Thông tư 67/TT-THA-1996 hướng dẫn về tổ chức hoạt động thi hành án dân sự do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 67/TT-THA
Ngày ban hành 05/07/1996
Ngày có hiệu lực 05/07/1996
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Nguyễn Đình Lộc
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

BỘ TƯ PHÁP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 67/TT-THA

Hà Nội, ngày 05 tháng 7 năm 1996

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TƯ PHÁP SỐ 67/TT-THA NGÀY 5 THÁNG 7 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Để tăng cường quản lý thống nhất về tổ chức hoạt động thi hành án dân sự, đảm bảo trật tự, kỷ cương, từng bước đưa công tác thi hành án dân sự đi vào nề nếp, Bộ Tư pháp hướng dẫn các cơ quan thi hành án địa phương thực hiện một số điểm sau đây:

I- VIỆC LẬP SỔ SÁCH, HỒ SƠ THI HÀNH ÁN

1. Việc lập và sử dụng sổ sách về thi hành án:

a) Các Phòng thi hành án tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Phòng thi hành án) và các Đội thi hành án huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Đội thi hành án) phải lập đầy đủ các loại sổ sách về thi hành án theo mẫu thống nhất do Bộ Tư pháp quy định, bao gồm các loại sau đây:

- Sổ nhận bản sao bản án, quyết định của Toà án;

- Sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án;

- Sổ thụ lý thi hành án (dân sự; kinh tế, phá sản; cấp dưỡng nuôi con; dân sự trong hình sự...);

- Sổ uỷ thác thi hành án;

- Sổ công văn đi, công văn đến;

- Sổ theo dõi tang vật;

- Sổ theo dõi ra quyết định thi hành án;

- Hệ thống sổ sách kế toán - tài vụ về thi hành án.

(Ngoài ra tuỳ theo tình hình thực tế, cơ quan thi hành án có thể lập thêm các loại sổ theo dõi khác để thuận tiện trong công tác quản lý hoạt động thi hành án);

b) Tất cả các loại sổ sách về thi hành án nêu trên phải được bảo quản cẩn thận, đánh số thứ tự từng trang và đóng dấu giáp lai đầy đủ. Thủ trưởng cơ quan thi hành án xác nhận tổng số trang ở trang đầu của sổ, ký tên, đóng dấu Phòng, Đội thi hành án;

c) Sổ sách về thi hành án phải được ghi chép sạch sẽ, đầy đủ, chính xác, kịp thời theo các cột mục đã được hướng dẫn trong sổ, không được tẩy xoá, sửa chữa tuỳ tiện. Trong trường hợp có sự nhầm lẫn, sai sót cần sửa chữa, thì cần phải có sự kiểm tra xác nhận của Thủ trưởng cơ quan thi hành án;

d) Định kỳ hàng tháng, quý, năm phải thực hiện việc kết sổ, xác định tổng số bản án, quyết định đã được tiếp nhận; số vụ việc phải thi hành, số vụ việc có điều kiện thi hành; số vụ việc không có điều kiện thi hành; số thi hành đều, số thi hành xong; số đang thi hành dở dang; hoãn; tạm đình chỉ; đình chỉ; trả lại đơn yêu cầu thi hành án; số chưa thi hành... đồng thời phân loại số án tồn đọng chưa thi hành được. Việc kết sổ phải lập biên bản và tùy theo từng loại sổ phải có đầy đủ chứ ký của Thủ trưởng cơ quan thi hành án, kế toán, thủ kho, thủ quỹ cơ quan thi hành án. Kết quả của việc kết sổ phải được thể hiẹn trong sổ sách về thi hành án.

2. Lập hồ sơ thi hành án:

a) Quyết định thi hành án là căn cứ để Chấp hành viên lập hồ sơ và tiến hành các hoạt động về thi hành án; Chấp hành viên phải lập hồ sơ trong thời hạn 2 ngày kể từ khi nhận được quyết định thi hành án.

Hồ sơ thi hành án phải thể hiện được toàn bộ quá trình tổ chức thi hành án của Chấp hành viên đối với một vụ việc cụ thể. Chấp hành viên phải ghi chép và lưu giữ tất cả các công việc và giấy tờ đã và đang thực hiện vào hồ sơ thi hành án như: bản sao bản án, quyết định hoặc trích lục bản án, quyết định của Toà án, quyết định thi hành án, các biên bản bàn giao, xử lý vật chứng, tài sản kê biên, tạm giữ, giấy báo, giấy mời, biên bản xác minh, các đơn đề nghị hay khiếu nại; các biên lai thu, phiếu thu, phiếu chi, bản sao chứng từ Ngân hàng hay kho bạc Nhà nước... cùng các tài liệu liên quan đến việc thi hành án.

Trong hồ sơ thi hành án còn phải lưu giữ bản sao công văn giấy tờ trao đổi với cơ quan và cá nhân hữu quan trong quá trình thi hành án (ví dụ: công văn yêu cầu chuyển tiền và tang vật còn thiếu hoặc chưa chuyển...);

b) Hồ sơ thi hành án phải có bìa in theo mẫu quy định. Chấp hành viên có trách nhiệm ghi đầy đủ, chi tiết nội dung các điểm đã in sẵn trên bìa hồ sơ.

Các tài liệu chứng từ trong hồ sơ thi hành án phải được sắp xếp cẩn thận, đánh số thứ tự từng tờ theo trình tự thời gian và liệt kê đầy đủ vào bản danh mục kèm theo hồ sơ;

c) Các hồ sơ thi hành xong phải được kiểm tra kỹ, có chữ ký xác nhận của Chấp hành viên phụ trách hồ sơ đó và chuyển cho Thủ trưởng cơ quan thi hành án duyệt trước khi đưa vào lưu trữ.

II- VIỆC GIAO NHẬN, BẢO QUẢN, XỬ LÝ TANG VẬT, TÀI SẢN BỊ KÊ BIÊN, TẠM GIỮ

1. Việc giao nhận, bảo quản:

a) Khi tiếp nhận tang vật, tài sản phải có sự chứng kiến của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án, Chấp hành viên phụ trách hố sơ, kế toán,; người thực hiện tiếp nhận là thủ kho hoặc thủ quỹ thi hành án. Việc tiếp nhận phải được lập biên bản ghi cụ thể, chi tiết số lượng, chất lượng đặc điểm tình trạng của từng loại tài sản hoặc tang vật. Đối với những tài sản có tính năng, kỹ thuật phức tạp, như ô tô, xe máy, video-cassette... Chấp hành viên cần mời đại diện cơ quan chuyên môn để xác định chất lượng tài sản. Biên bản giao nhận tang vật, tài sản phải có chữ ký và đóng dấu của cơ quan bên giao, bên nhận và làm thành nhiều bản để mỗi bên giao, nhận giữ một bản và một bản đưa vào hồ sơ thi hành án.

[...]