Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư 76/2007/TT-BNN hướng dẫn việc chuyển rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cây cao su ở Tây Nguyên do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 76/2007/TT-BNN
Ngày ban hành 21/08/2007
Ngày có hiệu lực 17/09/2007
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Hứa Đức Nhị
Lĩnh vực Bất động sản,Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 76/2007/TT-BNN

Hà Nội, ngày 21 tháng 08 năm 2007 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC CHUYỂN RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP SANG TRỒNG CÂY CAO SU Ở TÂY NGUYÊN 

Căn cứ Luật Đất đai số 23/2003/L-CTN ngày 10 tháng 12 năm 2003 của Quốc hội khoá X và Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng số 29/2004/QH11 ngày 25 tháng 12 năm 2004 của Quốc hội khoá XI, Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng và Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý rừng;
Căn cứ Nghị quyết số 66/2006/NQ-QH11 ngày 29 tháng 06 năm 2006 của Quốc hội khoá XI về Dự án công trình quan trọng Quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2004 của  Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh và Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh;
Căn cứ Thông báo số 125/TB-VPCP ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên;
Thông tư này hướng dẫn một số nội dung cụ thể về chuyển rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cây cao su, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển thêm 90-100 ngàn ha cao su tại Tây Nguyên đến năm 2010,

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

- Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này quy định điều kiện, thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp trồng cao su; trình tự xây dựng và phê duyệt dự án; trình tự, thủ tục chuyển diện tích đất của các nông, lâm trường sang trồng cây cao su ở Tây Nguyên.

- Đối tượng áp dụng: các tổ chức, cá nhân Việt Nam có nhu cầu chuyển diện tích rừng và đất lâm nghiệp sang đất trồng cao su ở Tây Nguyên; các nông, lâm trường có rừng và đất lâm nghiệp chuyển sang đất trồng cao su; các cơ quan Nhà nước có liên quan đến việc chuyển rừng và đất lâm nghiệp sang đất trồng  cao su ở Tây Nguyên.

2. Nguyên tắc chuyển rừng và đất lâm nghiệp sang đất trồng cao su:

a) Đất có rừng và đất lâm nghiệp chuyển sang đất trồng cao su phải đảm bảo các tiêu chuẩn phù hợp với yêu cầu sinh trưởng và phát triển của cao su;

b) Phải có quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Trồng cao su trên đất chuyển đổi phải đạt hiệu quả cao về kinh tế và môi trường hơn cây trồng hiện tại;

d) Điều kiện, đối tượng rừng và đất lâm nghiệp được xem xét chuyển mục đích sử dụng sang đất nông nghiệp để trồng cao su thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Mục II  của Thông tư này.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Tiêu chuẩn kỹ thuật đối với đất trồng cao su ở vùng Tây Nguyên

Đất thích hợp để trồng cao su là các loại đất: đất đỏ bazan, đất xám đảm bảo các tiêu chuẩn dưới đây:

a) Độ cao dưới 700m so với mực nước biển;

b) Độ dốc dưới 30 độ;

c) Tầng dày tối thiểu 0,7m;

d) Độ sâu mực nước ngầm dưới 1,2m và không bị ngập úng khi có mưa;

đ)  Thành phần cơ giới đất từ thịt nhẹ đến thịt nặng, thoát nước tốt;

e)  Mức độ kết von, đá lẫn trong tầng đất canh tác < 50% ;

g) Hoá tính đất: hàm lượng mùn tổng số tầng đất mặt > 1,0 %, pHkcl: 4,5 - 5,5;

h) Đất trồng cao su phải được thiết kế theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo điều kiện để thâm canh và chống xói mòn. 

2. Các loại đất lâm nghiệp dưới đây có thể bố trí để chuyển sang trồng cao su nếu đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với đất trồng cao su tại khoản 1 Mục II của Thông tư này:

a) Đất lâm nghiệp đã được quy hoạch là rừng sản xuất (rừng tự nhiên hoặc rừng trồng);

b) Là rừng tự nhiên nghèo, rừng non phục hồi, rừng lồ ô, tre nứa, le... (gọi chung là rừng tre nứa); rừng trồng hiệu quả thấp.

Rừng nghèo trong Thông tư này được quy định tại Quyết định số 682B/QĐKT ngày 01/8/1984 của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về việc ban hành Quy phạm thiết kế kinh doanh rừng, là kiểu phụ IIIA1 chất lượng kém, có tỷ lệ cây phẩm chất loại A và loại B của loài cây mục đích chiếm dưới 50% trữ lượng rừng.

Trường hợp những đám rừng loại trung bình có diện tích từ 1,0 (một) ha trở xuống, nằm xen kẽ trong lô rừng nghèo, rừng non phục hồi thuộc khu vực quy hoạch trồng cao su, được phép chuyển cùng diện tích rừng nghèo đó để tránh tình trạng da báo, đảm bảo liền vùng liền khoảnh.

[...]