BỘ
TÀI CHÍNH
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
39-TC/TCT
|
Hà
Nội, ngày 26 tháng 6 năm 1997
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 39-TC/TCT NGÀY 26 THÁNG 6 NĂM 1997 HƯỚNG
DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 5-CP NGÀY 20-1-1997 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT
THI HÀNH PHÁP LỆNH THUẾ THU NHẬP ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ THU NHẬP CAO
Căn cứ Pháp lệnh Thuế thu nhập
đối với người có thu nhập cao (sửa đổi) được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông
qua ngày 19 tháng 5 năm 1994;
Căn cứ Pháp lệnh sửa đổi một số Điều của Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người
có thu nhập cao được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 6 tháng 2 năm
1997;
Căn cứ Nghị định số 5-CP ngày 20-1-1995 và Nghị định số 30-CP ngày 5-4-1997
của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người
có thu nhập cao;
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:
I. PHẠM VI ÁP
DỤNG
1. Đối tượng nộp thuế:
Đối tượng nộp thuế thu nhập theo
quy định tại Điều 1 Nghị định số 5-CP ngày 20-1-1995 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có
thu nhập cao (dưới đây gọi tắt là thuế thu nhập) bao gồm:
1.1. Công dân Việt Nam ở trong
nước hoặc đi công tác, lao động ở nước ngoài có thu nhập;
1.2. Cá nhân khác định cư tại Việt
Nam là người không mang quốc tịch Việt Nam nhưng định cư không thời hạn tại Việt
Nam;
1.3. Người nước ngoài làm việc tại
Việt Nam có thu nhập bao gồm:
- Người nước ngoài làm việc tại
Việt Nam trong các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, văn hoá, xã hội... của Việt
Nam hoặc của nước ngoài, các văn phòng đại diện, các chi nhánh công ty nước
ngoài; các cá nhân hành nghề độc lập;
- Người nước ngoài tuy không hiện
diện tại Việt Nam nhưng có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trong các trường hợp
như: thu nhập từ chuyển giao công nghệ, tiền bản quyền.
2. Thu nhập chịu
thuế:
Thu nhập chịu thuế quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 5-CP ngày 20-1-1995 và Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 30-CP ngày 5-4-1997 của Chính phủ bao
gồm thu nhập thường xuyên và thu nhập không thường xuyên.
2.1. Thu nhập thường xuyên gồm:
2.1.1. Các khoản thu nhập dưới
các hình thức tiền lương, tiền công, tiền thù lao; bao gồm cả tiền lương làm
thêm giờ, lương ca 3, lương tháng thứ 13 (nếu có), tiền trợ cấp thay lương nhận
từ quỹ bảo hiểm xã hội; tiền ăn trưa, ăn giữa ca.
2.1.2. Tiền thưởng tháng, quý,
năm, thưởng đột xuất nhân dịp ngày lễ, tết,... từ tất cả các nguồn, dưới các
hình thức;
2.1.3. Thu nhập nhận được do
tham gia hiệp hội kinh doanh, Hội đồng quản trị, Hội đồng quản lý, Hội đồng
doanh nghiệp;
2.1.4. Các khoản thu nhập ổn định
của các cá nhân nêu tại Điều 1 Nghị định số 5-CP ngày
20-1-1995 do tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ các loại không
thuộc đối tượng nộp thuế lợi tức kể cả thu nhập của cá nhân trong mọi lĩnh vực,
ví dụ như thiết kế, kiến trúc, dịch vụ tư vấn theo hợp đồng dài hạn, dạy nghề,
dạy học, luyện thi, biểu diễn văn hoá nghệ thuật...
2.1.5. Các khoản thu nhập do các
tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập chi trả hộ tiền nhà, điện, nước. Riêng tiền
nhà tính theo số thực tế chi trả hộ nhưng không vượt quá 15% số thu nhập về tiền
lương, tiền công, tiền thù lao có tính chất đều đặn hàng tháng. Trường hợp cá
nhân ở cùng trụ sở làm việc thì thu nhập chịu thuế cũng được tính tối đa 15%.
Việc xác định thu nhập chịu thuế trong trường hợp này căn cứ vào tiền thuê nhà
hoặc chi phí khấu hao tính theo tỷ lệ giữa diện tích cá nhân sử dụng và diện
tích của căn nhà.
2.2. Thu nhập không thường xuyên
gồm:
2.2.1. Thu nhập về quà biếu, quà
tặng bằng hiện vật do các tổ chức, cá nhân từ nước ngoài gửi về cho các cá nhân
ở Việt Nam dưới các hình thức: gửi qua các tổ chức chi trả thu nhập như bưu điện,
nhờ người mang hộ về nước. Người nhận quà là các cá nhân người Việt Nam, người
nước ngoài, chủ hoặc người đại diện của doanh nghiệp tư nhân. Trường hợp hiện vật
của bản thân cá nhân mang theo người vào Việt Nam đã kê khai trong tờ khai hải
quan khi làm thủ tục nhập cảnh thì không thuộc thu nhập chịu thuế về quà biếu,
quà tặng.
2.2.2. Thu nhập về chuyển giao
công nghệ theo từng hợp đồng, bao gồm:
- Chuyển giao quyền sở hữu hoặc
quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp như sáng chế, kiểu dáng công
nghiệp, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu hàng hoá; nhãn hiệu thương mại...
- Chuyển giao thông qua việc mua
bán, cung cấp (có hoặc không kèm theo thiết bị); bí quyết kỹ thuật, phương án
công nghệ, quy trình công nghệ, thiết kế hoặc mẫu thiết kế, công thức, bản vẽ,
sơ đồ, bảng, biểu, thông số kỹ thuật hoặc kiến thức kỹ thuật chuyên môn khác.
