Thông tư 75/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý kinh phí đào tạo cho lưu học sinh Lào và Campuchia (diện Hiệp định) học tập tại Việt Nam sử dụng nguồn vốn viện trợ của Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 75/2023/TT-BTC
Ngày ban hành 28/12/2023
Ngày có hiệu lực 01/01/2024
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Võ Thành Hưng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Giáo dục

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 75/2023/TT-BTC

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2023

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ KINH PHÍ ĐÀO TẠO CHO LƯU HỌC SINH LÀO VÀ CAMPUCHIA (DIỆN HIỆP ĐỊNH) HỌC TẬP TẠI VIỆT NAM SỬ DỤNG NGUỒN VỐN VIỆN TRỢ CỦA CHÍNH PHỦ VIỆT NAM

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 14/2023/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh định mức chi đào tạo học sinh Lào và Campuchia (diện Hiệp định) tại Thông báo số 427/TB-VPCP ngày 20 tháng 10 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý kinh phí đào tạo cho lưu học sinh Lào, Campuchia (diện Hiệp định) học tập tại Việt Nam sử dụng nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định quản lý, sử dụng kinh phí viện trợ không hoàn lại của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Chính phủ Vương quốc Campuchia để đào tạo lưu học sinh Lào, lưu học sinh Campuchia được cử sang học tập tại Việt Nam theo các hiệp định hợp tác giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và với Chính phủ Vương quốc Campuchia (sau đây gọi chung là “lưu học sinh Lào, Campuchia”).

2. Đối tượng áp dụng: Thông tư này áp dụng đối với cơ sở đào tạo tại Việt Nam; lưu học sinh Lào, Campuchia và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí viện trợ không hoàn lại của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Chính phủ Vương quốc Campuchia để đào tạo, bồi dưỡng lưu học sinh Lào, Campuchia.

3. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý của Lào, Campuchia sang nghiên cứu học tập, bồi dưỡng tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh theo các đề án, chương trình hoặc theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đặc thù được cấp có thẩm quyền phê duyệt, định mức kinh phí thực hiện theo Thông tư hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính. Trong thời gian chưa có Thông tư hướng dẫn riêng thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ, cụm từ sau đây được hiểu như sau:

1. Hiệp định: Là Hiệp định, Biên bản kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ, kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp được ký kết giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào hoặc với Chính phủ Vương quốc Campuchia.

2. Lưu học sinh: Là cán bộ, học sinh, sinh viên Lào, Campuchia học tập tại Việt Nam theo các hiệp định theo quy định tại Khoản 1, Điều 1 Thông tư này.

3. Đào tạo dài hạn: gồm các hệ đào tạo trung học phổ thông; trung cấp, cao đẳng nghề; đại học và sau đại học theo quy định, có thời gian đào tạo từ 12 tháng trở lên; và các khóa bồi dưỡng tiếng Việt để thi tuyển, xét tuyển vào các hệ này.

4. Đào tạo ngắn hạn: Là các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn có thời gian đào tạo dưới 12 tháng.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý

1. Kinh phí đào tạo, hỗ trợ ban đầu và sinh hoạt phí được cấp qua cơ sở đào tạo được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo cho lưu học sinh Lào, Campuchia.

2. Các cơ sở đào tạo lưu học sinh phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện, quy định pháp luật về tiêu chuẩn, chất lượng ngành nghề đào tạo lưu học sinh được cấp thẩm quyền giao thực hiện, không thuê cơ sở đào tạo khác để thực hiện thay nhiệm vụ được giao; có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng chế độ.

3. Việc lập dự toán, thanh quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các quy định liên quan và Thông tư này.

4. Kinh phí đào tạo đối với lưu học sinh học không tập trung được tính theo tháng lưu học sinh có mặt học tập tại Việt Nam; trường hợp không đủ một tháng, thì được tính theo số ngày lưu học sinh có mặt học tập thực tế.

Điều 4. Kinh phí đào tạo

1. Nội dung chi

a) Chi thường xuyên: Bao gồm các khoản chi phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập, trong đó bao gồm cả chi phí biên dịch, phiên dịch tài liệu (nếu có); chi đi học tập, khảo sát thực tế cho các lớp bồi dưỡng ngắn hạn (nếu có); chi hỗ trợ tiền ở cho lưu học sinh.

b) Các khoản chi một lần cho cả khóa học: Bao gồm các khoản chi hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy, thực hành và trang thiết bị phục vụ sinh hoạt của lưu học sinh ở tại ký túc xá; chi tham quan; chi làm hồ sơ thủ tục nhập học; chi tổng kết, kết thúc khóa học và bảo vệ luận văn tốt nghiệp; chi phí gia hạn thị thực trong trường hợp thời gian thị thực được cấp ngắn hơn thời gian khóa học; chi tặng phẩm, chi khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích cao trong học tập, rèn luyện tại cơ sở đào tạo; chi đón và tiễn lưu học sinh đi và về tại sân bay quốc tế Việt Nam.

[...]
52
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