TỔNG
CỤC THUỶ SẢN
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
09-TT-TĐ-NLND
|
Hà
Nội, ngày 19 tháng 12 năm 1964
|
THÔNG TƯ LIÊN BỘ
VỀ VIỆC CHO VAY ĐỐI VỚI CÁC HỢP TÁC XÃ NUÔI THỦY SẢN NƯỚC LỢ
VÀ NƯỚC MẶN
Nguồn lợi thủy sản lợ mặn miền Bắc
nước ta rất to lớn. Nó có một vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Phát triển mạnh mẽ việc nuôi thủy sản không những chỉ để đáp ứng cho nhu cầu
kinh tế mà còn có ý nghĩa to lớn về mặt chính trị và quốc phòng.
Nghị quyết Trung ương Đảng lần
thứ 5 nới về phát triển nông nghiệp đã đề ra “… Phát triển rộng khắp việc nuôi
thủy sản trong hợp tác xã và ở các cơ sở quốc doanh, tận dụng nguồn nước ngọt,
nước mặn, nước lợ…”
Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ
trên chủ yếu dựa vào khả năng nhân tài vật lực của quần chúng, mặt khác Nhà nước
cần tích cực giúp đỡ nhân dân khắc phục một phần hó khăn về vốn; về kỹ thuật
v.v…
Riêng phần giúp vốn Ngân hàng
Nhà nước và Tổng cục Thủy sản ra thông tư liên Bộ này quy định một số điều cơ bản
về công tác cho vay và thu nợ đối với các hợp tác xã nuôi thủy sản lợ mặn.
I. NHIỆM VỤ
VÀ PHƯƠNG HƯỚNG CHO VAY
Sau khi đã huy động hết mọi khả
năng nhân tài vật lực của hợp tác xã để làm nguồn vốn tự có, Ngân hàng Nhà nước
tích cực cho hợp tác xã nuôi thủy sản lợ mặn vay thêm một phần vốn dài hạn và
ngắn hạn. Vốn vay dài hạn để dùng cho việc xây dựng các đầm nuôi thủy sản và
mua sắm thêm phương tiện cơ bản dùng vào việc khai thác. Vốn vay ngắn hạn để bù
đắp vào phần vốn lưu động cần thiết nhằm giải quyết kịp thời các chi phí nuôi
và chế biến. Vốn cho vay phải thực sự mang lại hiệu quả kinh tế làm tăng cơ sở
vật chất, tăng thêm nguồn lợi thủy sản, tăng thu nhập cho xã viên góp phần củng
cố hợp tác xã về mọi mặt.
Hướng cho vay là phải tập trung
vốn vào những vùng sản xuất trọng điểm, về nuôi thủy sản lợ mặn của từng địa
phương.
II. ĐIỀU KIỆN,
ĐỐI TƯỢNG VÀ THỜI HẠN CHO VAY
A) Đối với hợp tác xã
a) Điều kiện cho vay:
Hợp tác xã nuôi thủy sản lợ mặn
muốn được vay cần phải có các điều kiện sau đây:
1. Phải lập được kế hoạch
sản xuất, kế hoạch thu chi tài vụ; kế hoạch vay vốn và trả nợ Ngân hàng trong
năm, có chia ra từng vụ, Các Kế hoạch đó phải được thông qua đại hội xã viên, Ủy
ban hành chính địa phương và Ty Thủy Sản duyệt y và sau đó gửi đến Ngân hàng một
bản;
2. Phải mở tài khoản tiền
gửi, tài khoản chuyên dùng tại Ngân hàng hoặc tại hợp tác xã tín dụng gần nhất
được Ngân hàng ủy nhiệm, bảo đảm thực hiện những quy định về quản lý tiền mặt
do Ngân hàng đề ra;
3. Sổ sách kế toán phải mở
đầy đủ. Hàng tháng phải lên được bảng cân đối số dư bảo đảm chính xác và gửi
cho ngân hàng;
4. Phải có vốn tự có tham
gia vào các chi phí cơ bản và các chi phí kinh doanh sản xuất. Thực hiện đúng
chính sách phân phối ăn chia đã được quy định;
5. Có ký kết hợp đồng và
thực hiện đúng hợp đồng bán sản phẩm cho Nhà nước.