- Thực hiện các dịch vụ hỗ trợ
và tư vấn sau:
+ Nghiên cứu, phân tích, đánh
giá cơ hội, nghiên cứu tiền khả thi và khả thi các dự án đầu tư và đổi mới công
nghệ;
+ Hỗ trợ kỹ thuật, lựa chọn công
nghệ, hướng dẫn lắp đặt thiết bị, vận hành thử các dây chuyền công nghệ;
+ Tư vấn về quản lý công nghệ, tổ
chức và vận hành các quá trình công nghệ và sản xuất;
+ Đào tạo, huấn luyện, nâng cao
trình độ chuyên môn kỹ thuật và quản lý của các cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật
và công nhân (không bao gồm các hình thức đào tạo chuyên ngành);
+ Thực hiện dịch vụ về thu thập,
xử lý và cung cấp thông tin về thị trường, công nghệ, pháp lý, tài nguyên và
môi trường.
- Chuyển giao việc sử dụng hoặc
quyền sử dụng các thiết bị công nghiệp, thương nghiệp hoặc khoa học (không bao
gồm hoạt động thuần tuý nhập máy móc, thiết bị, vật tư...).
- Trường hợp quà biếu, quà tặng
là chuyển giao công nghệ quyền sở hữu công nghiệp như quy định tại điểm 2.2.2.
này thì cá nhân nhận được thu nhập quà biếu, quà tặng đó không phải nộp thuế
thu nhập không thường xuyên.
2.2.3. Thu nhập về tiền bản quyền
các tác phẩm văn học, nghệ thuật.
2.2.4. Thu nhập về thiết kế kỹ
thuật xây dựng, thiết kế kỹ thuật công nghiệp và dịch vụ khác: dịch vụ tư vấn,
dịch vụ đào tạo, dịch vụ môi giới, thu nhập từ thưởng khuyến mại hoặc hoa hồng
môi giới...
2.2.5. Thu nhập từ các hoạt động
khoa học như: hội thảo, đề tài nghiên cứu khoa học các cấp.
2.2.6. Trúng thưởng xổ số do Nhà
nước phát hành và các hình thức xổ số khuyến mại.
3. Tạm thời chưa thu thuế thu nhập
đối với các khoản thu nhập về lãi tiền gửi ngân hàng, lãi tiền gửi tiết kiệm,
lãi mua tín phiếu, trái phiếu, kỳ phiếu, cổ phiếu theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 5-CP.
4. Các khoản thu nhập không thuộc
diện chịu thuế thu nhập quy định tại Điều 4 Nghị định số 5-CP
bao gồm:
4.1. Các khoản thu nhập dưới đây
do Nhà nước Việt Nam quy định đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam; mức chi
bằng tiền được xác định theo quy định của cấp có thẩm quyền và phù hợp với chế
độ quản lý tài chính hiện hành. Đối với người nước ngoài số phụ cấp được xác định
trên cơ sở tiền lương cơ bản theo hợp đồng và hệ số phụ cấp do Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội quy định chung cho mọi đối tượng.
- Phụ cấp làm đêm (không bao gồm
lương ca 3);
- Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối
với những nghề hoặc công việc ở những nơi có điều kiện độc hại, nguy hiểm như:
hầm lò; giàn khoan ngoài biển; treo người trên cao; tiếp xúc trực tiếp với chất
độc, khí độc, bụi độc; làm việc ở nơi có phóng xạ, tia bức xạ trên mức cho
phép;
- Phụ cấp khu vực, phụ cấp thu
hút, phụ cấp đặc biệt đối với những nơi xa xôi hẻo lánh, khí hậu xấu, vùng kinh
tế mới, đảo xa đất liền, vùng biên giới có điều kiện khó khăn, không bao gồm phụ
cấp xa Tổ quốc của người nước ngoài;
- Phụ cấp thâm niên đối với lực
lượng vũ trang: Quân đội nhân dân Việt Nam, quân nhân chuyên nghiệp, lực lượng
an ninh, lực lượng cảnh sát nhân dân;
- Phụ cấp đặc thù của một số
ngành nghề: pháp y, mổ;
- Các khoản phụ cấp của công chức
Nhà nước và các khoản phụ cấp khác có nguồn chi từ ngân sách Nhà nước, phụ cấp
ưu đãi đối với cán bộ hoạt động cách mạng trước năm 1945;
- Tiền công tác phí trong các lần
đi công tác: tiền trả cho phương tiện đi lại, tiền thuê phòng ngủ, tiền lưu
trú. Trường hợp khoán công tác phí thì cũng chỉ được trừ những chi phí trên;
- Tiền ăn định lượng của một số
công việc, một số nghề đặc biệt, bữa ăn tại chỗ (trừ trường hợp nhận bằng tiền);
- Các khoản trợ cấp xã hội của
các đối tượng hưởng chính sách xã hội như: thương binh, bệnh binh, gia đình liệt
sỹ, người có công giúp đỡ cách mạng; trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp giải
quyết các tệ nạn xã hội;
- Trợ cấp thôi việc được chi từ
quỹ bảo hiểm xã hội;
- Trợ cấp điều động về cơ sở sản
xuất theo quy định của Nhà nước bao gồm cả trợ cấp chuyển vùng một lần của người
nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam;
- Tiền bồi thường bảo hiểm do
tham gia bảo hiểm con người và tài sản;
- Tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật,
sáng chế phát minh, các giải thưởng quốc tế, các giải thưởng quốc gia do Nhà nước
Việt Nam tổ chức, công nhận (trừ tiền thưởng do các tổ chức, cá nhân khác tài
trợ);
- Tiền thưởng kèm theo các danh
hiệu do Nhà nước phong tặng như: Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ
trang Nhân dân, Anh hùng Lao động, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú,
Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú...
4.2. Lợi tức của chủ hộ kinh
doanh cá thể đã thuộc diện chịu thuế lợi tức theo Luật Thuế lợi tức (thu nhập của
họ không được tính vào chi phí khi xác định lợi tức chịu thuế).
4.3. Thu nhập thường xuyên của
người nước ngoài ở tại Việt Nam dưới 30 ngày trong phạm vi 12 tháng liên tục.
