Thông tư 77/2008/TT-BTC hướng dẫn thi hành biện pháp xử lý nợ đọng thuế do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 77/2008/TT-BTC
Ngày ban hành 15/09/2008
Ngày có hiệu lực 17/10/2008
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 77/2008/TT-BTC

Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2008

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ BIỆN PHÁP XỬ LÝ NỢ ĐỌNG THUẾ

Căn cứ quy định tại Điều 49 của Luật Quản lý thuế, Điều 24 của Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế;
Căn cứ Quyết định số 172/2001/QĐ-TTg ngày 05/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý khoanh nợ, giãn nợ, xoá nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước đối với những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có khó khăn do nguyên nhân khách quan;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 1/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 7567/VPCP-KTTH ngày 31/12/2007 của Văn phòng Chính phủ,

Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số biện pháp xử lý nợ đọng thuế, các khoản phải nộp ngân sách nhà nước (dưới đây gọi chung là nợ thuế) phát sinh trước ngày 01/7/2007 còn tồn đọng chưa thu được vào ngân sách nhà nước như sau:

I. GIA HẠN NỘP SỐ NỢ THUẾ

1. Các trường hợp được gia hạn nộp số nợ thuế

Các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh còn nợ thuế do gặp khó khăn về tài chính, kinh doanh thua lỗ liên tục 3 năm (2005 đến 2007) được xử lý gia hạn gồm:

a) Các doanh nghiệp phải di chuyển địa điểm kinh doanh ra khỏi nội thành, nội thị theo quy hoạch của Chính phủ hoặc của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mà sản xuất, kinh doanh trong thời gian di chuyển đến địa điểm mới gặp khó khăn làm phát sinh các khoản lỗ nên không có khả năng nộp đầy đủ, kịp thời tiền thuế phát sinh.

b) Các doanh nghiệp gặp rủi ro trong kinh doanh dẫn đến khó khăn về tài chính, không có khả năng nộp đầy đủ, kịp thời tiền thuế phát sinh như: đối tác kinh doanh bị phá sản, không thu được nợ; mất thị trường do thay đổi chính sách của các nước nhập khẩu; tổn thất do thiên tai, tai nạn bất ngờ hoặc các nguyên nhân bất khả kháng khác.

c) Các doanh nghiệp trực tiếp ký kết hợp đồng nhận thầu với chủ dự án hoặc với doanh nghiệp thực hiện các dự án, công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc nguồn vốn ODA của Chính phủ nhưng chưa được ngân sách nhà nước thanh toán, cấp phát nên không có nguồn để nộp thuế dẫn đến còn nợ thuế.

d) Các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh nhà đất được Nhà nước giao đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất nhưng do chưa giải phóng được mặt bằng, chưa bàn giao đất, dẫn tới không có nguồn nộp ngân sách nhà nước. Xử lý như sau:

- Đối với dự án không triển khai được, quá thời hạn theo quy định tại khoản 1, Điều 37 của Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ do không giải phóng được mặt bằng hoặc đã bàn giao đất (kể cả bàn giao từng phần theo tiến độ giao đất) nhưng không triển khai dự án, đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền thu hồi lại đất dự án, Cục Thuế tiến hành xác định lại các khoản phải nộp ngân sách nhà nước phù hợp với diện tích đất giao hoặc cho thuê thực tế. Doanh nghiệp thực hiện dự án phải nộp ngay số phát sinh theo thông báo của cơ quan thuế.

- Đối với dự án đang triển khai bị chậm tiến độ, đã được cơ quan quản lý có thẩm quyền về giao đất, cho thuê đất gia hạn sử dụng đất theo quy định tại khoản 2, Điều 37 của Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007, có các khoản nợ thuế và thu ngân sách nhà nước liên quan đến đất và chuyển giao quyền sử dụng đất, nhà hoặc cơ sở hạ tầng trên đất thì được xem xét giải quyết gia hạn nộp số nợ thuế tương ứng với diện tích đất của dự án chậm triển khai đã được gia hạn.