b) Đối tượng cho vay:
1. Các đối tượng cho vay
dài hạn gồm:
a) Loại có đê cống: Cho vay các
chi phí về xây cống để lấy cá giống, xây kè, đắp đê, xây ao, giống trồng cây
công nghiệp lâu năm;
b) Loại không có đê cống: Cho
vay để mua đá, cọc, dây treo làm vật bám, để mua sắn phương tiện cơ bản như
thuyền trọng tải từ 5 tấn trở xuống và các công cụ đắt tiền lâu hỏng khác.
2. Các đối tượng cho vay
ngắn hạn gồm:
- Các chi phí sửa chữa lớn;
- Các chi phí sản xuất (thức ăn
cho cá v.v…);
- Các chi phí chế biến.
c) Thời hạn cho vay:
1. Dài hạn:
- Xây dựng đê, kè, cống và mua sắm
thuyền tối đa là 5 năm;
- Mua sắm phương tiện cơ bản,
công cụ đắt tiền lâu hỏng khác tối đa là 3 năm.
2. Ngắn hạn:
Thời hạn cho vay ngắn hạn tối đa
không quá 12 tháng.
B) Đối với quốc doanh
Việc cho vay đối với các cơ sở
quốc doanh nuôi thủy sản lợ mặn chuyên nghiệp hay coi như một ngành phụ trong
nông trường quốc doanh đều không áp dụng các điều quy định trong thông tư này.
Ngân hàng chỉ cho vay ngắn hạn thuộc vốn lưu động định mức của các quốc doanh
đó theo thể lệ cho vay ngắn hạn đối với công, nông trường quốc doanh đã ban
hành.
III. MỘT SỐ
BIỆN PHÁP CHO VAY VÀ THU NỢ
a) Cho vay:
1. Trước khi cho vay cán
bộ Ngân hàng và thủy sản phải phối hợp với nhau nghiên cứu kỹ quy hoạch, điều
tra rõ tình hình để tính toán hiệu quả kinh tế của công trình. Phải căn cứ vào
các bảng thiết kế đã được thủy sản phê duyệt để tính toán dự trù chi phí nhằm đảm
bảo kỹ thuật và giá cả hợp lý của công trình. Dựa vào sự kiểm tra tính toán
trên để xét duyệt kế hoạch vay vốn của hợp tác xã và quyết định việc cho vay.
2. Việc cho vay phải kịp
thời để chuẩn bị nguyên vật liệu nhằm đẩy mạnh việc xây dựng công trình đảm bảo
hoàn thành nhanh chóng để đưa vào sản xuất đúng hạn. Quá trình cho vay phải kiểm
tra việc sử dụng vốn đúng mục đích, kiểm tra giá cả và kỹ thuật của công trình
nhằm tiết kiệm vốn và đảm bảo chất lượng của công trình.
3. Quyền phán quyết cho
vay quy định như sau:
- Từ 20.000 đồng trở lên do Ngân
hàng trung ương kết hợp với Tổng cục Thủy sản xét duyệt;
- Từ 20.000 đồng trở xuống do
Chi nhánh Ngân hàng tỉnh cùng với Ty Thủy sản xét duyệt.
Tùy hoàn cảnh từng địa phương,
chi nhánh Ngân hàng tỉnh cùng với Ty Thủy sản bàn bạc giao quyền phán quyết cho
Chi điểm Ngân hàng và Thủy sản huyện xét cho hợp tác xã vay xây dựng những đầm
nuôi cá nhỏ, ít vốn.
b) Thu nợ:
Cách tính toán thu nợ nói chung vẫn
theo nguyên tắc, thể lệ, biện pháp mà Ngân hàng trung ương đã ban hành. Riêng
trong nghề muối thủy sản cần chú ý những điểm như sau:
- Mức thu nợ hàng năm phải chia
ra từng quý, mức định thu từng quý lại chia ra làm nhiều lần cho phù hợp với mức
thu nhập từng lúc. Tập trung thu vào những lúc thu hoạch nhiều.
