Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư liên bộ 07-TT/LB năm 1966 quy định một số quyền lợi của người đi làm nghĩa vụ dân công thời chiến do Bộ Lao động - Bộ Y tế - Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 07-TT/LB
Ngày ban hành 24/05/1966
Ngày có hiệu lực 24/05/1966
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Lao động,Bộ Tài chính,Bộ Y tế
Người ký Vũ Công Thuyết,Bùi Quỳ,Trịnh Văn Bính
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07-TT/LB

Hà Nội, ngày 24 tháng 05 năm 1966 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VỀ MỘT SỐ QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI ĐI LÀM NGHĨA VỤ DÂN CÔNG THỜI CHIẾN

Căn cứ vào Điều lệ tạm thời về huy động và sử dụng dân công thời chiến ban hành kèm theo nghị định số 77-CP ngày 26-04-1966; Liên bộ quy định chi tiết thi hành các điều 8, 10, 11, 12, 13 và 14 về chế độ, quyền lợi của người đi làm nghĩa vụ dân công như sau:

I. LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM VÀ PHIẾU VẢI

Theo tinh thần điều 8 và 10 của điều lệ về cung cấp lương thực, thực phẩm và phiếu vải cho dân công cụ thể như sau:

1. Về lương thực, người đi làm nghĩa vụ dân công những đợt dưới 5 ngày phải mang theo tiêu chuẩn lương thực đã được Nhà nước bán hoặc hợp tác xã phân phối để ăn trong thời gian phục vụ. Trường hợp đặc biệt ở những vùng bị thiên tai mất mùa nặng, nếu không có đủ lương thực ăn thì Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố xét cụ thể từng nơi, từng lúc và khả năng lương thực Nhà nước ở nơi đó mà quyết định bán lương thực cho dân công ăn.

Đối với dân công đi phục vụ những đợt từ 5 ngày trở lên nếu phần lương thực tiêu chuẩn đã đem theo chưa đủ mức ăn, thì được Nhà nước bán thêm theo giá cung cấp phần lương thực chênh lệch cho đủ mức ăn mỗi người một ngày 0kg700.

2. Về thực phẩm, dân công đi phục vụ những đợt ngắn ngày, phải mang theo thực phẩm để ăn trong thời gian làm việc. Dân công đi phục vụ dài ngày (từ 1 tháng trở lên) được Nhà nước bán theo giá cung cấp các loại thực phẩm như rau, cá, thịt, mắm, muối, đường… theo tiêu chuẩn công nhân loại 3 trên các công trường trong vùng dân công làm việc.

Cơ quan lương thực, thương nghiệp nơi dân công đến phục vụ chịu trách nhiệm tổ chức cung cấp lương thực và thực phẩm tại chỗ (trong phạm vi 4 km) cho dân công. Trường hợp xét cần thiết phải sử dụng dân công vào việc vận chuyển lương thực, thực phẩm thì dân công được tính công nghĩa vụ và trợ cấp nếu có.

3. Về cấp thêm phiếu vải, việc định số mét phiếu vải có thể cấp thêm cho những người đi làm nghĩa vụ dân công tập thể, làm việc từ 6 tháng trở lên đến 1 năm và cho dân công ở đồng bằng, trung du đi phục vụ dài ngày ở miền núi, gặp mùa rét, sẽ do Bộ Nội thương căn cứ vào khả năng của Nhà nước bàn bạc cùng Bộ Lao động quy định và hướng dẫn cụ thể từng năm. Liên bộ chỉ nói rõ cách tính thời gian để được cấp phiếu vải như sau:

- Thời gian ấn định “từ 6 tháng trở lên đến 1 năm”, là tính trong phạm vi 1 năm và tính cho dân công làm việc theo ngày, còn dân công làm khoán thì tính ngày công theo khối lượng công việc đạt được. Ví dụ: đội dân công của hợp tác xã A trong năm 1966 được huy động đi phục vụ 3 đợt, mỗi đợt 2 tháng; nhưng do đội có công cụ cải tiến, tinh thần lao động tích cực, nên đợt nào cũng vượt định mức lao động, vì vậy mỗi đợt chỉ làm 1 tháng rưỡi xong nhiệm vụ; như vậy đội dân công hợp tác xã A làm 3 đợt chỉ hết 4 tháng rưỡi (trong đó có cả ngày nghỉ) nhưng đã được cơ quan sử dụng chứng nhận bình quân mỗi người hoàn thành 180 công nghĩa vụ, thì những đội viên trong đội đã làm được từ 180 công trở lên được cấp thêm phiếu vải.

