Thông tư 57-TC/TCT hướng dẫn thi hành Nghị định 45/CP-1996 bổ sung Điều 10 Nghị định 60/CP-1994 về quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại đô thị do Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu | 57-TC/TCT |
Ngày ban hành | 23/09/1996 |
Ngày có hiệu lực | 03/08/1996 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Người ký | Vũ Mộng Giao |
Lĩnh vực | Bất động sản,Quyền dân sự |
BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 57-TC/TCT |
Hà Nội, ngày 23 tháng 9 năm 1996 |
Thi hành Nghị định số 45/CP ngày 3/8/1996 của Chính phủ về việc bổ sung Điều 10 của Nghị định số 60/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ về quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại đô thị; Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thu tiền sử dụng đất khi xét cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở như sau:
1. Điều 1, Nghị định số 45/CP ngày 3/8/1996 của Chính phủ quy định:
"- Trường hợp đất đã được sử dụng làm đất ở ổn định trước ngày 18 tháng 12 năm 1980 (ngày ban hành Hiến pháp năm 1980), không có đủ giấy tờ hợp lệ, nay xét phù hợp quy hoạch, không có tranh chấp và được Uỷ ban nhân dân phường chứng nhận thì được xét cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở và không phải nộp tiền sử dụng đất.
- Trường hợp đất đã được sử dụng làm đất ở ổn định trong thời gian từ ngày 18/12/1980 đến ngày 15/10/1993 (ngày Luật đất đai có hiệu lực) nhưng không có đủ giấy tờ hợp lệ, nay xét phù hợp với quy hoạch, không có tranh chấp thì được xét cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở và phải nộp 20% tiền sử dụng đất.
- Trường hợp sử dụng làm đất ở sau ngày 15 tháng 10 năm 1993, không có đủ giấy tờ hợp lệ, nay xét phù hợp với quy hoạch, không có tranh chấp thì được xét cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở và phải nộp 100% tiền sử dụng đất."
Như vậy theo quy định trên thì:
a) Tất cả các trường hợp sử dụng đất ở không đủ căn cứ chứng minh theo các điều kiện đã quy định tại trường hợp 1, trường hợp 2 (gạch đầu dòng thứ nhất, thứ hai) nêu trên, nay xét hợp thức hoá thì đều thực hiện theo quy định tại trường hợp 3 của điều khoản trích dẫn trên đây.
b) Việc xem xét cấp giấy chứng nhận về quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở xét theo hiện trạng đất đạng ở của chính chủ nhà, không hồi tố đối với các trường hợp đất ở đã luân chuyển qua nhiều chủ, do đó thời điểm phân biệt để áp dụng các mức thu tiền sử dụng đất là thời điểm sở hữu, sử dụng của chủ nhà đứng ra xin hợp thức hoá nhà ở, đất ở.
Ví dụ: Ông A mua một mảnh đất chưa có giấy tờ hợp lệ của ông B có giấy mua bán thị thực của UBND phường vào năm 1992. Ông B đã ở mảnh đất đó từ năm 1979. Nay ông A xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở cho mình thì thời điểm để phần biệt mức thu là năm 1992.
a) Trước khi nộp hồ sơ xin hợp thức hoá quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở cho cơ quan có thẩm quyền, chủ nhà phải tiến hành thủ tục kê khai và nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Thông tư này.
Ngoài các loại giấy tờ do Tổng cục địa chính quy định cho việc hợp thức hoá quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở, khi đến cơ quan thuế làm thủ tục nộp tiền sử dụng đất, chủ nhà phải kê khai đúng theo mẫu tờ khai quy định kèm theo Thông tư này. Tờ khai được lập thành 2 bản, 1 bản trả lại cho chủ nhà sau khi đã tính và duyệt thu (thay thông báo), 1 bản do cơ quan thuế lưu giữ. Các trường hợp không phải nộp tiền sử dụng đất, cơ quan thuế cũng phải xác định rõ trong tờ khai của chủ nhà. Ngoài tờ khai nộp tiền sử dụng đất, các căn cứ khác kèm theo cho từng trường hợp cụ thể như sau:
- Đối với trường hợp 1:
+ Biên lai nộp thuế nhà đất theo quy định tại Pháp lệnh thuế nhà đất (bản sao có công chứng) của đúng tên người xin hợp thức hoá quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở và phù hợp với thời gian đã sử dụng nhà ở, đất ở.
+ Bản sao hộ khẩu (nếu có).
+ Chứng nhận của UBND phường xác định đúng chủ sở hữu nhà ở, chủ sử dụng đất ở; thời điểm sở hữu, sử dụng.
+ Các giấy tờ khác liên quan đến nhà ở, đất ở chứng minh thời điểm sở hữu nhà ở, sử dụng đất ở của chủ nhà (nếu có).
- Đối với trường hợp 2:
+ Biên lai nộp thuế nhà đất theo quy định tại Pháp lệnh thuế nhà đất (bản sao có công chứng) của đúng tên người xin hợp thức hoá quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở và phù hợp với thời gian đã sử dụng nhà ở đất ở.
+ Bản sao hộ khẩu (nếu có).
+ Các giấy tờ khác liên quan đến nhà ở, đất ở (nếu có).
- Đối với trường hợp 3:
+ Biên lai nộp thuế nhà đất theo quy định tại Pháp lệnh thuế nhà đất (bản sao có công chứng) của đúng tên người xin hợp thức hoá quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở và phù hợp với thời gian đã sử dụng nhà ở đất ở.
+ Bản sao hộ khẩu (nếu có).
Mọi trường hợp chưa nộp thuế nhà đất đều phải truy thu đủ tiền thuế phải nộp, ngoài ra tuỳ theo mức độ vi phạm còn xử lý phạt theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
b) Chậm nhất trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của chủ nhà, cơ quan thuế phải tính, duyệt trong tờ khai số tiền sử dụng đất phải nộp và thông báo (bằng tờ khai) cho đối tượng nộp. Căn cứ vào số tiền sử dụng đất phải nộp đã được duyệt trong tờ khai, chủ nhà trực tiếp nộp tiền (tiền mặt hoặc chuyển khoản) vào kho bạc Nhà nước, nếu Kho bạc chưa tổ chức thu tiền thì nộp trực tiếp cho cơ quan thuế.