Thông tư 99/2006/TT-BTC hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm công tác cải cách hành chính nhà nước do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 99/2006/TT-BTC
Ngày ban hành 20/10/2006
Ngày có hiệu lực 23/11/2006
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 99/2006/TT-BTC

Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2006

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ BẢO ĐẢM CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 23/6/2003 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010;
Căn cứ Quyết định số 94/2006/QĐ-TTg ngày 27/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2006-2010;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm công tác cải cách hành chính nhà nước như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng và phạm vi được bảo đảm kinh phí:

Các cơ quan, tổ chức được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí phục vụ công tác cải cách hành chính, gồm có:

- Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ;

- Ban chỉ đạo cải cách hành chính các cấp và các cơ quan chuyên môn, các đơn vị, tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính thuộc các Bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương được giao chủ trì thực hiện các chương trình hành động do Thủ tướng Chính phủ giao.

2. Nguồn kinh phí:

- Kinh phí thực hiện cải cách hành chính thuộc nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan trung ương do ngân sách trung ương bảo đảm.

- Kinh phí thực hiện cải cách hành chính thuộc nhiệm vụ của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do ngân sách địa phương bảo đảm.

- Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách để thực hiện cải cách hành chính nêu trên, các Bộ, cơ quan trung ương và các cơ quan ở địa phương còn được sử dụng kinh phí đã bố trí trong dự toán chi thường xuyên được cấp có thẩm quyền giao và từ các nguồn vay nợ, các nguồn tài trợ hợp pháp khác của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước theo quy định (nếu có) để thực hiện chương trình cải cách hành chính.

II. NỘI DUNG CHI VÀ MỨC CHI:

1. Nội dung chi:

- Chi bảo đảm hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính các cấp.

- Xây dựng chương trình, kế hoạch các hoạt động triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính, chi quản lý và điều hành thực hiện chương trình, dự án cải cách hành chính;

- Nghiên cứu các chuyên đề, đề tài khoa học phục vụ công tác cải cách hành chính;

- Thực hiện các dự án điều tra, khảo sát, thu thập dữ liệu, thông tin;

- Chi lập hệ cơ sở dữ liệu tin học hoá phục vụ cải cách hành chính;

- Thực hiện các dự án nghiên cứu, xây dựng các đề án để làm căn cứ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (gồm công tác soạn thảo, công tác tổ chức giới thiệu nội dung dự thảo, công tác thẩm định, thẩm tra, công tác công bố, phổ biến, tuyên truyền văn bản quy phạm pháp luật);

- Tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, tập huấn nghiệp vụ;

- Tổ chức nghiệm thu, đánh giá kết quả hoạt động các chương trình, dự án cải cách hành chính.

- Chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn và công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ công chức làm công tác cải cách hành chính.

- Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, triển khai thí điểm các sáng kiến, kết quả nghiên cứu vào thực tiễn;

- Chi thuê chuyên gia tư vấn;

- Chi mua các ấn phẩm, sách báo, tạp chí;

- Chi mua văn phòng phẩm, vật tư, trang thiết bị và các chi phí khác phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính các cấp và các cơ quan chuyên môn;

[...]