Thông tư liên bộ 12-TT/LB năm 1971 quy định trách nhiệm của công đoàn và y tế các cấp đối với cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước nghỉ chữa bệnh ngoài bệnh viện do Bộ Y tế - Tổng cộng đòan Việt Nam ban hành

Số hiệu 12-TT/LB
Ngày ban hành 03/06/1971
Ngày có hiệu lực 03/06/1971
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Y tế,Tổng Công đoàn Việt Nam
Người ký Nguyễn Văn Bút,Nguyễn Văn Tín
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ-TỔNG CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12-TT/LB

Hà Nội, ngày 03 tháng 06 năm 1971 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ 

QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG ĐOÀN VÀ Y TẾ CÁC CẤP ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC NGHỈ CHỮA BỆNH NGOÀI BỆNH VIỆN

BỘ Y TẾ - TỔNG CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM 

Trong những năm qua, thi hành các chính sách, chế độ bảo vệ và nâng cao sức khỏe cán bộ, công nhân, viên chức của Đảng và Nhà nước, công tác khám bệnh, chữa bệnh bước đầu đã được cải tiến và đã có những tiến bộ trong việc phục vụ, có ảnh hưởng tốt đối với sản xuất, công tác và đời sống của cán bộ, công nhân viên chức.

Tuy nhiên, do những khó khăn về tổ chức, về cán bộ… việc khám bệnh, chữa bệnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của cán bộ, công nhân, viên chức, chưa góp phần đắc lực vào việc khuyến khích và đẩy mạnh phong trào lao động sản xuất đang diễn ra sôi nổi, khẩn trương hiện nay. Đặc biệt, việc chữa bệnh ngoài viện còn nhiều thiếu sót đã ảnh hưởng không tốt tới việc mau chóng phục hồi sức khỏe, quản lý lao động, khuyến khích sản xuất và công tác. Những thiếu sót đó thể hiện như sau:

- Trách nhiệm của bác sĩ, y sĩ, lương y, y tá chưa được quy định rõ ràng, việc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh còn có khâu không hợp lý, nhiều ngành, nhiều cấp cho phép nghỉ ốm không đúng chức năng, quyền hạn trái với điều lệ bảo hiểm xã hội của Nhà nước. Tình hình trên đã dẫn tới việc cho nghỉ ốm rất tùy tiện: người đáng nghỉ chưa được nghỉ, người chưa đáng nghỉ lại được nghỉ, người đáng nghỉ nhiều lại được nghỉ ít, hoặc ngược lại.

- Một số cán bộ, công nhân viên chức chưa tự giác chấp hành đầy đủ chính sách, chế độ khám bệnh và chữa bệnh, sử dụng ngày nghỉ, thực hiện chế độ điều trị, điều dưỡng không nghiêm túc, làm cho sức khỏe hồi phục chậm, ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, đến sản xuất và công tác. Trong công nhân, viên chức, việc giám sát, phát hiện và đấu tranh với những hiện tượng vi phạm chính sách, chế độ như ốm vờ, nghỉ bừa, nghỉ ẩu chưa được tích cực.

Nhiều cơ quan, xí nghiệp chưa thật đề cao trách nhiệm đối với việc chăm lo sức khỏe cán bộ, công nhân, viên chức, chưa cùng với cơ quan y tế ở ngành, ở đơn vị tổ chức hợp lý việc khám bệnh, chữa bệnh, chưa theo dõi và quản lý chặt chẽ việc khám và cho nghỉ ốm của cơ quan y tế cũng như việc sử dụng ngày nghỉ ốm của cán bộ, công nhân, viên chức, chưa sử dụng đúng đắn quyền hạn của mình trong công tác quản lý lao động.

- Công đoàn chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình đối với việc chăm lo và bảo vệ sức khỏe cán bộ, công nhân, viên chức, nên chưa chủ động phối hợp và tích cực tham gia với cơ quan y tế các cấp tổ chức tốt việc khám bệnh, chữa bệnh cho cán bộ, công nhân viên. Mặt khác, công đoàn cũng chưa phát huy đầy đủ chức năng, quyền hạn của mình là cơ quan quản lý sự nghiệp bảo hiểm xã hội để kiểm tra đôn đốc việc khám bệnh, cho nghỉ ốm và thanh toán trợ cấp bảo hiểm xã hội theo đúng chính sách, chế độ.

