Thông tư 95/1997/TT-BTC hướng dẫn và giải thích nội dung Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các nước đã ký kết và có hiệu lực thi hành tại Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 95/1997/TT-BTC
Ngày ban hành 29/12/1997
Ngày có hiệu lực 29/12/1997
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Vũ Mộng Giao
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 95/1997/TT-BTC

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 1997

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 95/1997/TT-BTC NGÀY 29 THÁNG 12 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN VÀ GIẢI THÍCH NỘI DUNG CÁC ĐIỀU KHOẢN CỦA HIỆP ĐỊNH TRÁNH ĐÁNH THUẾ HAI LẦN GIỮA VIỆT NAM VÀ CÁC NƯỚC ĐÃ KÝ KẾT VÀ CÓ HIỆU LỰC THI HÀNH TẠI VIỆT NAM

Căn cứ các văn bản pháp luật hiện hành về thuế lợi tức, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao và thuế đối với đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
Căn cứ thẩm quyền của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính giải thích nội dung các điều khoản và hướng dẫn chi tiết việc thực hiện các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các nước đã có hiệu lực thi hành tại Việt Nam như sau:

I. GIẢI THÍCH CÁC TỪ NGỮ

Trong các Hiệp định các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Các từ ngữ chung:

a. Từ "đối tượng":

Từ "đối tượng" được dùng trong Hiệp định để chỉ các cá nhân, các tổ chức pháp nhân và bất kỳ tổ chức nào khác được pháp luật công nhận.

b. Từ "công ty":

Từ "công ty" được dùng trong Hiệp định để chỉ các tổ chức công ty hay các tổ chức mà theo luật thuế tại Việt Nam hay tại nước ký kết Hiệp định với Việt Nam được coi là đối tượng nộp thuế như một tổ chức công ty.

c. Từ "xí nghiệp":

Từ "xí nghiệp" được dùng trong Hiệp định để chỉ một doanh nghiệp do đối tượng cư trú của một Nước ký kết điều hành. Việc một hoạt động kinh doanh được thực hiện trong phạm vi một doanh nghiệp hay hoạt động kinh doanh đó được coi là tạo thành một doanh nghiệp sẽ căn cứ vào quy định cụ thể tại luật trong nước của từng Nước ký kết. Theo luật Việt Nam, doanh nghiệp gồm doanh nghiệp quốc doanh, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, xí nghiệp liên doanh, xí nghiệp 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty liên doanh cho thuê tài chính, công ty cho thuê tài chính 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã, các cơ sở kinh doanh cá thể được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và các doanh nghiệp khác được thành lập và hoạt động theo các luật được ban hành sau này tại Việt Nam.

d. Cụm từ "vận tải quốc tế":

Cụm từ "vận tải quốc tế" được dùng trong Hiệp định để chỉ việc vận chuyển hàng hoá, hành khách của các hãng hàng không, hãng vận tải hàng hải (trong một số Hiệp định kể cả hãng vận tải đường sắt và vận tải đường thuỷ trên đất liền) giữa một địa điểm tại một Nước ký kết và một địa điểm tại Nước ký kết kia.

Ví dụ hãng vận tải Nhật Bản vận chuyển hàng hoá, hành khách giữa cảng Hải Phòng và cảng tại Hồng Kông hay cảng tại Nhật Bản thì hoạt động đó được gọi là vận tải quốc tế. Thuật ngữ không áp dụng trong trường hợp hãng vận tải Nhật Bản vận chuyển hàng hoá, hành khách giữa cảng Hải Phòng và cảng thành phố Hồ Chí Minh (hai cảng đều tại Việt Nam).

e. Cụm từ "Nhà chức trách có thẩm quyền":

Cụm từ "Nhà chức trách có thẩm quyền" được dùng trong Hiệp định, trong trường hợp tại Việt Nam, để chỉ Bộ trưởng Bộ Tài chính và người đại diện được uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính được quy định tại khoản 1 mục II Thông tư số 52 TC/TCT ngày 16 tháng 8 của Bộ tài chính hướng dẫn thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các nước.

g. Cụm từ "đối tượng mang quốc tịch":

Cụm từ "đối tượng mang quốc tịch" được dùng trong Hiệp định:

(i) Trong trường hợp đối với cá nhân, để chỉ người mang quốc tịch Việt Nam hay người mang quốc tịch của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam,

(ii) Trong trường hợp đối với tổ chức, để chỉ các tổ chức được thành lập và có tư cách pháp lý theo các luật tổ chức kinh doanh tại Việt Nam hoặc tại nước ký kết Hiệp định với Việt Nam.

h. Các từ ngữ khác được dùng trong Hiệp định nhưng chưa được định nghĩa cụ thể tại Hiệp định sẽ có nghĩa theo như định nghĩa tại các Luật thuế và các Luật hiện hành của từng Nước ký kết.

2. Đối tượng cư trú:

2.1. Điều 4 - Đối tượng cư trú - của Hiệp định quy định định nghĩa "đối tượng cư trú của một Nước ký kết". Việc xác định một cá nhân hay một tổ chức là đối tượng cư trú của Việt Nam hay của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam có mục đích cụ thể như sau:

a. Điều 1 - Phạm vi áp dụng - của Hiệp định quy định Hiệp định giữa Việt Nam với một nước ký kết sẽ chỉ áp dụng cho các đối tượng là đối tượng cư trú của Việt Nam hay là đối tượng cư trú của Nước ký kết đó. Để áp dụng một Hiệp định đối với một tổ chức, cá nhân phải xác định được tổ chức hay cá nhân đó là đối tượng cư trú của Việt Nam hoặc của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam.

b. Để tránh trường hợp tổ chức hay cá nhân được coi là đối tượng cư trú của cả hai nước và do đó vừa phải nộp thuế tại Việt Nam vừa phải nộp thuế tại Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam, căn cứ vào các tiêu thức quy định tại Điều 4 Hiệp định, một tổ chức hay cá nhân sẽ được quy về là đối tượng cư trú của một nước.

2.2. Định nghĩa "đối tượng cư trú của một Nước ký kết" được dùng trong Hiệp định để chỉ đối tượng mà theo luật của nước đó là đối tượng chịu thuế tại nước đó do:

a. Đối tượng đó có nhà ở, có thời gian cư trú tại nước đó trong trường hợp đối tượng đó là một cá nhân;

[...]