II. CĂN CỨ
TÍNH THUẾ
CĂN
CỨ TÍNH THUẾ THU NHẬP LÀ THU NHẬP CHỊU THUẾ VÀ THUẾ SUẤT
1. Đối với thu nhập thường
xuyên:
1.1. Thu nhập thường xuyên chịu
thuế là tổng thu nhập của từng cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều
2 Nghị định số 5-CP tính bình quân tháng trong năm, cụ thể:
1.1.1. Công dân Việt Nam ở trong
nước hoặc đi công tác, lao động ở nước ngoài, cá nhân khác định cư tại Việt
Nam: lấy tổng thu nhập thu được trong năm kể cả thu nhập ở nước ngoài chia cho
12 tháng (theo năm dương lịch).
1.1.2. Người nước ngoài cư trú tại
Việt Nam từ 183 ngày trở lên lấy tổng số thu nhập phát sinh trong năm, bao gồm
thu nhập phát sinh tại Việt Nam và thu nhập phát sinh ngoài Việt Nam chia cho
12 tháng. Trường hợp kê khai thu nhập bình quân tháng ở nước ngoài thấp hơn thu
nhập bình quân tháng ở Việt Nam mà không chứng minh được thì lấy thu nhập bình
quân tháng trong thời gian ở tại Việt Nam để làm căn cứ tính thuế cho thời gian
ở nước ngoài.
1.1.3. Người nước ngoài ở Việt
Nam từ 30 ngày đến 182 ngày thì thu nhập chịu thuế là tổng thu nhập phát sinh tại
Việt Nam trong khoảng thời gian đó.
1.2. Thuế suất đối với thu nhập
thường xuyên áp dụng theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Pháp lệnh
Thuế thu nhập và Khoản 3 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi một số Điều
của Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, khoản
2, 3, 4 Điều 7 Nghị định số 5-CP và Khoản 2 Điều 1 Nghị định
số 30-CP.
2. Đối với thu nhập không thường
xuyên:
2.1. Thu nhập không thường xuyên
chịu thuế là số thu nhập của từng cá nhân trong từng lần phát sinh thu nhập
theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 30-CP ngày
5-4-1997, cụ thể:
Thu nhập về quà biếu, quà tặng từ
nước ngoài chuyển về được tính trên trị giá quà biếu, quà tặng từng lần.
Thu nhập về chuyển giao công nghệ,
thiết kế kỹ thuật xây dựng, thiết kế kỹ thuật công nghiệp tính theo giá trị quyết
toán từng hợp đồng, không phân biệt số lần chi trả.
2.2. Thuế suất đối với thu nhập
không thường xuyên áp dụng theo quy định tại Điều 12 Pháp lệnh
Thuế thu nhập, Điều 9 Nghị định số 5-CP.
III. TỔ CHỨC
KÊ KHAI THU NỘP THUẾ
1. Tổ chức quản lý thu:
Điều 11 Nghị định
số 5-CP quy định: Thuế thu nhập thực hiện theo nguyên tắc khấu trừ tại nguồn.
Tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập hoặc cơ quan quản lý lao động (gọi là tổ chức
uỷ nhiệm thu) có nghĩa vụ khấu trừ tiền thuế thu nhập tại nguồn để nộp vào ngân
sách Nhà nước trước khi chi trả thu nhập cho cá nhân.
Các trường hợp khác do cơ quan
thuế trực tiếp tổ chức thu.
Tổ chức uỷ nhiệm thu bao gồm:
- Các tổ chức, cá nhân chi trả
tiền lương, tiền công, tiền thưởng, tiền thù lao và các khoản có tính chất tiền
lương, tiền công;
- Các cơ quan quản lý, tuyển chọn,
môi giới hoặc cung cấp lao động ở trong nước;
- Các cơ quan quản lý, tuyển chọn
đưa người đi làm việc tại nước ngoài: các Bộ, các ngành, các doanh nghiệp...
- Cơ quan ngoại giao, các tổ chức
đại diện của cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài;
- Các tổ chức kiểm hoá, chi trả
quà biếu, quà tặng từ nước ngoài chuyển về như: hải quan cửa khẩu, bưu điện,
các tổ chức, cá nhân làm dịch vụ chuyển quà biếu, quà tặng bằng hiện vật;
- Các cá nhân mang hộ quà biếu
theo người về Việt Nam;
- Các tổ chức, cá nhân trả tiền
về nhận chuyển giao công nghệ hoặc mua bản quyền;
- Các tổ chức chi trả trúng thưởng
xổ số;
- Các tổ chức, cá nhân chi trả về
cung cấp dịch vụ và tư vấn;
- Các nhà thầu.
Trường hợp cơ quan quản lý không
trực tiếp chi trả thu nhập, nhưng do chức năng, nhiệm vụ có thực hiện việc quản
lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức có cá nhân thuộc đối tượng nộp
thuế, nếu đảm bảo việc thu thuế thu nhập tập trung kịp thời và được cơ quan thuế
chấp nhận thì cũng được coi như là tổ chức uỷ nhiệm thu,
Tổ chức uỷ nhiệm thu được hưởng
khoản tiền thù lao tính trên số thuế thu nhập thu được để dùng vào các mục đích
trang trải các chi phí cho thu nộp thuế và khen thưởng cho cá nhân có thành
tích trong việc tổ chức thu nộp. Tỷ lệ tiền thù lao được quy định như sau:
- 0,5% (năm phần ngàn) đối với số
thuế thu được từ thu nhập thường xuyên.
- 1% (một phần trăm) đối với số
thuế thu được từ khoản thu nhập không thường xuyên và số thuế thu nhập thu qua
các nhà thầu nước ngoài.