Để khắc phục những thiếu sót trên, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho cán bộ, công nhân, viên chức được tốt, đảm bảo các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội được thi hành đúng đắn, bảo vệ quyền lợi chính đáng của cán bộ, công nhân, viên chức, góp phần tích cực vào việc quản lý lao động, quản lý tài chính được chặt chẽ, sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động, Tổng Công đoàn Việt Nam và Bộ Y tế ra thông tư quy định trách nhiệm của công đoàn và y tế các cấp đối với cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước nghỉ chữa bệnh ngoài bệnh viện như sau.

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Cán bộ, công nhân, viên chức của Đảng và Nhà nước thuộc diện thi hành chế độ bảo hiểm xã hội khi ốm đau, nếu thấy chưa cần thiết phải chữa bệnh nội trú ở các bệnh viện, bệnh xá, điều dưỡng, thì các cơ quan y tế của Nhà nước chứng nhận cho chữa bệnh ngoài bệnh viện.

Để bảo đảm chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho cán bộ, công nhân, viên chức, từ nay trở đi, chỉ có các bác sĩ, y sĩ, lương y công tác trong các cơ sở y tế Nhà nước và được thủ trưởng đơn vị phân công mới có quyền khám bệnh, cấp đơn điều trị và chứng nhận cho cán bộ, công nhân, viên chức hưởng chế độ nghỉ ốm và bồi dưỡng ốm.

Các cơ quan xí nghiệp, công, nông, lâm trường, bệnh xá, bệnh viện cần lập danh sách và chữ ký của các bác sĩ, y sĩ, lương y nói trên để đăng ký với Sở, Ty y tế và cơ quan quản lý quỹ bảo hiểm xã hội (công đoàn cơ sở và liên hiệp công đoàn địa phương, công đoàn ngành).

2. Các bác sĩ, y sĩ, lương y không được ủy nhiệm khám bệnh cho cán bộ, công nhân, viên chức, các bác sĩ, y sĩ thực tập, sinh viên và học sinh y sĩ, các cán bộ y tế dân lập ở xã, hợp tác xã, các bác sĩ, lương y làm nghề tư, không có quyền cấp đơn thuốc, giấy chứng nhận nghỉ ốm và bồi dưỡng cho cán bộ, công nhân, viên chức. Những giấy chứng nhận đó không có giá trị thanh toán trợ cấp bảo hiểm xã hội, tiền thuốc men và bồi dưỡng.

3. Bác sĩ, y sĩ, lương y chuyên khoa nào thì được cấp đơn thuốc và giấy chứng nhận nghỉ ốm cho những bệnh thuộc chuyên khoa đó.Trường hợp trong cùng một thời gian, cán bộ, công nhân, viên chức được hai, ba chuyên khoa khám và cùng cấp giấy chứng nhận nghỉ ốm, bồi dưỡng thì do y tế đơn vị xét và giải quyết theo nguyên tắc: không cộng tất cả số ngày nghỉ và ngày bồi dưỡng, mà chọn và cho hưởng theo một trong những giấy chứng nhận có số ngày nghỉ và ngày bồi dưỡng dài nhất.

4. Cán bộ, công nhân, viên chức làm việc ở đâu thì khi ốm đau được khám và chữa bệnh ở các phòng khám bệnh và bệnh viện địa phương đó do y tế cơ sở giới thiệu. Trường hợp bệnh viện của địa phương không đủ phương tiện để xác định bệnh và chữa bệnh thì mới giới thiệu lên bệnh viện tuyến trên, bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện địa phương khác.(Nội dung giới thiệu cần ghi đầy đủ đã chẩn đoán bệnh, đã điều trị những gì và đã cho nghỉ việc, bồi dưỡng bao nhiêu ngày). Các trường hợp bệnh nhân tự ý đi khám bệnh khác tuyến điều trị đã quy định (trừ khi cấp cứu) đều không hợp lệ.

