Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thông tư 61/2012/TT-BNNPTNT quy định việc giám sát an toàn thực phẩm thủy sản sau thu hoạch do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 61/2012/TT-BNNPTNT
Ngày ban hành 13/11/2012
Ngày có hiệu lực 27/12/2012
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Nguyễn Thị Xuân Thu
Lĩnh vực Thương mại,Thể thao - Y tế

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 61/2012/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2012

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC GIÁM SÁT AN TOÀN THỰC PHẨM THỦY SẢN SAU THU HOẠCH

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3 Nghị định 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010 và Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007 và Nghị định 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản,

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định việc giám sát an toàn thực phẩm thủy sản sau thu hoạch.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về trình tự, nội dung thực hiện Chương trình giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) đối với thủy sản sau thu hoạch; trách nhiệm của các cơ quan thực hiện giám sát và các cơ sở tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh thuỷ sản sau thu hoạch (sau đây gọi tắt là Cơ sở).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở trong chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản có sản phẩm chỉ tiêu thụ nội địa, bao gồm: cơ sở thu mua, lưu giữ, bảo quản (bao gồm cả các cơ sở tại cảng cá, chợ đầu mối, đấu giá thực phẩm thủy sản); cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm thủy sản.

2. Thông tư này không áp dụng đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản có sản phẩm xuất khẩu; cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản không dùng làm thực phẩm.

Điều 3. Giải thích thuật ngữ

Trong Thông tư này, một số từ ngữ được hiểu như sau:

1. Giám sát: là việc đánh giá sự phù hợp của sản phẩm với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định về ATTP thông qua việc lấy mẫu sản phẩm trong chuỗi sản xuất kinh doanh thực phẩm thủy sản để kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP (không bao gồm việc lấy mẫu thẩm tra điều kiện bảo đảm ATTP của cơ sở) nhằm đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp, phục vụ phân tích nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về ATTP và cung cấp thông tin ATTP cho người tiêu dùng.

2. Giám sát tăng cường: là hoạt động giám sát đối với sản phẩm không bảo đảm ATTP hoặc tại cơ sở có liên quan đến sự cố ATTP (bao gồm cả việc lấy mẫu để kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP).

3. Lấy mẫu ngẫu nhiên: là thao tác kỹ thuật để thu được một đơn vị hoặc một lượng thực phẩm bất kỳ phục vụ kiểm nghiệm, đánh giá ATTP.

4. Lấy mẫu có chủ định: là thao tác kỹ thuật để thu được một đơn vị hoặc một lượng thực phẩm một cách có chủ ý, dựa trên đánh giá nguy cơ trong trường hợp sản phẩm có nguy cơ không bảo đảm ATTP hoặc tại cơ sở có liên quan đến sự cố ATTP, nhằm mục đích kiểm nghiệm, đánh giá ATTP.

5. Thực phẩm thủy sản: là tất cả các loài động, thực vật sống trong nước và lưỡng cư, kể cả trứng và những bộ phận của chúng được sử dụng làm thực phẩm hoặc thực phẩm phối chế mà trong thành phần có chứa thuỷ sản.

6. Sản xuất, kinh doanh thủy sản sau thu hoạch: là việc thu mua, lưu giữ, bảo quản, sơ chế, chế biến thủy sản sau hoạt động đánh bắt, khai thác tự nhiên hoặc nuôi trồng nhằm tạo ra thực phẩm thủy sản có thể tiêu dùng ngay hoặc tạo ra nguyên liệu hoặc bán thành phẩm cho khâu chế biến thủy sản.

Điều 4. Căn cứ để thực hiện giám sát ATTP thủy sản sau thu hoạch

Các quy định, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế ban hành và các quy định khác của nhà nước có liên quan về các chỉ tiêu ATTP đối với thủy sản sau thu hoạch.

Điều 5. Cơ quan giám sát ATTP thủy sản sau thu hoạch

1. Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản hoặc Cơ quan được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao nhiệm vụ quản lý chất lượng ATTP thủy sản (đối với các tỉnh chưa thành lập Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản) là Cơ quan giám sát ATTP thủy sản sau thu hoạch địa phương (sau đây gọi tắt là Cơ quan giám sát địa phương): chủ trì xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện giám sát về ATTP thủy sản sau thu hoạch tại địa phương sau khi kế hoạch được phê duyệt.

2. Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản là Cơ quan giám sát ATTP thủy sản sau thu hoạch Trung ương (sau đây gọi tắt là Cơ quan giám sát Trung ương): chủ trì tổng hợp kế hoạch giám sát thủy sản sau thu hoạch của Cơ quan giám sát địa phương trình Bộ phê duyệt, thực hiện giám sát đột xuất theo yêu cầu của Bộ và tổ chức triển khai, kiểm tra việc thực hiện giám sát ATTP thủy sản sau thu hoạch trên phạm vi toàn quốc.

[...]