Thông tư 60-TC/ĐTPT-1996 hướng dẫn việc quản lý, cho vay vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 60-TC/ĐTPT
Ngày ban hành 23/10/1996
Ngày có hiệu lực 23/10/1996
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Lê Thị Băng Tâm
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 60-TC/ĐTPT

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 1996

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 60 TC/ĐTPT NGÀY 23 THÁNG 10 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ CHO VAY VỐN TÍN DỤNG ƯU ĐÃI CỦA NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ban hành ngày 20-3-1996;
Căn cứ Nghị định số 42/CP ngày 16/7/1996 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 04/TTLB ngày 10-9-1996 của Liên bộ Bộ xây dựng - Bộ Kế hoạch và đầu tư - Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 42/CP ngày 16-7-1996 của Chính phủ;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, cho vay vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước như sau:

Phần 1:

 QUY ĐỊNH CHUNG

1- Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước dành cho đầu tư phát triển gồm:

- Vốn ngân sách hàng năm dành cho tín dụng đầu tư xây dựng cơ bản.

- Vốn huy động theo chủ trương của Chính phủ.

- Vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các nguồn viện trợ Quốc tế dành cho tín dụng đầu tư phát triển.

- Vốn thu hồi nợ vay (gốc và một phần lãi vay) các công trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước đã đầu tư trước đây đến hạn trả nợ.

- Các nguồn vốn khác theo quy định của Chính phủ.

2- Các dự án đầu tư xây dựng cơ bản vay vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước phải có đủ thủ tục theo Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng, có trong kế hoạch Nhà nước và có đủ điều kiện vay vốn quy định tại Thông tư này.

3- Hệ thống Tổng cục Đầu tư phát triển trực thuộc Bộ Tài chính (Tổng cục Đầu tư phát triển, Cục Đầu tư phát triển, Chi cục Đầu tư phát triển dưới đây gọi tắt là cơ quan Đầu tư Phát triển) thực hiện quản lý, cho vay, đảm bảo cấp vốn vay kịp thời, đầy đủ theo hợp đồng tín dụng, có trách nhiệm kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng vốn vay, thu hồi nợ vay (gốc và lãi) đầy đủ, đúng hạn. Cơ quan Đầu tư Phát triển được hưởng phí quản lý theo quy định hiện hành.

4- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các Tổng công ty thành lập theo Quyết định số 91/TTg ngày 7-3-1994 của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là các Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh) và chủ đầu tư vay vốn (say đây gọi là đơn vị vay vốn) chịu trách nhiệm thực hiện các quy định của Nhà nước về đầu tư và xây dựng, quản lý, sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Đơn vị vay vốn có trách nhiệm trả nợ vay (gốc + lãi) đúng hợp đồng tín dụng đã ký với cơ quan đầu tư phát triển, báo cáo quyết toán vốn đầu tư theo đúng quy định.

5- Lãi xuất cho vay vốn tín dụng của Nhà nước do Chính phủ quy định.

6- Việc quản lý cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các nguồn viện trợ Quốc tế dành cho đầu tư phát triển được thực hiện theo quy định riêng. Phần vốn đối ứng trong nước bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước được thực hiện theo các quy định tại Thông tư này.

Phần 2:

 QUY ĐỊNH CỤ THỂ

I- ĐỐI TƯỢNG VAY VỐN TÍN DỤNG ƯU ĐÃI CỦA NHÀ NƯỚC:

1- Các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế, các cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm có khả năng thu hồi vốn.

2- Các dự án đầu tư cho các ngành kinh tế quan trọng của Nhà nước trong từng thời kỳ.

3- Một số dự án đầu tư của các ngành có khả năng thu hồi vốn đã được xác định trong cơ cấu kế hoạch của Nhà nước.

Việc bố trí đầu tư cho các dự án nói trên do Chính phủ quyết định cụ thể cho từng đối tượng trong thời kỳ kế hoạch.

II- ĐIỀU KIỆN VAY VỐN TÍN DỤNG ƯU ĐÃI CỦA NHÀ NƯỚC:

Các dự án đầu tư được vay vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước phải đảm bảo các điều kiện sau đây:

1- Có báo cáo nghiên cứu khả thi và quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền.

2- Có quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán. Những dự án thuộc nhóm A, B, nếu chưa có thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán được duyệt, thì trong quyết định đầu tư phải quy định mức vốn của từng hạng mục và phải có thiết kế kỹ thuật và dự toán của hạng mục khởi công được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3- Được bố trí vào kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước; có hiệu quả kinh tế - xã hội, có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.

[...]