2. Thời gian và số nợ thuế được gia hạn nộp

- Các trường hợp có khó khăn về tài chính nêu tại các điểm a, b, c khoản 1, mục I trên đây được xét gia hạn nộp hết số nợ thuế trong thời hạn tối đa không quá 1 năm tính từ ngày 01/7/2007.

- Các trường hợp nêu tại điểm c, khoản 1, mục I trên đây được xét gia hạn tương ứng với thời gian và số thuế nợ do chưa được ngân sách nhà nước thanh toán, thời gian gia hạn không quá 1 năm tính từ ngày 01/7/2007. 

Trong thời gian được gia hạn nộp số nợ thuế thuộc các trường hợp nêu  trên đây, không tính phạt chậm nộp đối với số nợ thuế được gia hạn nộp. Hết thời hạn gia hạn nộp thuế mà doanh nghiệp chưa hoàn trả hết số nợ thuế đã được gia hạn, cơ quan thuế hoặc cơ quan hải quan sẽ phạt chậm nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ theo quy định của pháp luật đối với số nợ thuế chưa hoàn trả hết.

3. Thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền gia hạn nợ thuế

a) Thủ tục, hồ sơ gia hạn, gồm:

- Văn bản đề nghị gia hạn nộp tiền thuế, tiền phạt theo mẫu số 02/NOPT ban hành kèm theo Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế. Trong đó nêu rõ lý do đề nghị gia hạn nộp thuế, số tiền thuế, tiền phạt đề nghị gia hạn, thời hạn đề nghị gia hạn, kế hoạch nộp trả nợ thuế và cam kết thực hiện nộp số tiền thuế, tiền phạt theo đúng kế hoạch.

- Tài liệu chứng minh lý do đề nghị gia hạn nộp thuế. Cụ thể cho các trường hợp như sau:

+ Báo cáo tài chính của năm tài chính gần nhất kết thúc trước ngày 01/7/2007 và bản số liệu xác định nợ thuế đến 01/7/2007.

+ Đối với trường hợp gặp rủi ro trong kinh doanh: trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ thì phải có Biên bản xác định mức độ, giá trị thiệt hại về tài sản của cơ quan có thẩm quyền như Hội đồng định giá do Sở Tài chính thành lập, hoặc các công ty định giá chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ định giá theo hợp đồng, hoặc Trung tâm định giá của Sở tài chính; Trường hợp do đối tác bị phá sản, do thay đổi chính sách của các nước nhập khẩu thì phải cung cấp bằng chứng chứng minh hoặc giải trình của doanh nghiệp.

+ Đối với trường hợp di chuyển địa điểm kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì phải có Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc di chuyển địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.

+ Đối với các cơ sở kinh doanh có doanh thu từ việc thực hiện các dự án được thanh toán từ nguồn ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán, tài liệu chứng minh gồm: hợp đồng kinh tế, bản đối chiếu công nợ và xác nhận khối lượng công việc hoàn thành được chấp nhận thanh toán của chủ đầu tư hoặc nhà thầu chính; các tài liệu, chứng từ chứng minh về doanh thu đã thực hiện, doanh thu đã được thanh toán bằng nguồn ngân sách nhà nước, tài liệu xác định số thuế phát sinh theo doanh thu hoặc khối lượng công việc đã hoàn thành và số thuế còn nợ.

+ Đối với các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh nhà đất gặp khó khăn: các chứng từ, văn bản xác định các khoản thuế phải nộp, đã nộp và còn nợ; văn bản cho phép gia hạn sử dụng đất của cơ quan có thẩm quyền về giao đất, cho thuê đất; bản kê khai về thực hiện bán nhà, chuyển giao quyền sử dụng đất (doanh thu và diện tích).

Các tài liệu trên là bản sao có công chứng hoặc bản sao có đóng dấu sao y bản chính và chữ ký xác nhận của người có thẩm quyền của doanh nghiệp.

Hồ sơ đề nghị gia hạn nợ thuế được gửi đến cơ quan quản lý thuế trực tiếp đối với doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có nợ thuế.

[...]