Thông tư 58/2000/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 01/2000/NĐ-CP ban hành Quy chế phát hành trái phiếu của Chính phủ do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 58/2000/TT-BTC
Ngày ban hành 16/06/2000
Ngày có hiệu lực 28/01/2000
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Vũ Văn Ninh
Lĩnh vực Chứng khoán,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 58/2000/TT-BTC

Hà Nội, ngày 16 tháng 6 năm 2000

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 58/2000/TT-BTC NGÀY 16 THÁNG 6 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỂM CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 01/2000/NĐ-CP NGÀY 13/01/2000CỦA CHÍNH PHỦ VỀ BAN HÀNH QUY CHẾ PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ

Thi hành Nghị định số 01/2000/NĐ-CP ngày 13/01/2000 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế phát hành trái phiếu Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn một số điểm về trái phiếu Chính phủ và phát hành trái phiếu Chính phủ qua hệ thống Kho bạc Nhà nước như sau:

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VỀ TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ

1. Hình thức trái phiếu Chính phủ:

1.1. Trái phiếu Chính phủ được phát hành dưới dạng chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ.

a) Chứng chỉ trái phiếu có 2 phần: phần thân giao cho tổ chức, cá nhân mua trái phiếu (gọi tắt là người mua trái phiếu); phần cuống lưu tại cơ quan Kho bạc Nhà nước. Chứng chỉ trái phiếu do Bộ Tài chính quy định mẫu và có các nội dung chính sau:

- Tên cơ quan phát hành;

- Mệnh giá, số sê ri;

- Thời hạn, lãi suất trái phiếu;

- Tên tổ chức hoặc cá nhân sở hữu trái phiếu (trường hợp trái phiếu có ghi tên);

- Ngày phát hành, ngày đến hạn thanh toán;

- Chữ ký của Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước.

Căn cứ vào kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ đã được phê duyệt, Kho bạc Nhà nước Trung ương có trách nhiệm tổ chức in và quản lý thống nhất chứng chỉ trái phiếu trong phạm vi cả nước.

b) Bút toán ghi sổ là hình thức phát hành không sử dụng chứng chỉ trái phiếu. Kho bạc Nhà nước hoặc đơn vị được uỷ nhiệm mở sổ theo dõi việc mua trái phiếu của từng cá nhân, tổ chức.

Trái phiếu Chính phủ phát hành qua hệ thống Kho bạc Nhà nước dưới hình thức bút toán ghi sổ áp dụng đối với các đối tượng mua trái phiếu có số tiền từ 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng) trở lên hoặc theo yêu cầu của người mua trái phiếu. Sổ theo dõi mua trái phiếu được lập thành 2 liên theo mẫu đính kèm: liên 1 lưu tại Kho bạc Nhà nước nơi phát hành trái phiếu, liên 2 giao cho cá nhân, đơn vị mua trái phiếu.

1.2. Trái phiếu Chính phủ được phát hành dưới hình thức có ghi tên và không ghi tên.

a) Trái phiếu có ghi tên là loại trái phiếu ghi tên tổ chức, cá nhân sở hữu trái phiếu trên chứng chỉ trái phiếu hoặc trên sổ theo dõi mua trái phiếu.

b) Trái phiếu không ghi tên là loại trái phiếu không ghi tên tổ chức, cá nhân sở hữu trái phiếu trên chứng chỉ trái phiếu.

2. Lãi suất trái phiếu Chính phủ:

2.1. Lãi suất trái phiếu Chính phủ do Bộ Tài chính công bố cho từng đợt phát hành theo một trong các phương thức sau:

- Lãi suất cố định áp dụng cho cả kỳ hạn trái phiếu;

- Lãi suất linh hoạt, phụ thuộc vào sự biến động của thị trường vốn. Mức lãi suất chính thức được công bố trước theo từng thời gian hoặc vào các thời điểm đến hạn thanh toán lãi trái phiếu.

- Lãi suất chỉ đạo để tổ chức đấu thầu chọn lãi suất phát hành: Là mức lãi suất tối đa mà đơn vị tham gia đấu thầu có thể trúng thầu. Tuỳ tình hình thị trường, Bộ Tài chính có thể quy định hoặc không quy định mức lãi suất chỉ đạo chọn lãi suất phát hành.

2.2. Căn cứ xác định lãi suất trái phiếu Chính phủ:

- Chỉ số biến động giá bình quân trên thị trường do Tổng cục Thống kê công bố.

- Lãi suất huy động vốn của các tổ chức tín dụng.

- Thời hạn trái phiếu.

[...]