2. Đăng ký - kê khai về thuế:
2.1. Cá nhân có thu nhập chịu
thuế (bao gồm thu nhập thường xuyên và thu nhập không thường xuyên) có trách
nhiệm chủ động đăng ký, khai báo về thu nhập với tổ chức uỷ nhiệm thu hoặc cơ
quan thuế tại địa phương nơi làm việc.
2.2. Tổ chức uỷ nhiệm thu phải
chủ động đăng ký với cơ quan thuế tại địa phương nơi đăng ký nộp thuế môn bài
(trường hợp tổ chức uỷ nhiệm thu không phải nộp thuế môn bài thì đăng ký với cơ
quan thuế địa phương nơi đóng trụ sở) việc thu thuế thu nhập tại đơn vị mình.
2.3. Các cá nhân có thu nhập chịu
thuế chưa được khấu trừ tiền thuế tại nguồn có trách nhiệm đăng ký với cơ quan
thuế địa phương nơi làm việc để nhận tờ khai đăng ký thuế, tờ khai thuế thu nhập
cá nhân.
3. Nộp thuế - quyết toán thuế:
3.1. Đối với thu nhập thường
xuyên:
3.1.1. Nộp thuế.
Thuế thu nhập được tính cho cả
năm và tạm nộp theo thu nhập thực tế hàng tháng.
Căn cứ vào thực tế chi trả thu
nhập hàng tháng, tổ chức uỷ nhiệm thu thực hiện việc khấu trừ tiền thuế và lập
bảng tổng hợp kê khai về số người, thu nhập thực tế và số thuế phải nộp cho từng
người, tổng số tiền thuế phải nộp để nộp vào ngân sách Nhà nước sau khi giữ lại
tiền thù lao được hưởng theo điểm 1 Mục III Thông tư này. Thời hạn nộp mỗi
tháng 1 lần không quá ngày 15 của tháng sau.
Người nước ngoài vào Việt Nam nếu
thời hạn cư trú tại Việt Nam đã được xác định trước thì dưới 30 ngày không phải
nộp; từ 30 ngày đến dưới 183 ngày nộp trên tổng thu nhập; từ 183 ngày trở lên,
hàng tháng tạm nộp theo thu nhập thực tế và thuế suất luỹ tiến từng phần quy định
tại Khoản 2 Điều 10 Pháp lệnh Thuế thu nhập; nếu chưa xác định
trước được thời hạn cư trú thì tạm nộp theo thuế suất 10%, hết năm quyết toán
chính thức số phải nộp.
Các cá nhân nộp thuế trực tiếp tại
cơ quan thuế không qua các tổ chức uỷ nhiệm thu, thì hàng tháng đến cơ quan thuế
nơi đã đăng ký để nộp tờ khai, nhận thông báo thuế và trực tiếp nộp thuế tại cơ
quan thuế.
3.1.2. Quyết toán thuế:
3.1.2.1. Nguyên tắc quyết toán
thuế
Thuế thu nhập đối với thu nhập
thường xuyên quyết toán theo từng năm dương lịch, cuối năm hoặc sau khi hết hạn
hợp đồng trong năm, cá nhân thực hiện kê khai quyết toán thuế thu nhập theo quy
định như sau:
- Tổng hợp tất cả các nguồn thu
nhập trong năm, tính số thuế phải nộp trên tờ khai quyết toán thuế và nộp tờ
khai cho tổ chức uỷ nhiệm thu hoặc nộp cho cơ quan thuế (với trường hợp cá nhân
trực tiếp nộp thuế tại cơ quan thuế). Thời hạn nộp tờ khai không quá ngày 30
tháng 1 năm sau hoặc không quá 20 ngày sau khi kết thúc hợp đồng. Tổ chức uỷ
nhiệm thu hoặc cơ quan thuế kiểm tra, tính số thuế phải nộp trên tờ khai cá
nhân, đối chiếu với số đã nộp để xác định số thuế thiếu phải nộp thêm hoặc số
thuế nộp thừa được hoàn lại và lập bảng tổng hợp quyết toán thuế. Tổ chức uỷ
nhiệm thu hoặc cá nhân trực tiếp nộp thuế thực hiện quyết toán thuế với cơ quan
thuế chậm nhất không quá ngày 28 tháng 2 năm sau hoặc 30 ngày kể từ khi hết hạn
hợp đồng.
- Trường hợp cá nhân trong thời
gian khác nhau của năm mà làm việc ở nhiều nơi thì thuế thu nhập hàng tháng được
khấu trừ tại nguồn, hết năm phải kê khai, quyết toán tại nơi làm việc cuối cùng
của năm.
- Trường hợp cá nhân trong cùng
thời gian của năm đồng thời làm việc và có thu nhập từ nhiều nơi thì phải tổng
hợp, kê khai quyết toán thuế thu nhập tại nơi có thu nhập cao nhất hoặc thuận lợi
nhất.
- Trường hợp cá nhân trong năm
có thu nhập do tham gia các hiệp hội kinh doanh, Hội đồng Quản trị hoặc có thu
nhập thường xuyên khác ngoài thu nhập nơi làm việc chính thì phải tổng hợp kê
khai thu nhập của mình cùng với thu nhập tại nơi làm việc chính để nộp thuế,
thanh quyết toán số thuế thu nhập theo chế độ.
3.1.2.2. Quyết toán thuế đối với
người Việt Nam, cá nhân khác định cư tại Việt Nam.
- Trường hợp trong năm tính thuế
chỉ làm việc ở trong nước: cá nhân tổng hợp kê khai toàn bộ thu nhập thường
xuyên trong năm dương lịch chia cho 12 tháng để tính thu nhập chịu thuế bình
quân tháng, nếu có một số tháng không có thu nhập thì cũng phải kê khai để tính
bình quân. Căn cứ thu nhập chịu thuế bình quân tháng và Biểu thuế quy định tại Khoản 3 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi một số Điều của Pháp lệnh Thuế
thu nhập, tính số thuế phải nộp cả năm, đối chiếu với số đã nộp hàng tháng,
xác dịnh số thuế còn thiếu phải nộp thêm (hoặc số nộp thừa cần hoàn lại).
