhất thiết chưa được tổ chức đội. Sau khi tổ chức phải thường xuyên chăm lo trang bị thêm và sửa chữa công cụ cho đội.

Công cụ sản xuất trang bị cho đội chủ lực chia làm hai loại: loại ít tiền mau hỏng như quang, sọt, cuốc, xẻng… thì được trích 2% gián tiếp phí của vốn thiết kế cơ bản thủy lợi để mua sắm và không phải khấu hao, loại nhiều tiền lâu hỏng như xe bò, xe trâu, xe Kiến an, xe ba gác Trung Quốc, tời quay đường goòng… sẽ do ty tài chính cấp cho ty thủy lợi phải chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ số vốn đó và khấu hao thu hồi vốn để tiếp tục mua sắm các loại công cụ trên (Bộ Thủy lợi sẽ có thông tư hướng dẫn sau).

Hàng năm ty thủy lợi có trách nhiệm lập kế hoạch về nhu cầu công cụ sản xuất của đội chủ lực, cùng một lúc với một kế hoạch xây dựng các công trình và kế hoạch lao động, thông qua Ủy ban hành chính tỉnh để Ủy ban giao trách nhiệm cho các ngành công nghiệp, lâm nghiệp, vật tư, vật giá, thương nghiệp địa phương phục vụ cho nhu cầu đó. Đồng thời, ở mỗi  ty thủy lợi phải tổ chức cơ sở sản xuất thích hợp để sản xuất, sửa chữa một số công cụ giản đơn của đội chủ lực mỗi đội chủ lực  thành lập một tổ sửa chữa (không thoát ly sản xuất) trang bị một số dụng cụ đồ nghề sửa chữa kịp thời các công cụ bị hư hỏng trong quá trình sản xuất.

III. QUYỀN LỢI CỦA NHỮNG NGƯỜI THAM GIAM ĐỘI CHỦ LỰC.

Thủ tướng Chính phủ quy định: “Những người tham gia đội chủ lực trong thời gian làm công tác thủy lợi được hưởng các quyền lợi tinh thần, vật chất hợp lý trên cơ sở vận dụng chế độ đối với cán bộ, công nhân ngành xây dựng cơ bản”.

Căn cứ theo nguyên tắc trên, Liên bộ quy định những quyền lợi cụ thể của cán bộ, đội viên đội chủ lực như sau:

A. CHẾ ĐỘ LƯƠNG.

[...]