Thông tư 82/2000/TT-BTC hướng dẫn chính sách tài chính nhằm phát triển kinh tế trang trại do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 82/2000/TT-BTC
Ngày ban hành 14/08/2000
Ngày có hiệu lực 29/08/2000
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Tá
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 82/2000/TT-BTC

Hà Nội, ngày 14 tháng 8 năm 2000

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 82/2000/TT- BTC NGÀY 14 THÁNG 08 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH NHẰM PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI

Căn cứ Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 02/02/2000 của Chính phủ về Kinh tế trang trại;
Căn cứ Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08/07/1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi);
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trang trại nhằm từng bước hiện đại hoá sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá lớn, nâng cao đời sống và ổn định việc làm cho người lao động; Bộ Tài chính hướng dẫn về chính sách tài chính nhằm phát triển kinh tế trang trại như sau:

1. Ưu đãi về đất:

Chủ trang trại khi sử dụng đất trống, đồi núi trọc, đất hoang hoá và diện tích ở các vùng nước tự nhiên chưa có đầu tư cải tạo thuộc quy hoạch phát triển trang trại do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định được miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định tại Điều 17, Điều 18, và Điều 19 Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 8 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi).

2. Ưu đãi về vốn đầu tư:

- Đầu tư phát triển kinh tế trang trại được vay ưu đãi từ các chương trình tín dụng phát triển của Nhà nước theo trình tự, thủ tục quy định đối với từng chương trình cụ thể.

- Đầu tư vào các trang trại sản xuất hàng xuất khẩu; trồng rừng nguyên liệu tập trung, cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả; nuôi trồng thuỷ hải sản và chăn nuôi bò sữa, xây dựng hệ thống dẫn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong trang trại; sản xuất phân bón; thuốc trừ sâu vi sinh; chế tạo máy công cụ, máy động lực phục vụ nông nghiệp; xây dựng cơ sở chế biến nông sản, lâm sản, thuỷ sản được Quỹ Hỗ trợ phát triển của Nhà nước cho vay đầu tư; hỗ trợ lãi suất sau đầu tư; bảo lãnh tín dụng đầu tư theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 43/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 1999 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

3. Chính sách huy động vốn phát triển kinh tế trang trại:

- Các chủ trang trại được huy động nguồn vốn bằng các hình thức vay ngân hàng, vay các tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật hiện hành để tạo nguồn vốn phát triển kinh doanh.

- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao bố trí ngân sách nhằm tập trung phát triển kinh tế trang trại; áp dụng các hình thức huy động vốn thích hợp như phát hành trái phiếu công trình, phát hành sổ xố kiến thiết loại đặc biệt để huy động vốn đầu tư cho các công trình cơ sở hạ tầng (sau khi thoả thuận bằng văn bản với Bộ Tài chính), huy động lao động công ích của nhân dân để:

+ Đầu tư cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng: đường, nước, điện, trường, trạm, phát triển chợ nông thôn, các trung tâm giao dịch mua bán nông sản và vật tư nông nghiệp, khoa học công nghệ mới.

+ Tạo điều kiện cho các chủ trang trại được tiếp cận và tham gia các chương trình, dự án hợp tác, hội chợ triển lãm trong và ngoài nước.

+ Hỗ trợ việc đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các cơ sở công nghiệp chế biến ở các vùng tập trung, chuyên canh phát triển trang trại.

+ Đẩy mạnh sự liên kết giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản thuộc các thành phần kinh tế, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp Nhà nước với hợp tác xã, chủ trang trại, hộ nông dân.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, xem xét và giải quyết.

 

 

Trần Văn Tá

(Đã ký)