- Dân công ở đồng bằng, trung du đi phục vụ trên miền núi những đợt từ 2 tháng trở lên, gặp mùa rét thì mới được xét cấp thêm phiếu vải để mua áo ấm.

Bộ Nội thương và Tổng cục Lương thực sẽ có văn bản quy định và hướng dẫn cụ thể về việc cung cấp lương thực, thực phẩm và phiếu vải cho dân công.

II. TRỢ CẤP

Theo tinh thần điều 11 của điều lệ, Liên bộ quy định cụ thể như sau;

1. Trường hợp được trợ cấp.

Dân công đi phục vụ những đợt dưới 5 ngày ở gần nhà (sáng đi làm tối về gia đình) nói chung không được trợ cấp. Dân công đi phục vụ những đợt từ 5 ngày trở lên hoặc xa nhà (phải ăn ở tại nơi phục vụ) thì được trợ cấp; trường hợp đi phục vụ ngắn ngày (dưới 5 ngày) ở gần nhà nhưng gặp khó khăn về đời sống, như nơi bị mất mùa nặng hoặc do yêu cầu công tác phải đi phục vụ ngắn ngày nhiều đợt liên tục… thì cũng được Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét để trợ cấp. Dân công đã được xác định trợ cấp, thì trong những ngày đi đường, ngày nghỉ vẫn được trợ cấp.

2. Mức trợ cấp.

a) Dân công làm lao động thường được xác định trợ cấp thì mỗi người mỗi ngày hay mỗi đêm làm việc được trợ cấp 0đ60. Dân công làm vượt định mức lao động thì được trợ cấp thêm 100% số khối lượng công việc do tăng năng suất lao động vượt mức. Ví dụ:

- Vượt 50% định mức thì được trợ cấp thêm:

(0đ60 X 50)

100

=

0đ30

- Vượt 100% định mức thì được trợ cấp thêm:

(0đ60 X 100)

100

=

0đ60

b) Dân công làm theo chế độ công nhật, đã làm đủ giờ quy định (ban ngày 9 giờ, ban đêm 8 giờ; không kể giờ phải ngừng việc do báo động phòng không), nhưng do yêu cầu công tác cần động viên làm thêm, thì những giờ làm thêm cũng được trợ cấp. Ví dụ: dân công làm thêm 3 giờ ban ngày thì được trợ cấp thêm 0đ20; làm thêm 3 giờ ban đêm thì được trợ cấp thêm 0đ225.

Dân công thợ (mộc, nề, xẻ, đá…) được sử dụng đúng nghề  nghiệp và cấp bậc thợ (kể cả dân công thợ sáng đi làm, tối về gia đình và những người thợ được động viên theo chế độ “huy động khẩn cấp”), thì ngoài tiền trợ cấp như dân công thường (nếu có) mỗi ngày làm việc còn được cấp thêm như sau:

- Bậc 1 đến bậc 2, mỗi ngày làm việc được cấp thêm 0đ30,

- Bậc 3 trở lên, mỗi ngày làm việc được cấp thêm 0đ50.

c) Trường hợp đột xuất, cấp bách cần huy động dân công hoặc động viên người có sức lao động đi làm theo chế độ “huy động khẩn cấp” nếu làm việc trọn một buổi thì cơ quan sử dụng hoặc Ủy ban hành chính địa phương, tùy theo tình hình cụ thể (công việc làm vất vả, khó nhọc, đi xa, làm đêm, vùng thường hay bị huy động…) cần có biện pháp bồi dưỡng vật chất thích đáng trong phạm vi khả năng của mình. Trường hợp phải huy động làm việc trọn 1 ngày công trở lên của mỗi người… thì Ủy ban hành chính tỉnh, huyện xét có thể trợ cấp cho những người bị huy động một số tiền, nhiều nhất là bằng tiền trợ cấp cho dân công (0đ60 một người trong một ngày hay một đêm).

[...]