- Trường hợp trong năm có một số
thời gian được cử đi học tập, công tác ngắn hạn ở nước ngoài chỉ được đài thọ
tiền công tác phí hoặc được đài thọ về đi, lại, ăn, ở trong thời gian đi công
tác thì các khoản này không phải kê khai để tính thu nhập chịu thuế.
- Trường hợp trong năm vừa làm
việc ở trong nước, vừa làm việc ở nước ngoài có thu nhập phát sinh ở Việt Nam
và ngoài Việt Nam: thu nhập chịu thuế cũng được tính bình quân tháng trên cơ sở
tổng thu nhập cả năm chia cho 12 tháng và xác định số thuế phải nộp theo biểu
thuế tương ứng, cụ thể là:
+ Trong thời gian ở Việt Nam,
thu nhập chịu thuế bình quân tháng được tính theo Biểu thuế quy định tại Khoản 3 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi một số Điều của Pháp lệnh Thuế
thu nhập đối với người có thu nhập cao. + Trong thời gian ở nước ngoài, thu
nhập chịu thuế bình quân tháng được tính theo Biểu thuế quy định tại Khoản 2 Điều 10 Pháp lệnh Thuế thu nhập.
- Trường hợp trong năm tính thuế
chỉ công tác, lao động ở nước ngoài: cá nhân tổng hợp, kê khai tổng số thu nhập
cả năm chia cho 12 tháng để tính thu nhập chịu thuế bình quân tháng và xác định
số thuế phải nộp theo Biểu thuế quy định tại Khoản 2 Điều 10
Pháp lệnh Thuế thu nhập. Trường hợp đã nộp thuế thu nhập ở nước ngoài và có
chứng từ nộp thuế tại các nước đó thì được trừ số thuế đã nộp nhưng không vượt
quá số thuế phải nộp theo Biểu thuế của Việt Nam, nếu ở các nước đã ký Hiệp định
tránh đánh thuế 2 lần với Việt Nam thì thực hiện theo nội dung của Hiệp định.
Tổ chức uỷ nhiệm thu hoặc cơ
quan thuế kiểm tra tờ khai, tính số thuế phải nộp theo quy định trên, đối chiếu
với chứng từ nộp thuế ở nước ngoài để thu tiếp phần chênh lệch (nếu có).
3.1.2.3. Quyết toán thuế đối với
người nước ngoài.
Thuế thu nhập đối với thu nhập
thường xuyên của người nước ngoài được kê khai quyết toán theo tiêu thức cư
trú. Các cá nhân có trách nhiệm kê khai chính xác số ngày có mặt tại Việt Nam,
thu nhập chịu thuế để tính thời gian cư trú và tính thuế thu nhập phải nộp tại
Việt Nam. Thời gian cư trú cho năm tính thuế đầu tiên được xác định bằng cách cộng
tất cả số ngày có mặt tại Việt Nam trong phạm vi 12 tháng liên tục kể từ ngày đến
Việt Nam; sau năm tính thuế đầu tiên được xác định theo năm dương lịch ngày đến
ngày đi được tính là một ngày. Trường hợp năm trước đã xác định là người cư
trú, thì thời gian kế tiếp của năm sau cũng được xác định là cư trú.
- Người nước ngoài cư trú tại Việt
Nam từ 30 ngày đến 182 ngày trong năm tính thuế: kê khai tổng số thu nhập phát
sinh tại Việt Nam và quyết toán số thuế phải nộp theo thuế suất thống nhất là
10%. Trường hợp do tính chất công việc mà thường xuyên ra vào công tác tại Việt
Nam trong khoảng thời gian từ hai năm trở lên nếu tổng số ngày có mặt tại Việt
Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế, thì biểu thuế được tính như của đối tượng
cư trú và tính số thuế phải nộp theo số tháng ở Việt Nam. Tháng được tính là 30
ngày.
- Người nước ngoài cư trú tại Việt
Nam từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế: kê khai tổng số thu nhập phát sinh
tại Việt Nam và thu nhập phát sinh ngoài Việt Nam trong năm tính thuế chia cho
12 tháng để tính thu nhập bình quân tháng và quyết toán số thuế phải nộp theo
quy định tại Khoản 2 Điều 10 Pháp lệnh Thuế thu nhập. Trường
hợp kê khai thu nhập bình quân tháng ở nước ngoài thấp hơn thu nhập bình quân tháng
ở Việt Nam mà không chứng minh được, thì lấy thu nhập bình quân tháng ở Việt
Nam để làm căn cứ tính số thuế phải nộp cho thời gian ở nước ngoài. Trường hợp
trong năm tính thuế xác định được thời điểm rời hẳn Việt Nam mà không quay trở
lại thì việc quyết toán thuế được tính cho thu nhập chịu thuế tính đến tháng rời
Việt Nam.
Trường hợp quyết toán thuế cho
năm tính thuế thứ 2 (sau năm đầu tiên) mà có một số thời gian đã được xác định
vào thời gian tính thuế của năm đầu tiên theo thuế suất thống nhất 10% thì năm
tính thuế thứ 2, số thuế tính cho thời gian này vẫn được áp dụng thuế suất 10%
nhưng thời gian cư trú được cộng trong tổng số ngày có mặt để tính cư trú cho
năm dương lịch thứ 2 (từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 31 tháng 12).
