Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 7-TT/NH7 năm 1994 hướng dẫn quản lý vay và trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 7-TT/NH7
Ngày ban hành 26/03/1994
Ngày có hiệu lực 26/03/1994
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Lê Văn Châu
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Đầu tư,Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 7-TT/NH7

Hà Nội, ngày 26 tháng 3 năm 1994

 

THÔNG TƯ

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC SỐ 7-TT/NH7 NGÀY 26-3-1994 HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ VAY VÀ TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI CỦA CÁC DOANH NGHIỆP

Căn cứ vào Điều 2 bản Quy chế Quản lý vay và trả nợ nước ngoài ban hành kèm theo Nghị định số 58-CP ngày 30-8-1993 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc quản lý vay và trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp như sau.

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý Nhà nước về vay, trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, kể cả việc vay vốn nước ngoài của các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

2. Doanh nghiệp được trực tiếp vay nước ngoài hoặc vay lại từ nguồn vay nợ nước ngoài của Chính phủ hoặc của Ngân hàng Nhà nước theo phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ.

- Vay trực tiếp: Doanh nghiệp trực tiếp vay và trả nợ nước ngoài.

- Vay lại: Doanh nghiệp vay Ngân hàng trong nước từ nguồn vốn Chính phủ hoặc của Ngân hàng Nhà nước vay nước ngoài.

3. Ngân hàng Nhà nước quản lý việc vay, trả nợ nước ngoài thông qua kế hoạch tổng hạn mức vay và trả nợ nước ngoài hàng năm và 5 năm được Thủ tướng Chính phủ duyệt.

4. Ngân hàng Nhà nước tổng hợp và lập tổng hạn mức vay, trả nợ nước ngoài trên cơ sở:

- Nhu cầu vốn và khả năng trả nợ của Ngân sách Nhà nước liên quan đến phần vay và trả nợ thương mại;

- Nhu cầu vay vốn và khả năng trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp;

- Tình hình cán cân thanh toán quốc tế;

- Chính sách tiền tệ của Nhà nước trong từng thời kỳ.

Việc lập kế hoạch vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

5. Vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp chỉ được thực hiện qua các Ngân hàng được phép hoạt động đối ngoại (riêng các Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển đã được phép hoạt động đối ngoại thì được trực tiếp vay, trả nợ với nước ngoài). Các doanh nghiệp vay lại từ nguồn vốn Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước vay của nước ngoài được thực hiện qua các Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển do Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính chỉ định, sau đây gọi tắt là Ngân hàng cho vay.

6. Vay nước ngoài gồm:

- Vay nước ngoài của Chính phủ (bao gồm các khoản vay bằng hàng hoá hoặc tiền);

- Vay nước ngoài của doanh nghiệp (kể cả các tổ chức tín dụng), bằng hàng hoá hoặc bằng tiền theo hình thức tự vay tự trả;

- Ngân hàng Nhà nước vay nước ngoài.

II. VAY VÀ TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI CỦA DOANH NGHIỆP TỪ NGUỒN VỐN CHÍNH PHỦ HOẶC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VAY NƯỚC NGOÀI

1. Doanh nghiệp được vay lại vốn của Chính phủ vay nước ngoài để thực hiện các dự án có yêu cầu hoàn vốn (bao gồm cả những dự án đầu tư cho hạ tầng cơ sở) đã được Chính phủ Việt Nam và phía nước ngoài thoả thuận. Điều kiện vay lại do Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà Nước, Ngân hàng cho vay thoả thuận cụ thể.

Trường hợp khoản vay nước ngoài không phải trả lãi, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước thoả thuận mức lãi suất cụ thể.

2. Đối với nguồn vốn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vay nước ngoài thì Ngân hàng Nhà nước chọn Ngân hàng cho vay. Căn cứ vào các điều khoản và điều kiện đã ký với nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước thoả thuận với Ngân hàng cho vay về điều kiện cho doanh nghiệp vay lại. Về nguyên tắc, các điều kiện cho vay lại như thời hạn, lãi suất phí, không ưu đãi hơn các điều kiện Ngân hàng Nhà nước vay của nước ngoài và không cao hơn các điều kiện vay trong nước.

3. Điều kiện để doanh nghiệp được vay lại (bao gồm vốn Chính phủ và vốn Ngân hàng Nhà nước vay nước ngoài):

a) Thuộc các dự án đầu tư: Công trình, hạng mục công trình, xây dựng mới, cải tạo, mở rộng, đổi mới công nghệ thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

b) Dự án có khả năng hoàn vốn, bảo đảm nguồn vốn trả được nợ (cả gốc và lãi) trong thời hạn quy định.

c) Tình trạng tài chính của doanh nghiệp lành mạnh: không nợ thuế với ngân sách, không có nợ quá hạn với các đơn vị trong và ngoài nước.

[...]