- Thu một phần hay toàn bộ quỹ
khấu hao cơ bản hàng năm của hợp tác xã, nếu quỹ khấu hao không có đủ thì thu
vào quỹ tích lũy;
- Tài sản cố định, phương tiện
cơ bản nào thuộc đối tượng vay của Ngân hàng sau khi hợp tác xã đem bán đi hoặc
để hư hỏng thì phải tiến hành thu nợ ngay;
- Nợ ngắn hạn phải tùy từng đối
tượng khác nhau mà tiến hành thu cho đúng mức. Nợ chi phí kinh doanh nuôi cá
thu vào lúc thu hoạch cá theo thời vụ, hết vụ thu hoạch coi như thu xong nợ;
- Nợ về chi phí chế biến thu vào
lúc tiêu thụ sản phẩm chế biến v.v…
Nợ về sửa chữa lớn thu bằng tiền
khấu hao sửa chữa lớn nếu khấu hao sửa chữa lớn không đủ trả nợ thì hợp tác xã
phải trích thêm chi phí sản xuất để trả.
IV. TRÁCH NHIỆM
CỦA HAI NGÀNH
Ngành Thủy sản:
- Chỉ đạo hợp tác xã đề ra
phương hướng sản xuất phù hợp với phương hướng phát triển nghề nuôi thủy sản lợ
mặn của Đảng và Nhà nước, giúp hợp tác xã lập quy hoạch và thiết kế thật cụ thể
các công trình nuôi thủy sản lợ mặn, xem xét kỹ càng, thận trọng khi yêu cầu
vay vốn;
- Kiểm tra, đôn đốc hợp tác xã
thi công đê, cống bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và hướng dẫn hợp tác xã tổ chức quản
lý thực hiện các biện pháp tăng sản;
- Đôn đốc các hợp tác xã trích lập
các quỹ chuyên dùng đúng quy định, gửi các loại quỹ vào Ngân hàng, trả nợ cho
Ngân hàng đúng kỳ hạn và ít nhất phải tương ứng với mức tiêu hao của tài sản cố
định;
- Tham gia giúp đỡ hợp tác xã về
mặt quản lý tài vụ được tốt.
Ngành Ngân hàng:
- Giúp đỡ các hợp tác xã nuôi thủy
sản lập kế hoạch vay vốn đúng đắn. Thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn đúng
mục đích, không sử dụng lẫn lộn giữa vốn ngắn hạn với vốn dài hạn, kịp thời
ngăn chặn hiện tượng lãng phí vốn;
- Hướng dẫn hợp tác xã mở các loại
tài khoản tại Ngân hàng và nguyên tắc sử dụng vốn các tài khoản đó, góp phần giải
quyết những khó khăn bước đầu trong việc quản lý sản xuất, tài vụ kinh doanh của
hợp tác xã;
- Đảm bảo cho vay kịp thời thu nợ
đúng kỳ hạn, góp phần tăng nhanh tốc độ chu chuyển vốn, đảm bảo không để mất vốn.
Trên đây sơ bộ nêu ra phương hướng
và một số biện pháp cho vay thu nợ, trách nhiệm của hai ngành Ngân hàng và Thủy
sản đối với các hợp tác xã nuôi thủy sản nước lợ và nước mặn.
Yêu cầu Ủy ban hành chính các cấp,
các Chi nhánh, Chi điếm Ngân hàng, các Ty, các Phòng Thủy sản nghiên cứu kỹ
thông tư này và có biện pháp chỉ đạo thực hiện tốt nhằm góp phần đẩy mạnh phong
trào nuôi thủy sản lợ mặn miền Bắc nước ta ngày càng phát triển rộng rãi và vững
chắc.
TỔNG
CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC THỦY SẢN
Nguyễn Trọng Tính
|
KT.
TỔNG GIÁM DỐC
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC
Vũ Duy Hiệu
|