3.1.2.4. Thanh quyết toán thuế.
- Tổ chức uỷ nhiệm thu quyết
toán với cơ quan thuế số thuế phải thu, đã thu của từng cá nhân; số thuế phải nộp,
đã nộp ngân sách của đơn vị theo quy định tại điểm 3.1.2.1. Mục III trên đây có
trách nhiệm thanh toán với ngân sách Nhà nước và cá nhân người nộp thuế trong
thời hạn 15 ngày kể từ ngày quyết toán thuế. Nếu số thuế của cá nhân phải nộp lớn
hơn số thuế đã nộp hàng tháng thì tổ chức uỷ nhiệm thu phải khấu trừ, thu tiếp
của cá nhân số còn thiếu và nộp vào ngân sách nhà nước chậm nhất không quá 15
ngày kể từ ngày quyết toán. Trường hợp số thuế đã nộp hàng tháng lớn hơn số phải
nộp cả năm thì được hoàn lại bằng cách trừ vào số thuế phải nộp của kỳ sau
nhưng phải được cơ quan thuế kiểm tra, xác nhận.
- Đối với các cá nhân trực tiếp
nộp thuế tại Cục Thuế khi thanh quyết toán thuế, phải nộp số thuế còn thiếu
trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan thuế, trường
hợp nộp thừa so với số thuế phải nộp thì được hoàn lại bằng cách trừ vào số phải
nộp của kỳ sau, nếu không có tiền thuế phải nộp của kỳ sau thì được cơ quan thuế
thoái trả từ số tiền thuế thu nhập đã thu.
3.2. Đối với thu nhập không thường
xuyên.
Thuế thu nhập đối với thu nhập
không thường xuyên nộp cho từng lần phát sinh thu nhập. Tổ chức uỷ nhiệm thu cấp
tờ khai cho người có thu nhập để kê khai thu nhập chịu thuế và thực hiện tính
thuế, khấu trừ tiền thuế trước khi chi trả thu nhập. Việc quyết toán thuế giữa
người nộp thuế và tổ chức uỷ nhiệm thu được thực hiện ngay trên tờ khai. Trường
hợp cá nhân có thu nhập không thường xuyên chưa khấu trừ tiền thuế tại nguồn
thì nhận tờ khai kê khai, nộp thuế tại cơ quan thuế địa phương nơi làm việc
chính. Việc quyết toán thuế giữa người nộp thuế và cơ quan thuế thực hiện ngay
trên tờ khai cá nhân.
- Hàng tháng, tổ chức uỷ nhiệm
thu phải lập bảng kê về số người, số thu nhập, số tiền thuế đã khấu trừ, số tiền
thù lao được hưởng, số tiền thuế phải chuyển nộp ngân sách nhà nước, thanh toán
số tiền thuế thừa, thiếu. Tổ chức uỷ nhiệm thu nộp số thuế còn thiếu vào ngân
sách nhà nước trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày quyết toán; trường hợp nộp thừa
được thoái trả bằng cách trừ vào số phải nộp ngân sách nhà nước của kỳ sau.
- Đối với các khoản thu nhập bằng
hiện vật thì tổ chức uỷ nhiệm phải thu đủ tiền thuế thu nhập trước khi chi trả
thu nhập.
- Các khoản thu nhập mà người nhận
thu nhập không có sự hiện diện như tiền chuyển giao công nghệ, tiền bản quyền...
thì tổ chức uỷ nhiệm thu phải kê khai thay cho người có thu nhập, thực hiện khấu
trừ tiền thuế để nộp ngân sách nhà nước trước khi chi trả thu nhập và thông báo
cho người chịu thuế biết.
- Người chuyển hộ quà biếu, quà
tặng bằng hiện vật từ nước ngoài chuyển về phải kê khai và nộp thuế thay cho
người nhận quà biếu, quà tặng.
- Các trường hợp có thu nhập về thiết
kế kỹ thuật công nghiệp, thiết kế kỹ thuật xây dựng... tiền thuế khấu trừ theo
số tiền được nhận từng lần và kê khai, quyết toán tiền thuế theo giá trị quyết
toán hợp đồng.
IV. TRÁCH NHIỆM
CỦA CÁC TỔ CHỨC,CÁ NHÂN TRONG VIỆC THU NỘP THUẾ THU NHẬP
1. Trách nhiệm của cá nhân có
thu nhập chịu thuế:
Cá nhân có thu nhập chịu thuế phải
tự giác đăng ký, kê khai thu nhập chịu thuế, nộp thuế thu nhập qua các tổ chức
uỷ nhiệm thu hoặc trực tiếp kê khai nộp thuế tại cơ quan Thuế theo hướng dẫn tại
Mục III.2, Mục III.3 Thông tư này. Cá nhân nộp thuế chịu trách nhiệm trước pháp
luật về tính chính xác, trung thực của các số liệu đã kê khai.
Trường hợp không đăng ký, kê
khai hoặc kê khai không trung thực, không nộp thuế hoặc chậm nộp tiền thuế thì
sẽ bị xử lý như quy định Điều 21 của Pháp lệnh Thuế thu nhập.
Nếu cá nhân trốn thuế với số lượng lớn hoặc đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm
hoặc trốn thuế với số lượng lớn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định
của pháp luật. Đối với người nước ngoài, có thể bị hoãn cấp thị thực xuất cảnh
hoặc tạm hoãn xuất cảnh nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thu nhập tại Việt
Nam theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh Xuất cảnh, nhập
cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam.
2. Trách nhiệm của tổ chức uỷ
nhiệm thu; tổ chức đón tiếp, quản lý người nước ngoài:
Tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập
cho cá nhân (tổ chức uỷ nhiệm thu thuế thu nhập) có trách nhiệm và nghĩa vụ:
- Chủ động khai báo, đăng ký kê
khai với cơ quan thuế địa phương việc thu thuế thu nhập của cá nhân theo phương
thức khấu trừ tại đơn vị mình; hướng dẫn cho người có thu nhập chịu thuế thực
hiện thủ tục khai báo, lập tờ khai về thuế thu nhập.
- Hàng tháng, căn cứ vào danh
sách cá nhân thuộc diện nộp thuế thu nhập và số thực tế chi trả thu nhập cho cá
nhân thực hiện việc khấu trừ tiền thuế thu nhập và nộp tiền thuế vào ngân sách
nhà nước.