5. Từ nay bỏ chế độ chứng nhận cho cán bộ, công nhân, viên chức yếu đau làm việc 1/2 ngày, 6 giờ… Khi cán bộ, công nhân, viên chức tạm thời không đủ sức khỏe đảm nhiệm công tác, thì chứng nhận cho nghỉ hẳn để chữa bệnh, hoặc thu nhận vào bệnh viện, viện điều dưỡng, hoặc đề nghị với cơ quan, đơn vị bố trí công tác thích hợp với sức khỏe hơn.

6. Trường hợp cán bộ, công nhân, viên chức nằm điều trị nội trú ở bệnh viện, viện điều dưỡng, chứng từ thanh toán trợ cấp bảo hiểm xã hội là giấy chứng nhận nghỉ ốm của bệnh viện và giấy ra viện do bác sĩ trưởng khoa các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương và bệnh viện trưởng, bệnh viện phó các bệnh viện tuyến huyện ký.

7. Giấy chứng nhận bồi dưỡng ốm, nghỉ ốm, nghỉ đẻ, nghỉ vì tai nạn lao động do các bác sĩ, y sĩ, lương y cấp theo đúng các quy định trên là chứng từ gốc duy nhất để trả nợ cấp bảo hiểm xã hội. Ngoài những giấy đó ra không trả nợ cấp bảo hiểm xã hội theo bất kỳ chứng từ nào khác. Những giấy cho phép nghỉ ốm và cho bồi dưỡng ốm của các cán bộ phụ trách công tác Đảng, chính quyền và đoàn thể cũng đều không hợp lệ.

Trường hợp cán bộ, công nhân, viên chức bị mất giấy chứng nhận nói trên thì cơ quan khám, chữa bệnh chỉ cấp cho bản sao khi có giấy của nơi công tác chứng nhận là chưa được lĩnh trợ cấp bảo hiểm xã hội trong thời gian bị mất giấy chứng nhận.

8. Những ngày nghỉ việc để chữa bệnh bao gồm cả ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ thường kỳ hàng tuần của đơn vị.

II. TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA BÁC SĨ, Y SĨ, LƯƠNG Y CÁC CẤP TRONG VIỆC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN CHO CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC NGHỈ CHỮA BỆNH NGOÀI VIỆN

1. Trách nhiệm và quyền hạn của bác sĩ, y sĩ, lương y ở các tổ chức y tế cơ sở và tuyến huyện, khu phố.

a) Y tế cơ sở công, nông, lâm trường, xí nghiệp, cơ quan, trường học, cửa hàng… có trách nhiệm tổ chức tốt việc theo dõi, quản lý sức khỏe cho cán bộ, công nhân, viên chức, cần nắm vững tình hình bệnh tật, yếu đau, ốm nghỉ của mỗi cán bộ, công nhân, viên chức, trước hết là của các đồng chí sức khỏe kém, yếu đau nhiều. Mỗi cán bộ, công nhân, viên chức cần có sổ sức khỏe (y bạ) có đóng dấu của cơ quan, đơn vị lập ngay từ khi cán bộ, công nhân, viên chức mới được tuyển dụng vào công tác do y tế đơn vị lưu giữ cẩn thận, coi như tài liệu chính thức trong hồ sơ cá nhân. Cần tổ chức khám bệnh, phát thuốc, tiêm thuốc ngay tại nơi làm việc của cán bộ, công nhân, viên chức. Những nơi không có bệnh viện, bệnh xá, cần tổ chức giường điều trị (giường lưu) để thực hiện việc chăm sóc cho cán bộ, công nhân, viên chức yếu đau tại chỗ, theo dõi bệnh tình cho chu đáo, kể cả các đồng chí được tuyến trên cấp đơn thuốc.

b) Các phòng khám bệnh, các bệnh viện tuyến khu phố, huyện, thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ cho y tế cơ sở làm tốt việc quản lý sức khỏe cho cán bộ, công nhân, viên chức và cần đặc biệt lưu ý tới các cơ sở không có y sĩ, bác sĩ.

c) Trong trường hợp cần cho nghỉ chữa bệnh ngoài bệnh viện, thì các bác sĩ, y sĩ, lương y công tác tại các tổ chức y tế nói trên được chứng nhận cho cán bộ, công nhân, viên chức nghỉ việc từ 1 đến 5 ngày. Sau đó nếu người bệnh chưa khỏi thì cần được khám lại cho chu đáo và xét cần thiết có thể:

- Cho vào điều trị nội trú.

[...]