- Nhận tờ khai, kiểm tra đối chiếu
giữa thu nhập cá nhân đã kê khai với thu nhập phải chi trả, đã chi trả cho cá
nhân để tính thuế, xác nhận tờ khai của người nộp thuế, lập bảng tổng hợp kê
khai nộp thuế thu nhập gửi cho cơ quan thuế.
- Giữ sổ sách chứng từ liên quan
đến việc tổ chức thu thuế thu nhập: thu nhập chịu thuế, tính thuế, khấu trừ tiền
thuế, khai báo thuế, kê khai thu nộp, bảo quản biên lai thuế, tính toán số tiền
thù lao được hưởng và nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
- Cấp biên lai thu thuế thu nhập
cho người nộp thuế.
- Thực hiện chế độ báo cáo;
thanh quyết toán tiền thuế, tiền thù lao được hưởng với cơ quan thuế và xuất
trình đầy đủ các tài liệu liên quan đến thuế thu nhập khi cơ quan thuế yêu cầu.
Các tổ chức đón tiếp người nước
ngoài, quản lý người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có trách nhiệm hướng
dẫn cho người nước ngoài hoàn tất các thủ tục nộp thuế thu nhập trước khi làm
thủ tục xuất cảnh.
3. Trách nhiệm của cơ quan thuế:
- Phối hợp với các cơ quan quản
lý nhà nước và các cơ quan hữu quan để kiểm tra và yêu cầu các tổ chức, cá nhân
chi trả thu nhập (tổ chức uỷ nhiệm thu) đóng trên địa bàn thực hiện việc đăng
ký, kê khai thuế thu nhập theo phương thức khấu trừ.
- Hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức
uỷ nhiệm thu thực hiện chế độ đăng ký, tổng hợp kê khai, tính thuế, khấu trừ tiền
thuế, nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
- Thực hiện việc thông báo thuế,
thanh quyết toán tiền thuế, tiền thù lao được hưởng với các tổ chức uỷ nhiệm
thu.
- Tổ chức việc thu thuế thu nhập
đối với các trường hợp cá nhân trực tiếp đăng ký nộp thuế tại cơ quan thuế, cấp
biên lai, ấn chỉ thuế thu nhập cho các đối tượng nộp thuế và các tổ chức uỷ nhiệm
thu.
- Thực hiện các biện pháp cưỡng
chế, truy thu tiền thuế, tiền phạt đối với các hành vi vi phạm Pháp lệnh Thuế
thu nhập, quyết định trích thưởng cho người có công phát hiện các vi phạm, giúp
cơ quan thuế truy thu tiền thuế.
- Thực hiện chế độ báo cáo định
kỳ với cơ quan thuế cấp trên.
V. GIẢM THUẾ,
MIỄN THUẾ
1. Đối với trường hợp giảm thuế,
miễn thuế quy định tại Khoản 1 Điều 20 Pháp lệnh Thuế thu nhập.
Cá nhân người nộp thuế gặp khó
khăn do thiên tai, địch hoạ, tai nạn làm thiệt hại tài sản, thu nhập, ảnh hưởng
đến đời sống bản thân thì người nộp thuế được xét giảm thuế, miễn thuế trong
năm tuỳ theo mức độ thiệt hại. Số thuế được xét miễn, giảm bằng tỷ lệ giữa số
tiền thiệt hại so với thu nhập chịu thuế trong năm nhưng không vượt qua số tiền
thuế phải nộp cả năm.
Thủ tục và thẩm quyền xét miễn,
giảm thuế:
- Cá nhân người nộp thuế làm đơn
xin miễn, giảm thuế có xác nhận của chính quyền địa phương (Uỷ ban Nhân dân phường,
xã) hoặc của cơ quan chi trả thu nhập gửi đến cơ quan thuế địa phương nơi cơ
quan chi trả thu nhập đăng ký nộp thuế; đơn xin miễn thuế, giảm thuế phải nêu
rõ lý do, số tiền thiệt hại (kèm theo các chứng từ chứng minh), số thuế phải nộp
và số thuế xin miễn, giảm;
- Cơ quan thuế kiểm tra xem xét
và ban hành quyết định miễn, giảm thuế hoặc kiến nghị cơ quan thuế cấp trên xử
lý theo phân cấp sau đây:
+ Cục trưởng Cục Thuế được quyết
định các trường hợp số thuế miễn, giảm dưới 5 triệu đồng/năm;
+ Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế
được quyết định các trường hợp số thuế miễn, giảm từ 5 triệu đồng đến 100 triệu
đồng/năm;
+ Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định
các trường hợp số thuế miễn, giảm trên 100 triệu đồng/năm.
- Trong thời gian cơ quan thuế
có thẩm quyền xét quyết định miễn, giảm thuế, người nộp thuế phải nộp đủ số thuế
theo Pháp lệnh; khi có quyết định miễn, giảm thuế thì được thoái trả số thuế được
miễn, giảm bằng cách trừ vào số thuế phải nộp của kỳ sau hoặc được tổ chức uỷ
nhiệm thu trả lại tiền thuế đã khấu trừ theo quyết định của cơ quan thuế. Trường
hợp cá nhân trực tiếp nộp tiền thuế tại cơ quan thuế thì được trừ vào số phải nộp
của kỳ sau hoặc được ngân sách nhà nước thoái trả theo quyết định của cơ quan
thuế.
2. Đối với trường hợp miễn, giảm
thuế quy định tại Khoản 2 Điều 20 Pháp lệnh Thuế thu nhập; Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 5-CP.
Tổ chức, cá nhân có đơn xin miễn,
giảm thuế gửi đến Bộ Tài chính trong đó phân tích rõ lý do và các lợi ích về
kinh tế, chính trị, xã hội của quốc gia liên quan đến việc miễn, giảm thuế cho
người nộp thuế. Bộ Tài chính kiểm tra hồ sơ và có văn bản trình Thủ tướng Chính
phủ xem xét quyết định cho từng trường hợp cụ thể.
VI. XỬ LÝ VI
PHẠM VÀ KHEN THƯỞNG
1. Các vi phạm về Pháp lệnh Thuế
thu nhập được xử lý theo quy định tại Điều 21, Điều 22, Điều
23, Điều 24 của Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Các
hành vi vi phạm hành chính về Pháp lệnh Thuế thu nhập được xử phạt theo các quy
định cụ thể trong Nghị định số 22-CP ngày 17-4-1996 của Chính phủ về việc xử phạt
vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và Thông tư số 45-TC/TCT ngày 1-8-1996 của
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 22-CP.
Riêng trường hợp tổ chức, cá
nhân chi trả thu nhập, mang hộ quà biếu, quà tặng từ nước ngoài chuyển về nếu
có hành vi không khai báo, đăng ký, kê khai các cá nhân thuộc diện chịu thuế,
không khấu trừ tiền thuế thu nhập trước khi chi trả thu nhập gây nên việc thất
thu thuế thu nhập cá nhân thì phải chịu trách nhiệm bồi thường cho ngân sách
nhà nước số thuế bị thất thoát và bị xử phạt theo Điều 21, Điều
22 của Pháp lệnh Thuế thu nhập. Số tiền thuế phải bồi thường và số tiền nộp
phạt được lấy từ thu nhập của các tổ chức, cá nhân thực hiện chi trả thu nhập,
không được tính vào chi phí khi xác định lợi tức chịu thuế.
2. Người có công phát hiện các vụ
vi phạm Pháp lệnh Thuế thu nhập giúp cho cơ quan thuế truy thu tiền thuế được
trích thưởng theo các quy định cụ thể sau:
- Cá nhân phát hiện các vụ vi phạm
trốn lậu thuế thu nhập thông báo cho cơ quan thuế dưới các hình thức: phản ánh
trực tiếp, công văn, văn thư, đơn, nêu rõ tên, địa chỉ cá nhân hoặc tổ chức có
hành vi trốn thuế.
- Sau khi nhận được thông báo,
cơ quan thuế tổ chức ngay việc kiểm tra, tính thuế tại các tổ chức, cá nhân chi
trả thu nhập, lập biên bản xác định số thuế ẩn lậu và ra thông báo nộp thuế kèm
theo quyết định xử phạt buộc các tổ chức, cá nhân trốn lậu thuế nộp vào tài khoản
tạm giữ của cơ quan thuế.
- Căn cứ vào số tiền thuế truy
thu, tiền phạt đã thu vào tài khoản tạm giữ, cơ quan thuế ra quyết định trích
thưởng cho các tổ chức, cá nhân có công phát hiện và phối hợp với cơ quan thuế.
Số tiền trích thưởng không vượt quá 5% (năm phần trăm) số tiền thuế truy thu nộp
vào ngân sách nhà nước, mức trích thưởng cho cá nhân không quá 300.000 đồng/vụ
và không quá 900.000 đồng/tháng.
- Số tiền còn lại sau khi trích
thưởng được nộp vào ngân sách nhà nước.
VII. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 18-2-1997. Đối với thu nhập thường xuyên việc tính số thuế phải
nộp theo Biểu mới đối với công dân Việt Nam và cá nhân khác định cư tại Việt
Nam được áp dụng cho thu nhập phát sinh từ tháng 2 năm 1997. Đối với thu nhập từ
quà biếu, quà tặng bằng tiền từ nước ngoài chuyển về, các cá nhân đã nhận tiền
tại tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập từ ngày 18-2-1997 thì không phải nộp thuế
thu nhập không thường xuyên; nếu đã nộp thuế thu nhập không thường xuyên thì cơ
quan thuế (nơi thu thuế thu nhập) sẽ thực hiện việc thoái lại bằng cách trừ vào
số thuế thu nhập phải nộp của tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập.
Thông tư này thay thế Thông tư số
27-TC/TCT ngày 30-3-1995 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 5-CP
ngày 20-1-1995 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thuế thu nhập
đối với người có thu nhập cao.
2. Các cơ quan làm nhiệm vụ quản
lý, đào tạo, tuyển chọn người lao động được phép trích tối đa không quá 8% trên
thu nhập của người lao động để chi cho công tác quản lý, đào tạo, tuyển chọn.
Khoản kinh phí này được quản lý và sử dụng theo kế hoạch hàng năm, cuối năm phải
quyết toán theo chế độ tài chính hiện hành; trường hợp chi không hết phải nộp
toàn bộ vào ngân sách nhà nước, đồng thời điều chỉnh giảm tỷ lệ tính năm sau
cho phù hợp với kế hoạch chi. Ngoài khoản tính theo tỷ lệ khống chế trên đây
nghiêm cấm các Bộ, các ngành, các tổ chức quản lý, sử dụng lao động điều tiết
thu nhập của người lao động dưới bất kỳ hình thức nào.
Riêng các trường hợp giới thiệu
lao động hoặc tuyển dụng lao động theo uỷ thác chỉ được thu 1 lần theo quy định
tại điểm 2d Mục II Thông tư số 19-LĐTBXH/TT ngày 31-12-1990
của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành Nghị định số
233-HĐBT ngày 22-6-1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quy
chế Lao động đối với các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
3. Thu nhập đã được cam kết
riêng về việc đánh thuế và việc miễn thuế được thực hiện theo các văn bản và Điều
ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc ký kết.
4. Cơ quan thuế các cấp có nhiệm
vụ phổ biến, hướng dẫn các cá nhân thuộc diện nộp thuế thu nhập và các tổ chức,
cá nhân chi trả thu nhập (tổ chức uỷ nhiệm thu) thực hiện nghiêm chỉnh các quy
định trong Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư hướng dẫn về thuế thu nhập.
Trong quá trình thực hiện, nếu
có vấn đề gì vướng mắc, các tổ chức, cá nhân, các ngành, các địa phương phản ảnh
kịp thời về Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) để nghiên cứu giải quyết.